Nghiệp chứng khoán chẳng “nhàn thân, dễ kiếm”

Nghiệp chứng khoán đến dễ mà khó đi. Dù có thể chịu thua lỗ, nhưng nhiều người vẫn cho rằng, bất ngờ chính là một vẻ đẹp của chứng khoán.

Nghiệp chứng khoán chẳng “nhàn thân, dễ kiếm” ảnh 1
 

Nghiệp chứng khoán đến dễ mà khó đi. Dù có thể chịu thua lỗ, nhưng nhiều người vẫn cho rằng, bất ngờ chính là một vẻ đẹp của chứng khoán.

Những ngày vừa qua, TTCK suy sụp mạnh đã khiến không ít NĐT cá nhân cảm thấy chán nản, muốn rời bỏ thị trường để chuyển hướng vào các kênh đầu tư khác. Nhưng có vẻ, nghiệp chứng khoán đến dễ mà khó đi. Dù có thể chịu thua lỗ, nhưng nhiều người vẫn cho rằng, bất ngờ chính là một vẻ đẹp của chứng khoán.

Phiên giao dịch đầu tuần, TTCK sụt giảm mạnh cả về điểm số và thanh khoản… Nhiều NĐT tiếp xúc với phóng viên ĐTCK nói rằng, trước những thông tin xấu từ vĩ mô từ giá xăng, dầu, điện, giá vàng, USD, lạm phát…, dù đã dự đoán khả năng VN-Index sẽ điều chỉnh mạnh, nhưng khi nó xảy ra vẫn cảm thấy xót xa. 

"Còn chờ giá xăng tăng nốt cho thị trường xấu luôn một thể", NĐT Lê Hùng Quang ở sàn chứng khoán Bảo Việt cho biết. Dạo qua một vòng các sàn giao dịch chứng khoán dọc khu phố Bà Triệu, Phố Huế, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt…, không khí vô cùng tẻ nhạt.

 Tại sàn giao dịch của một CTCK khá lớn, người viết được chứng kiến cảnh bãi để xe của khách vắng hoe. Bên trong dù diện tích rộng mênh mông, máy tính, trà nước phục vụ chu đáo nhưng không thấy có bóng dáng NĐT nào, chỉ thấp thoáng có mấy cô nhân viên ngồi làm sổ sách và 2 anh bảo vệ đang tranh thủ lướt web tại bàn máy tính vốn dành cho khách hàng giao dịch. Ngó vào phòng VIP liền kề, may mắn gặp được 4 NĐT đang ngồi trước máy tính, vừa xem bảng điện tử vừa tranh thủ bàn chuyện… nhà báo bị đốt.

Hiếm hoi lắm người viết mới tìm được 4 sàn giao dịch chứng khoán tạm gọi là đông khách. Tuy nhiên, tâm lý chung của NĐT là nản. Cô Nguyễn Kim Hạnh, một NĐT khá lâu năm tại CTCK Quốc gia cho biết: cô cùng một nhóm bạn NĐT đang đi lễ chùa theo tour từ đầu tuần đến giờ. "TTCK chán quá, kiếm tiền không được nên đi lễ chùa xin lộc", cô Hạnh cho biết. Tâm lý chán nản bao trùm lên khắp các sàn giao dịch. Đến nỗi một NĐT khi vừa bước đến quầy giao dịch, một nhân viên đã hỏi luôn, "anh còn 48,2 triệu đồng, có rút không ạ?".

Cô Hạnh cho biết, trong nhóm NĐT quen biết, nhiều người giờ đã chuyển hướng kinh doanh sang vàng, bất động sản, chờ khi nào TTCK ấm lên mới quay trở lại. Một NĐT thì có tâm lý buông xuôi khi nửa đùa, nửa thật nói rằng: bây giờ CTCK thích làm gì thì làm, mình ngồi chơi! Lý do là, cách đây 2 tuần, anh đã trót dùng đòn bẩy, giờ CTCK cứ việc mà… giải quyết hậu quả!

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những nhóm NĐT đang mua vào một cách tích cực để… "cover hàng" đã mượn và bán đi trước đó. Bên cạnh đó, không ít NĐT có kinh nghiệm và đam mê đầu tư cho rằng, thị trường giảm là cơ hội tốt để nghiên cứu, tìm hiểu mã cổ phiếu tốt để đầu tư. 

Anh Tường, một NĐT tại CTCK Tân Việt cho biết: lúc thị trường đi lên ầm ầm, đôi khi mình mua vào mà không có thời gian nghiên cứu kỹ. Lúc này là thời điểm thích hợp để đánh giá lại và tìm ra "hàng tốt", sẵn sàng để đầu tư ngay khi TTCK có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Ngoài ra, anh Hưng, một NĐT cá nhân có quy mô tài khoản khá lớn tại TP. HCM cũng nhận xét rằng, TTCK giảm như hiện tại là cơ hội tốt để gom các mã muốn mua. 

"Khi thị trường lên, sẽ rất khó để mình sở hữu được lượng lớn cổ phiếu hoặc nếu có thì phải bỏ chi phí lớn hơn, trong khi lúc này, mua vào có thể hơi sớm, nhưng bù lại, muốn mua bao nhiêu đều có hàng", anh Hưng chia sẻ.

NĐT Trần Tiến Dũng, CTCK Tràng An cho biết rằng: TTCK như hiện tại là cơ hội tốt để kiếm được lợi nhuận lớn trong năm nay. Theo NĐT Dũng, lựa chọn cổ phiếu tốt lúc này có cơ hội để kiếm được lợi nhuận khoảng 30 - 40% vào quý III - IV năm nay. "TTCK có thể sẽ tiếp tục xấu hơn do tác động của thông tin vĩ mô. Tuy nhiên, tôi vẫn đang mua dần, vì tin là cuối quý II trở đi, thị trường sẽ khởi sắc". Theo NĐT này, việc thị trường bán ra mạnh những ngày vừa qua chủ yếu là hàng giải chấp, chứ chính các NĐT cá nhân đã bắt đầu chùng lại, không còn muốn bán nữa, vì "bán bây giờ họ sẽ lỗ rất nhiều".

Mỗi đợt thị trường giảm là một lần TTCK "lọc bớt" những NĐT coi chứng khoán là kênh "nhàn thân, dễ kiếm" và sau đấy lại xuất hiện thêm lớp NĐT mới. Sau giai đoạn khủng hoảng 2007 - 2008, rất nhiều NĐT "cá chép" đã biến thành "cá mập" và biết đâu, sau những "nốt trầm" hiện tại, một thế hệ "cá mập" mới của TTCK Việt Nam sẽ xuất hiện?   

 Theo Tú Uyên
ĐTCK

Đọc thêm