Nghệ nhân Sinh vật cảnh Đoàn Văn Vĩnh (đứng giữa) ở thôn 3, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chuyên trồng cây cảnh, mỗi năm thu nhập 400-500 triệu đồng. Ảnh: Đức Hoa |
Những năm gần đây, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) đẩy mạnh phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong sản xuất lúa, xã đã tổ chức cấy khảo nghiệm và chọn được các giống lúa lai mới như TH 3-3, Nhị ưu 838, D.ưu 252... có giá trị kinh tế, tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện đồng đất của địa phương, đồng thời chỉ đạo HTX hướng dẫn xã viên thực hiện đúng quy trình gieo cấy, theo dõi, phòng trừ kịp thời các loại sâu, bệnh hại lúa. Năng suất lúa bình quân cả năm của xã đạt 122-123 tạ/ha, trong đó, năng suất lúa xuân có vụ đạt 72- 73 tạ/ha. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, năm 2009, diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa của xã đạt gần 70 ha, gồm 25 ha cà chua, 10 ha cải dầu, 10 ha bí xanh và các loại rau màu khác. Bình quân một sào trồng cà chua cho năng suất 1,5-1,7 tấn/sào, trừ chi phí cho thu lãi 1,7-1,8 triệu đồng. Cây cải dầu cho năng suất 25-30 kg hạt/sào, trừ chi phí thu lãi gần 1 triệu đồng. Nhiều hộ đã có thu nhập cao từ trồng cây vụ đông như hộ ông Phạm Văn Dương trồng 1,5 mẫu cà chua và rau màu thu 15 triệu đồng; ông Trần Văn Vỵ trồng 1,4 mẫu, thu 14 triệu đồng; ông Trần Văn Tỳ trồng 1 mẫu, thu 10 triệu đồng... Từ năm 2000, xã đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ có diện tích cấy lúa, trồng màu năng suất thấp, kém hiệu quả chuyển sang nuôi thủy sản. Các hộ tham gia chuyển đổi được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh cho con nuôi. Đến nay, diện tích chuyển đổi đạt gần 7 ha ở cả 3 thôn Thư Điền, Tây Thành, Chỉ Thiện, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, xã đã quy hoạch thêm 15 ha chuyển đổi sang nuôi thủy sản tại xóm Liên Thành. Đây là diện tích quỹ đất công ích của xã quản lý, thuộc khu vực sông Âm Sa 13 và Âm Sa 14. Đến nay, đã có 3 hộ đăng ký tham gia chuyển đổi với diện tích khoảng 2 ha, trong đó có hộ anh Trần Văn Triển đang đầu tư vốn vượt lập, đào ao và có hướng phát triển theo mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Hộ anh Vũ Văn Kiêu, Đỗ Viết Hưng dự kiến cuối năm 2010 sẽ triển khai đào ao, xây dựng chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm...
Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xã Nghĩa Thành còn khuyến khích các hộ phát triển CN-TTCN, đưa ngành nghề phụ về địa phương. Trên địa bàn xã hiện có nhà máy gạch tuynel 27-7, tạo việc làm cho 55-60 lao động với thu nhập bình quân 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở chạm khắc đá của gia đình anh Đinh Văn Đạt (xóm Bảo Điền) tạo việc làm cho hơn 20 lao động, thu nhập bình quân 1,7 triệu đồng/người/tháng. Tháng 4-2009, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến công tỉnh và Cty TNHH Phúc Hưng (Trực Ninh), xã đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề đan cói xuất khẩu thu hút 250 người tham gia; hiện số lao động trên đều đã thạo nghề và có việc làm ổn định trong thời gian nông nhàn, thu nhập bình quân 700-800 nghìn đồng/người/tháng. Đến nay, số dư nợ qua các kênh vay vốn gia đình ở Nghĩa Thành đã đạt gần 16 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình đã có điều kiện phát triển kinh tế, mở mang ngành nghề, kinh doanh dịch vụ. Tiêu biểu như các ông Đặng Văn Ngọc, xóm Công Điền mua máy cày bừa, tuốt lúa, phục vụ sản xuất nông nghiệp; ông Phan Văn Hóa, xóm Liên Thành vay vốn kinh doanh vật tư nông nghiệp...
Trong thời gian tới, xã Nghĩa Thành tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, coi trọng thâm canh cây lúa, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa, đưa các giống cây trồng mới có giá trị, năng suất cao vào gieo trồng. Thực hiện lập kế hoạch, quy hoạch vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất 2 lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao theo mô hình trang trại, gia trại để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khuyến khích các hộ mở rộng, phát triển ngành nghề CN-TTCN, đưa thêm nhiều ngành nghề mới về địa phương, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giữ vững ổn định kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân./.
Thanh Thủy