Nghịch lý giá gas!

Trong 3 tháng đầu năm, khi giá gas thế giới tăng thì giá bán lẻ trong nước đều kịp “nhanh chân” tăng cao hơn so với giá thế giới. Còn trong 3 tháng quý 2/2012, khi giá gas thế giới giảm mạnh thì giá gas trong nước lại chỉ giảm “nhỏ giọt”.

Bắt đầu từ hôm qua, ngày 1/6 giá gas đã giảm 30.000 đồng/bình 12kg. Tuy nhiên, giá trong nước vẫn còn bỏ xa so với giá thế giới.

Tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước mới đây, ông Trần Trọng Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam – mô tả, trong 5 tháng đầu năm giá gas biến động lên xuống rất mạnh, lúc thì giá lên cao vút, lúc lại xuống rất nhanh. Theo vị này, tính đến hết quý 1/2012, so với giá cuối năm 2011 thì tổng giá gas theo hợp đồng nhập khẩu CP (giá thế giới) tăng đến 410 USD/tấn, nhưng từ tháng 4 đến đầu tháng 6/2012 dự kiến giảm xuống 450 USD/tấn.

Ảnh minh họa.

“Vì thị trường trồi sụt với biên độ mạnh nên hoạt động kinh doanh gas của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong điều tiết nguồn nhập khẩu và giải quyết hàng tồn kho. Theo thông tin thị trường quốc tế, trong tháng 6 giá gas CP (nhập khẩu theo hợp đồng bình thường) sẽ tiếp tục giảm khoảng 100- 120 USD/tấn. Tuy nhiên, do thiếu nguồn, giá trong nước chỉ giảm khoảng 50% so với mức giảm của giá thế giới” – vị này trần tình.

Cụ thể, nguồn gas trong nước bắt đầu thiếu, vì từ ngày 15/5 đến 30/6 Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng để bảo dưỡng tổng thể và thực hiện công tác bàn giao hết giai đoạn chạy thử giữa Technip và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nên nguồn gas cần nhập khẩu trong thời gian này ước khoảng 70.000 tấn.

“Vì để kịp cung cấp đủ nguồn gas trong thời gian Nhà máy Dung Quất ngừng hoạt động nên các đơn vị đầu mối nhập khẩu gas đang tiến hành ký hợp đồng nhập khẩu giao ngay (spot). Tuy nhiên, giá đàm phán nhập khẩu spot cao hơn giá CP khoảng 60-80 USD/tấn. Với lý do đó nên từ 1/6, mặc dù giá thế giới giảm mạnh nhưng giá gas trong nước chỉ giảm khoảng 50% so với mức giảm giá CP” –đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam trình bày .

Thông tin cho giới truyền thông, ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh gas Saigon Petro cho biết, từ ngày 1/6, giá bán gas SP sẽ giảm 2.500 đồng/kg (đã có VAT), tương đương 30.000 đồng/bình 12kg so với giá gas tháng 5. Với mức giảm trên, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng trong khu vực TP.HCM là 340.000 đồng/bình 12kg (giá tháng 5 là 370 nghìn đồng/bình 12 kg).

Trong khi đó, theo ông Lê Anh Dũng - Phó Tổng giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Năng lượng Đại Việt (Vinagas), giá gas bán lẻ trong nước “có thể giảm khoảng 40.000 đồng/bình 12kg”.

Người bán hàng thì vẫn luôn có nhiều cách nói nhưng tựu trung chỉ có một hệ quy chiếu, đó là lợi ích mà thôi. Nhìn lại, tháng 1 giá CP tăng 85 USD/tấn (tương đương gần 1.800 đồng/kg) thì giá bán lẻ tăng 2.000 đồng/kg; tháng 2 giá CP tăng 145 USD/tấn (tương đương khoảng 3.000 đồng/kg) thì giá bán lẻ tăng 3.500 đồng/kg; tháng 3 giá CP tăng 180 USD/tấn (tương đương gần 3.800 đồng/kg) thì giá bán lẻ trong nước tăng hơn 4.300 đồng/kg. Còn trong quý 2, tháng 4 giá CP giảm 17,6% thì giá bán lẻ trong nước giảm 15%; tháng 5 giá CP giảm 14% thì giá bán lẻ chỉ giảm 8,6%; tháng 6 giá CP giảm 15% thì giá bán lẻ cũng chỉ giảm 8%.

Nói thẳng ra, trong 3 tháng đầu năm, khi giá gas thế giới tăng thì giá bán lẻ trong nước đều kịp “nhanh chân” tăng cao hơn so với giá thế giới. Còn trong 3 tháng quý 2/2012, khi giá gas thế giới giảm mạnh thì giá gas trong nước lại chỉ giảm “nhỏ giọt”.

Khoản tiên chênh khủng khiếp này này dẫu có “rơi” vào túi ai – DN nhập khẩu gas hay đại lý kinh doanh gas, thì chắc chắn một điều,  người tiêu dùng vẫn luôn là kẻ phải chịu trận.

Mai Hoa

Đọc thêm