Ngỡ ngàng trước trường hợp vi phạm hợp đồng... tù 8 năm

Vụ việc tưởng như “bịa” này xảy ra tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, tiếp tục rung tiếng chuông cảnh báo về tình trạng tùy tiện áp dụng luật hình sự để giả quyết tranh chấp hợp đồng khiến nhiều người phải ngồi tù oan.

Vụ việc tưởng như “bịa” này xảy ra tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, tiếp tục rung tiếng chuông cảnh báo về tình trạng tùy tiện áp dụng luật hình sự để giả quyết tranh chấp hợp đồng khiến nhiều người phải ngồi tù oan.

Anh Nguyễn Nam Bình, trú tại thị trấn Trâu Quý, huyện Gia Lâm là lái xe taxi của Cty Cường Thịnh. Theo hợp đồng giữa Cty Cường Thịnh và anh Nguyễn Nam Bình ký tháng 5/2011, Cty giao anh Bình quản lý chiếc xe ô tô Kia Morning, trị giá 380 triệu đồng, trong đó anh Bình góp vốn là hơn 218 triệu đồng. Bình không được cầm cố, chuyển nhượng hoặc vứt bỏ xe hoặc mang ô tô đi đảm bảo lãnh cho bất kỳ ai; Cty cũng ký hợp đồng lao động với Nguyễn Nam Bình với thời hạn 1 năm.

Ngày 20/10/2011, Bình được Khúc Thế Mạnh, trú tại Gia Lâm, gọi xe chở đi Thanh Hóa với yêu cầu tháo biển taxi và logo xe. Bình đã báo cáo Cty và được đồng ý. Nhưng, khi đến đón Mạnh thì Mạnh lại đổi ý, không đi Thanh Hóa nữa mà đề nghị Bình cho thuê xe sử dụng trong 4 ngày. Ngày 24/10, Bình trở lại lấy xe thì Mạnh đề nghị Bình mượn xe để cầm đồ vay tiền làm ăn trong một vày ngày rồi trả xe. Mạnh cam kết sẽ trả tiền thuê xe đối với những ngày mượn xe để cầm cố.

Với suy nghĩ cho thuê xe để đi và cho thuê xe để cầm cố cũng chẳng khác nhau, Bình vẫn thu được tiền thuê xe mà lại được nghỉ ngơi nên Bình đã đồng ý cho Mạnh mượn xe để cầm cố vay tiền của anh Nguyễn Đức Duy, một chủ tiệm cầm đồ là người quen của Mạnh. Bình đã đứng ra viết giấy cầm cố chiếc xe ô tô để Mạnh được vay 200 triệu đồng. Đến ngày trả lại xe, Bình đến gặp Mạnh để lấy xe thì Mạnh đã tiêu hết tiền và không có khả năng trả nợ anh Duy để lấy lại xe trả cho Bình. Vì lý do này, Bình đã báo cáo với Cty và trình báo Công an huyện Gia Lâm để giải quyết vụ việc.

Ngày 5/12/2011, Công an huyện Gia Lâm đã thu giữ chiếc xe và trả lại cho Cty Cường Thịnh. Nhưng, cũng sau khi thu giữ được chiếc xe này, Nguyễn Nam Bình bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo nhận định của CQĐT, việc Bình mang xe của Cty Cường Thịnh đi cầm cố lấy tiền cho Mạnh sử dụng sau đó không có tiền chuộc xe là phạm tội nên đề nghị VKS huyện Gia Lâm truy tố đối với Bình.

Ngày 21/9/2012, TAND huyện Gia Lâm đã mở phiên tòa xét xử vụ án. Theo nhận định của Tòa, Nguyễn Nam Bình đã “nhận tội” như nội dung trên nên đủ căn kết luận Bình phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tòa tuyên phạt Bình 8 năm tù giam trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Trước bản án bất ngờ này, Cty Cường Thịnh được xác định là “bị hại” cũng phải viết đơn xin giảm án cho Bình. Nhưng, câu hỏi lớn nhất của vụ án này là việc Bình vi phạm cam kết “không được cầm cố” đối với chiếc xe  ô tô mà Bình cũng phần vốn góp có phải là “tội phạm” hay vụ án đã trở thành “điển hình” của án oan?

Bản án của TAND huyện Gia Lâm khiến các luật sư ngỡ ngàng hơn vì trong thời kỳ cải cách tư pháp lại có một vụ việc mà bị cáo bị kết án với những lý do không thể tin nổi. Luật sư Trần Việt Hùng làm rõ hơn những lý do mà giới luật sư khẳng định đây là một vụ án “hoàn toàn oan”.

Thưa Luật sư, nhiều luật sư đọc bản án này và phản ứng rất gay gắt đối với việc định tội của các cơ quan tố tụng huyện Gia Lâm. Theo ông, có đủ căn cứ xác định việc làm của Bình là phạm tội như bản án không?

Tôi cũng giống như các luật sư khác, rất bất ngờ trước việc buộc tội này. Đây là một vụ án thực sự khó tin.

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tội danh trong nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt. Để xác định tội này, cần phải có các căn cứ bắt buộc là: thứ nhất, có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác; thứ hai, có hành vi gian đối hoặc bỏ trốn sau khi nhận tài sản bằng một quan hệ hợp đồng.

Trong vụ án này, hành vi của Bình không có dấu hiệu nào của tội phạm “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là không chiếm đoạt, không gian dối hoặc bỏ trốn. Việc Bình đã mang xe đi cầm cố để đảm bảo cho một giao dịch vay tiền chỉ là vi phạm hợp đồng quản lý xe với Cty. Vì thế, việc buộc tội đối với Bình là một sai lầm nghiêm trọng.

Cơ quan tố tụng huyện Gia Lâm xác định, việc Bình cầm cố xe ô tô là “xâm phạm sở hữu” của Công ty Cường Thịnh, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

Chiếc xe là tài sản thuộc sở hữu chung, mặc dù đăng ký tên Cty, vì Bình cũng góp vốn vào việc mua xe. Vì thế, nếu nói Cty bị xâm phạm sở hữu là chưa chính xác mà ở đây, Bình cũng bị xâm phạm sở hữu.Tuy nhiên, đây không phải là tội phạm mà chỉ là một vi phạm nghĩa vụ dân sự. Việc vi phạm nghĩa vụ này chỉ phát sinh trách nhiệm bồi thường dân sự, không thể là tội phạm được.

Hơn nữa, Bình không chiếm đoạt tiền của Cty, bằng chứng là số tiền vay từ tiệm cầm đồ là do Mạnh sử dụng. Đây là vấn đề quan trọng nhất của vụ án này. Xét một cách toàn diện, Bình không những không chiếm đoạt tài sản mà còn bị thiệt hại về tài sản do việc Mạnh không trả nợ đúng hạn. Do đó, việc buộc tội Bình thì chính xác phải nói là “buộc tội bị hại”.

Tôi thấy, vụ án này là minh chứng rõ ràng nhất của việc buộc tội tùy tiện đối với các tranh chấp dân sự đang xảy ra ngày càng nhiều ở thời điểm này.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm