Với quy định của pháp luật hiện hành, người dân phải mất nhiều thời gian và công sức đi lại tại các cơ quan khác nhau để làm các thủ tục về đăng ký khai sinh (ĐKKS) – đăng ký thường trú/tạm trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, gần đây một số địa phương đã triển khai mô hình “3 trong 1” được dư luận xã hội rất quan tâm và người dân thụ hưởng đánh giá cao.
Từ hiệu quả này, Bộ Tư pháp đang đề xuất nhân rộng mô hình một cửa liên thông thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) cho trẻ em mới sinh.
|
Đăng ký khai sinh mô hình 3 trong 1 tại xã Lương Hòa |
Hiệu quả đã được kiểm chứng
Từ tháng 7/2010, Phòng Tư pháp huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đã phối hợp với Phòng Nội vụ và các ngành có liên quan đề nghị UBND huyện cho phép thực hiện thí điểm mô hình khi trẻ ĐKKS sẽ được cấp luôn thẻ BHYT và nhập hộ khẩu tại thị trấn Bến Lức và xã Lương Hòa. Các thủ tục này đều được thực hiện ở cấp xã hoặc nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa cấp xã và liên quan đến 3 nhóm thủ tục hộ tịch, hộ khẩu, BHYT nên người dân vẫn gọi tắt là mô hình “3 trong 1”.
Theo đó, khi người dân đến ĐKKS cho con, cán bộ một cửa tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ theo quy định, rồi chuyển toàn bộ hồ sơ sang cán bộ hộ tịch. Khi ĐKKS xong, cán bộ hộ tịch chuyển trả giấy khai sinh và sổ hộ khẩu sang cán bộ thương binh và xã hội đăng ký thẻ BHYT cho trẻ. Thực hiện xong, cán bộ thương binh và xã hội chuyển tiếp hồ sơ sang cán bộ phụ trách hộ khẩu. Sau khi hoàn tất thủ tục, cán bộ hộ khẩu chuyển trả hồ sơ về bộ phận một cửa trả cho công dân.
Chỉ trong thời hạn 3 ngày, người dân nhận được giấy khai sinh, thẻ BHYT, sổ hộ khẩu tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính xã. “Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, giúp người dân rút ngắn 2/3 thời gian đi lại so với trước đây”, chị Nguyễn Lê Thị Phi Yến, cán bộ tư pháp xã Lương Hòa cho biết. Tính đến năm 2012, UBND cấp xã đã nhận và giải quyết được 7.913 trường hợp khai sinh. 100% các trường hợp ĐKKS đều được nhập hộ khẩu và cấp thẻ BHYT đến đúng địa chỉ, khắc phục được việc chậm trễ so với trước đây.
Còn tại TP.HCM, gần như toàn bộ 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thực hiện quy chế một cửa liên thông nhóm thủ tục hộ tịch - BHYT - hộ khẩu. Từ kết quả khảo sát của Sở Tư pháp vào năm 2012 cho thấy, thực tế có nhiều trường hợp trẻ em đã ĐKKS nhưng không được nhập hộ khẩu kịp thời; có trường hợp người dân vì ngại đi lại nhiều lần, chỉ làm ĐKKS nhưng không đăng ký cấp thẻ BHYT nên không đảm bảo được quyền lợi của trẻ. Nếu thực hiện độc lập các thủ tục ĐKKS - BHYT - đăng ký thường trú cho trẻ em dưới sáu tuổi thì tổng thời gian xử lý hồ sơ kéo dài đến 26 ngày.
Trên cơ sở này, cuối tháng 1/2013, UBND TP.HCM đã ra Quyết định 07/2013 ban hành quy chế một cửa liên thông các thủ tục nói trên. Nhờ vậy, thời gian làm các thủ tục ĐKKS - BHYT - đăng ký thường trú cho trẻ dưới sáu tuổi rút ngắn còn 11 ngày (ở Bến Lức, Long An là 10 ngày); đồng thời, người dân chỉ cần nộp hồ sơ ở UBND cấp xã là thực hiện được các thủ tục trên.
Nghiên cứu nhân rộng trong cả nước
Đánh giá về mô hình “3 trong 1”, Bộ Tư pháp cho rằng, hiệu quả của nó đối với người dân là rất lớn, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí khi thực hiện TTHC, rõ nhất là giảm chi phí đi lại. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, việc tổ chức liên thông đã tạo nên những chuyển biến trong công tác quản lý dân cư và có thể coi mô hình trên là bước đi đầu tiên trong việc bảo đảm thống nhất quản lý dân cư. Nhưng mới chỉ có một bộ phận nhỏ người dân được hưởng lợi ích từ việc tổ chức mô hình liên thông; quy trình, thủ tục liên thông chưa được hình thành, áp dụng thống nhất.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đang đề xuất nhân rộng mô hình một cửa liên thông các TTHC, trong đó có liên thông việc ĐKKS – đăng ký thường trú/ tạm trú – cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cho biết, với con số trung bình mỗi năm có khoảng 1,7 triệu trẻ được sinh ra thì nếu triển khai mô hình liên thông trong cả nước, năm đầu sẽ tiết kiệm gần 212 tỷ đồng, từ năm thứ 2 trở đi là xấp xỉ 200 tỷ đồng cho việc thực hiện các TTHC về hộ tịch, hộ khẩu, BHYT và cắt giảm 8 loại giấy tờ cùng 4 loại bản sao giấy tờ trong thành phần hồ sơ.
“Không những thế, việc tổ chức thực hiện liên thông này sẽ từng bước hiện đại hóa việc thực hiện TTHC, chuẩn bị cho việc cấp số định danh cá nhân và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức”, ông Phan nói thêm.
Tuy nhiên, tại phiên họp góp ý cho đề xuất do Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào chiều 21/8, một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại về lộ trình thực hiện chưa rõ ràng để bảo đảm “khớp” với Đề án tổng thể về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư. Có ý kiến đề xuất, đã thực hiện liên thông thì chỉ cần cấp 1 loại giấy tờ, “tại sao cứ phải cấp 3 giấy một lúc, có thể bổ sung trong giấy khai sinh nội dung là được bảo hiểm đến năm 6 tuổi được không”.
Hoàng Thư