Nghi lễ trưởng thành của người đàn ông Ê-đê

(PLVN) - Người đàn ông trong cộng đồng người Ê-đê chỉ được thừa nhận là biết gánh vác mọi công việc của gia đình và buôn làng khi đã trải qua lễ cúng trưởng thành (tiếng Ê-đê gọi là Mpú toh kông). Nghi lễ này là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện sự kết nối với các bậc thần linh, cộng đồng theo tín ngưỡng của đồng bào Ê-đê. 
Lễ trưởng thành sẽ bắt đầu với nghi lễ rửa mặt.

Chưa qua lễ... chưa trưởng thành

Người Ê - đê ở Việt Nam sống tập trung chủ yếu tại các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa. Người Ê- đê ở Việt Nam ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình. Người Ê- đê ở Phú Yên nói riêng và nhiều tỉnh thành nói chung đều theo tín ngưỡng đa thần. 

Lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ bắt chồng, lễ tiễn đưa, lễ bỏ mả là các nghi lễ vòng đời quan trọng của người Ê- đê. Trong đó, lễ cũng trưởng thành cho người đàn ông là một nghi thức rất quan trọng ở cuộc đời của họ. Bởi nghi lễ này khẳng định người đàn ông Ê - đê đã trưởng thành, có thể gánh vác các công việc nặng nhọc của gia đình, của buôn làng.

Theo phong tục truyền thống, đàn ông Ê- đê dù ở độ tuổi nào nhưng chưa làm lễ trưởng thành thì vẫn chưa được công nhận là người lớn. Người đàn ông đó sẽ chưa nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của bản làng để nhận các trọng trách liên quan tới gia đình, làng bản.

Qua các nghi lễ này, các phong tục, tập quán xã hội được duy trì, các trang phục truyền thống được sử dụng một cách trân trọng, văn hóa cồng chiêng cũng được thực hành cùng với các điệu nhảy, điệu múa truyền thống, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của người Ê-đê. 

Lễ cúng trưởng thành của người Ê-đê phải thực hiện 5 lần trong 5 ngày. Lễ được tổ chức lớn hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, cũng như từng địa phương, nhưng theo thông lệ thì tất cả mọi người trong buôn làng sẽ cùng đến chia vui với gia đình.

Tùy vào điều kiện kinh tế gia đình mà làm lễ sớm hay muộn. Với người Ê-đê, phải cúng từ gà đến trâu. Lễ này do cha mẹ chuẩn bị. Nếu cha mẹ không có điều kiện thì họ hàng có thể cúng thay. 

Trước khi bắt đầu lễ cúng, từ sáng sớm, người được cúng đi ra bến nước của làng rửa mặt trước sự chứng giám của Yàng (trời) và thần bến nước cùng đông đảo bà con trong làng. Khi đã gội đầu xong, người này hứng nước đầy vào quả bầu eo để mang về làm lễ cúng Yàng. Việc làm này có ý nghĩa là để tẩy chay, rửa sạch tội trong quá khứ.

Truyền thống đề ra rằng, người đàn ông Ê-đê muốn được cộng đồng công nhận trưởng thành phải làm lễ tới 5 lần. Lễ vật chính trong ngày đầu tiên của lễ cúng trưởng thành là một ché rượu cần và một con gà. Sau khi thầy cúng cúng xong, mẹ của chàng trai đến ché rượu cần lấy rượu ra để mời dòng họ cùng người làng, sau đó đến lượt cha chàng trai. Bởi người Ê-đê theo chế độ mẫu hệ nên việc mẹ chàng trai làm trước cha là điều hoàn toàn dễ hiểu.  

Trong ngày thứ hai, lễ vật là 7 ché rượu cần, một con heo thiến, một cây nến và một thanh củi còn cháy. 5 ché rượu cần, một đĩa thịt heo sẽ được dùng làm lễ trong ngày thứ 3. Trong đó, ché rượu đầu tiên được dùng để cúng và 4 ché rượu còn lại sẽ để mời khác. Ngày thứ 4 là 3 ché rượu cần và một đĩa thịt heo, trong đó ché rượu đầu tiên dùng để cúng, 2 ché rượu còn lại dùng để mời khách. Ngày cuối cùng, lễ vật chính là một ché rượu cần.

Tuy nhiên, cũng có sự khác nhau về lễ vật trong các ngày lễ của người Ê-đê tại các vùng khác nhau. Ví như người Ê-đê ở ở buôn Hai Krông (xã Ea Bia, tỉnh Phú Yên), lễ vật chính của ngày đầu tiên là một ché rượu cần và một con gà.

Ngày thứ 2 là 3 ché rượu cần và 3 con gà. Ngày thứ 3 là 3 ché rượu cần và một con heo. Ngày thứ 4 là 5 ché rượu cần và một con heo thiến lớn đủ để đãi bà con trong buôn một bữa ăn no. Ngày thứ 5 là 7 ché rượu cần và một con heo thiến nhỏ.

