Nghi án hãng Fonterra "bưng bít" thông tin sữa nhiễm độc

Thủ tướng New Zealand John Key ngày 5/8 cáo buộc hãng sữa Fonterra chậm trễ trong việc phát đi cảnh báo về các sản phẩm nhiễm độc có thể gây tử vong sau khi phát hiện vấn đề từ tháng 5/2012.

Thủ tướng New Zealand John Key ngày 5/8 cáo buộc hãng sữa Fonterra chậm trễ trong việc phát đi cảnh báo về các sản phẩm nhiễm độc có thể gây tử vong sau khi phát hiện vấn đề từ tháng 5/2012.

Thủ tướng Key nói rằng, ông lo ngại rằng cuộc khủng hoảng sữa nhiễm độc của Fonterra sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng nguồn cung các sản phẩm sữa “sạch, xanh” của ngành sản xuất sữa bột New Zealand, đặc biệt là các sản phẩm sữa cho trẻ sơ sinh được xem là tiêu chuẩn vàng tại khu vực châu Á.

Theo thủ tướng Key, các kết quả kiểm tra hồi năm ngoái đã cho thấy 3 lô sữa cô đặc của Fonterra có vấn đề.

Trụ sở công ty sữa Fonterra. Ảnh:Internetthực hiện.
Trụ sở công ty sữa Fonterra. Ảnh:Internetthực hiện.

Tuy nhiên, ông Key nói, không hiểu tại sao Fonterra lại không hành động ngay lập tức?. “Tôi thấy hơi lạ là vào tháng 5/2012, khi những lô sữa cô đặc này được sản xuất, Fonterra đã phát hiện điều gì đó trong kết quả kiểm tra nhưng rõ ràng công ty lại không lo lắng về điều này vì họ vẫn cho xuất các lô sữa”, thủ tướng New Zealand nói.

Ông Key cũng cho biết, chính phủ New Zealand đã thành lập một nhóm gồm hơn 60 người để xem xét vụ việc và thậm chí có thể sẽ xem xét về mặt pháp lý đối với cách thức xử lý cuộc khủng hoảng sữa nhiễm độc của Fonterra.

Trước đó, ngày 3/8, Fonterra tiết lộ rằng một sản phẩm sữa protein cô đặc, được dùng để sản xuất sữa bột cho trẻ sơ sinh và các loại nước tăng lực, của hãng này đã bị nhiễm vi khuẩn có thể gây ra chứng ngộ độc thịt. Fonterra khẳng định hiện vẫn chưa có báo cáo nào về các trường hợp mắc bệnh có liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm có chứa vi khuẩn Clostridium, có thể gây ra chứng ngộ độc thịt, có thể dẫn tới bị liệt hoặc thậm chí tử vong.

Fonterra nói rằng việc nhiễm khuẩn là do một đường ống bị bẩn tại một nhà máy chế biến ở North Island. Các lô sữa protein cô đặc bị nhiễm độc đã được xuất sang các nước: Australia, Trung Quốc, Malaysia, Ả rập Xê-út, Thái Lan và Việt Nam. Ông Theo Spierings – giám đốc Fonterra – đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc nhưng bác bỏ cáo buộc rằng công ty đã cố tình che giấu việc sản phẩm của mình có vấn đề.

Trung Quốc – một thị trường chính nhập khẩu các sản phẩm sữa của New Zealand – đã nhanh chóng hành động. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 4/8 đưa tin, giới chức nước này đã yêu cầu thu hồi một số sản phẩm sữa có khả năng bị ảnh hưởng.

Trong số các sản phẩm bị thu hồi tại Trung Quốc có sản phẩm sữa trẻ em do Dumex – công ty con của hãng sản xuất thực phẩm Pháp Danone - sản xuất. Hai công ty khác là Hangzhou Wahaha và công ty con của Coca-Cola tại Trung Quốc cũng đã được yêu cầu ngừng bán các sản phẩm có chứa các nguyên liệu bị nghi nhiễm độc.

Một người phát ngôn của Coca-Cola ngày 5/8 nói rằng công ty đang chuẩn bị thu hồi một số lô sản phẩm nước ngọt Minute Maid Pulpy Milky sản xuất ở Trung Quốc. Bộ trưởng thương mại New Zealand ngày 4/8 cho biết, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu tất cả các loại sữa bột từ New Zealand và Australia.

Còn ở Nga, hãng tin Ria Novosti cho biết, Moscow cũng đã thu hồi các sản phẩm của Fonterra, trong đó có sản phẩm sữa dành cho trẻ em và khuyến cáo người dân không mua các sản phẩm của hãng sữa này. Singapore trong một động thái đề phòng cũng cho biết đã thu hồi 2 lô sản phẩm (mã hiệu FGMG2RG0900TNSG29 06043R1 và FGMG2RG1600TNSG29 06053R1) thuộc dòng sản phẩm sữa trẻ em PreciNutri Step 2 Follow-up  của công ty thực phẩm Dumex. Hai lô sản phẩm này được cho là có thể đã bị ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu nhiễm khuẩn của Fonterra.

Tại Malaysia, hãng sữa Dumex đã tuyên bố thu hồi một số dòng sản phẩm sữa công thức trong khi Dumex tại Thái Lan bước đầu thu hồi 5 dòng sản phẩm sữa công thức. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Thái Lan cũng đã ra lệnh thu hồi khẩn cấp các sản phẩm của Fonterra nhập khẩu từ tháng 5/2013 để kiểm tra.

Phó tổng giám đốc FDA Srinuan Korakotchakorn nói rằng cơ quan này đang xác định các sản phẩm bị ảnh hưởng và sẽ ban hành thêm các lệnh thu hồi nếu cần thiết. Tại New Zealand, Nutricia – một chi nhánh của Danone – cũng đã thu hồi một số sản phẩm sữa trẻ em đã được bán ra dưới nhãn hiệu Karicare.

Tại Việt Nam, Tuổi Trẻ Online cho hay, công ty Abbott Nutrition VN vừa thông báo đề nghị các khách hàng đổi hoặc hoàn trả sản phẩm Similac GainPlus EyeQ mới (số 3, dành cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi, loại hộp 400g và 900g) ở 11 lô sữa nghi nhiễm khuẩn đang được bày bán trên thị trường.

Abbott VN khuyến cáo người tiêu dùng nên ngưng sử dụng và mang những sản phẩm này đến nơi bán hàng để được đổi sản phẩm.

Các lô có thể bị ảnh hưởng bao gồm: 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54119, 2567G54119, 2567G54120, 2676G54120.

Thống kê sơ bộ của Abbott VN cho biết trong vòng 36 giờ qua đã thu hồi được 10.135 thùng trong tổng số 12.927 thùng đã bán ra thị trường. Hiện công tác thu hồi đang tiếp tục.

Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm