Nghị định 167/NĐ-CP: Cần phải được xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn

(PLO) - Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018) có nhiều điểm tiến bộ so với các quy định trước đó. Tuy nhiên, một số điều, khoản của Nghị định này cũng cần phải được xem xét lại cho phù hợp hơn với thực tế. 

Điều 9 Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định 6 trường hợp thu hồi nhà, đất và 1 trường hợp tùy nghi. 

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 9 quy định: “Việc thu hồi nhà, đất được áp dụng trong các trường hợp sau” là chưa chính xác. Cần thiết phải sửa đổi là “Việc thu hồi nhà, đất được áp dụng khi có một trong các trường hợp sau”. Bởi vì khi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp không sử dụng nhà, đất liên tục quá 12 tháng hoặc tự nguyện trả lại nhà, đất… thì sẽ bị thu hồi. Nếu giữ nguyên nội dung tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này thì có thể sẽ gây ra cách hiểu không đúng là khi và chỉ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nhà đất thuộc tất cả 6 trường hợp quy định và 1 trường hợp tùy nghi thì mới bị thu hồi.

Điểm d khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định: “Việc thu hồi nhà, đất được áp dụng trong các trường hợp sau: a)… d) Chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định”.

Trong thực tiễn có thể xảy ra trường hợp thứ nhất, khi phát hiện cơ quan, tổ chức chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định nhưng một trong các bên liên quan chưa khởi kiện ra tòa án thì cơ quan chức năng có quyền thu hồi.

Tuy nhiên, trường hợp thứ hai có thể xảy ra là một trong các bên liên quan đã khởi kiện và tòa án đã thụ lý. Trường hợp này cơ quan chức năng không thể thu hồi bởi vì tòa án đã thụ lý thì tòa án có trách nhiệm giải quyết. Tuy tòa án có quyền “Tạm đình chỉ giải quyết vụ án” nhưng về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực cao hơn Nghị định. Do đó, nếu Nghị định có độ “vênh” so với Bộ luật thì áp dụng quy định của Bộ luật. 

 Vì vậy, để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất giữa Nghị định và Bộ luật cần sửa đổi nội dung trên theo hướng: “Việc thu hồi nhà, đất được áp dụng trong các trường hợp sau: a)… d) Chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định, trừ trường hợp vụ việc đã được tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý”.

Khoản 4 Điều 15 “Xử lý nhà, đất sử dụng không đúng quy định” Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định vào ngân sách...”.

Vấn đề cần làm rõ ở đây là “số tiền thu được từ việc cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết” được hiểu như thế nào? Trong thực tế, có nhiều trường hợp các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết ghi số tiền cho thuê ở mức thấp nhưnggiao dịch ngầm với nhau ở mức cao gấp nhiều lần và số tiền này không được thể hiện trong báo cáo tài chính, trong chứng từ kế toán mà “chảy” vào túi của những cán bộ thoái hóa, biến chất. Đây chính là một trong những nguồn cơn của tham nhũng, tham ô làm thoái hóa cán bộ, công chức, viên chức. 

Vì thế, để hạn chế và chấm dứt tình trạng “giao dịch ngầm” trục lợi từ nhà, đất là tài sản công; cần sửa đổi khoản 4 Điều 15 nói trên theo hướng mở rộng nội hàm khái niệm “số tiền thu được” hoặc dùng khái niệm khác. Còn các điều khoản khác của Nghị định khái niệm “số tiền thu được” là hợp lý, không cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Ngoài ra, trong phần Phụ lục của Nghị định 167/2017/NĐ-CP chỉ đưa ra 2 mẫu là ít. Nên chăng cần ban hành thêm nhiều mẫu nữa kèm theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP như các mẫu quyết định, thông báo để bảo đảm tính dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư HÀ HUY TỪ  

Đọc thêm