Dù lễ vật ở mỗi địa phương có khác nhau, nhưng trong quá trình cúng, thầy cúng thay mặt buôn làng, thay mặt họ tộc người được cúng xin phép Yàng, xin phép thần linh cho người này được trưởng thành. Trong quá trình diễn ra 5 ngày cúng, tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng hòa quyện vào nhau. 

 Trong nhà tại gian khách (ook), thầy cúng lần lượt cúng thần Yàng lần thứ nhất, lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4, lần thứ 5. 

Sau khi cúng xong, thầy cúng đeo chiếc vòng đồng do người thân chuẩn bị sẵn vào tay người được cúng. Chiếc vòng đồng đeo tay trong lễ cúng trưởng thành có ý nghĩa biểu tượng của cuộc sống. Đó là khẳng định rằng, buôn làng đã trao cho người đàn ông sức mạnh và có thể gánh vác công việc nặng nhọc của gia đình, của buôn làng. 

Bảo tồn văn hóa người Ê-đê

Đối với nhiều người, việc một dân tộc theo truyền thống mẫu hệ như người Ê-đê mà người đàn ông lại có một nghi lễ riêng đánh dấu sự trưởng thành cũng như được giao nhiều trọng trách lớn trong xã hội là điều khó hiểu. Tuy nhiên, thực tế, theo chế độ mẫu hệ của người Ê-đê người phụ nữ chịu trách nhiệm trong quản lý gia đình,chăm sóc con cái, mồ mả tổ tiên, của cải thừa kế cho con cái...

Đàn ông chịu trách nhiệm trong việc ngoại giao, giao lưu buôn bán với cộng đồng bên ngoài đồng thời các vấn đề tôn giáo và chính trị cũng là trách nhiệm của người đàn ông. Cho nên vai trò và địa vị của đàn ông Ê đê bên ngoài xã hội là rất lớn. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, trong gia đình người Ê-đê, tuy phụ nữ là chủ gia đình nhưng người đàn ông cũng đóng một vai trò nhất định trong gia đình.

Ông Thiệu cho hay: Đúng là phụ nữ quyết định, nhưng quyết định qua vị thế của người đàn ông. Ví dụ như trong sử thi Đam San chẳng hạn. Khi Đam San làm tù trưởng nhân dân, vợ đã thể hiện quyền lực ra bên ngoài, bởi vì vợ là dòng tù trưởng. Điều khiển cuộc chiến tranh, điều khiển ngoài cộng đồng thì người đàn ông đứng ra điều khiển, chứ không phải người phụ nữ. Người phụ nữ chỉ điều khiển ở phía sau.

Nếu đến thăm một gia đình người Êđê, người thay mặt cho gia đình ra tiếp khách bao giờ cũng là nam giới, thường là con trai hoặc người chồng của bà chủ nhà. Nam giới Êđê là người đại diện cho gia đình và dòng họ mẹ mình trong đối ngoại và xử lý công việc khi có việc xảy ra trong dòng họ mẹ mình như ma chay, cưới hỏi... Bởi vậy, nghi lễ trưởng thành được ví như “con dấu” công nhận khả năng gánh vác, đại diện cho gia đình tham gia vào các quan hệ cộng đồng của người đàn ông Ê-đê. 

 Sau khi kết thúc các nghi lễ chàng trai được thầy cúng đeo chiếc vòng đồng đánh dấu sự trưởng thành.

Để bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của người Ê-đê, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ khoa học “Lễ cúng trưởng thành của người Ê-đê Phú Yên”. Tới ngày 23/11/2018, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê ở H.Sông Hinh và H.Sơn Hòa (Phú Yên) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là vinh dự lớn đối với cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và người Ê-đê nói riêng.

Trong buổi lễ nhận bằng công nhận, ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã nhấn mạnh: Việc công nhận Lễ cúng trưởng thành của người Ê-đê là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự vinh danh xứng đáng.

Để bảo tồn nét văn hóa đặc sắc này, tỉnh giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với UBND các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa tuyên truyền, vận đồng đồng bào dân tộc Ê-đê thực hiện việc bảo tồn và thực hành Lễ cúng trưởng thành, duy trì tổ chức nghi lễ này trong các gia đình. 

Đồng thời, khuyến khích việc truyền dạy cho đội ngũ kế cận thực hành di sản. Tỉnh cũng đề nghị cơ quan chuyên môn hướng dẫn các nghệ nhân lập hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Ngoài ra, tỉnh cũng vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, phát huy tối đa nét văn hóa truyền thống của cộng đồng, góp phần giữ gìn những bản sắc văn hóa của dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển.

Đọc thêm