Nghiệm thu kết quả Dự án Sản xuất giống, trồng và chế biến nấm hàng hoá trên quy mô diện rộng

ự án đã tổ chức chuyển giao các quy trình công nghệ sản xuất nấm cấp I, II, III; quy trình nuôi trồng, bảo quản nấm tươi; sơ chế; chế biến nấm; xử lý bã nấm hữu cơ cho đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở tại các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu, Ý Yên, thành phố Nam Định giúp người trồng nấm chủ động điều hành và tổ chức sản xuất.

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả Dự án Sản xuất giống, trồng và chế biến nấm hàng hoá trên quy mô diện rộng tại tỉnh ta.

Dự án do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện, có tổng nguồn vốn là 10 tỷ 646 triệu đồng. Trong đó, có 4,5 tỷ đồng là vốn hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ Trung ương và của tỉnh, số còn lại là vốn đối ứng của nhân dân. Trong thời gian từ tháng 7-2007 đến tháng 12-2010, dự án đã hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Dự án đã tổ chức chuyển giao các quy trình công nghệ sản xuất nấm cấp I, II, III; quy trình nuôi trồng, bảo quản nấm tươi; sơ chế; chế biến nấm; xử lý bã nấm hữu cơ cho đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở tại các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu, Ý Yên, thành phố Nam Định giúp người trồng nấm chủ động điều hành và tổ chức sản xuất. Công tác tập huấn kỹ thuật trồng nấm được tổ chức trực tiếp theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho 666 người tại các mô hình và 6.000 lượt người theo chương trình tập huấn nhân rộng ở 60 xã của 4 huyện: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên. Dự án còn góp phần hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất sản xuất nấm tại Nam Định với quy mô: 1 mô hình sản xuất giống cấp I, II; 3 mô hình sản xuất giống cấp III; 5 mô hình trồng nấm theo quy mô trang trại; 1 mô hình chế biến nấm. Các mô hình này đều được trang bị đầy đủ các thiết bị, bảo đảm duy trì và phát triển sản xuất nấm bền vững. Thời gian qua, các mô hình sản xuất giống đã bảo đảm cung cấp đủ lượng giống theo nhu cầu trồng với chất lượng giống nấm tương đương với giống nhập từ Hà Nội về, góp phần giảm chi phí sản xuất và chủ động kế hoạch sản xuất. 5 mô hình trồng nấm đạt năng suất từ 50 tấn nguyên liệu/năm/mô hình và tổ chức sơ chế được 25 tấn nấm thương phẩm/năm/mô hình. 1 cơ sở chế biến nấm thương phẩm tập trung đã đạt năng suất 150 tấn/năm. Tổng giá trị lãi thuần từ sản xuất nấm của 5 mô hình trồng trong 3 năm qua đạt hơn 2 tỷ 034 triệu đồng, tạo ra tổng giá trị ngày công lao động là hơn 2 tỷ 504 triệu đồng. Dự án còn giúp bà con nhân dân nhiều địa phương tích cực tham gia, nhân rộng sản xuất nấm theo quy mô gia trại tại 153 hộ, góp phần tạo thêm nghề mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Việc xử lý bã nấm sau sản xuất tạo nguồn phân hữu cơ cải tạo đồng ruộng góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả…

Dự án được hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt và tiếp tục hoàn thiện văn bản đánh giá cấp bộ, làm căn cứ để tiếp tục đề xuất hỗ trợ và tổ chức thực hiện mở rộng việc phát triển nghề nấm theo hướng sản xuất bền vững./.

Nguyễn Thanh Thuý

Đọc thêm