Ngôi làng duy nhất còn giữ nghề làm khăn xếp ở miền Bắc (kỳ cuối)

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó làng Giáp Nhất ở thị trấn Nam Giang (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có nghề làm khăn xếp truyền từ đời này qua đời khác. Không ai biết người Giáp Nhất làm khăn xếp từ khi nào, chỉ biết chiếc khăn xếp đã xuất hiện trong lịch sử người Việt từ trước thế kỷ 18...
Một công đoạn làm khăn xếp.
Một công đoạn làm khăn xếp.

* Ngôi làng duy nhất còn giữ nghề làm khăn xếp ở miền Bắc

Thăng trầm “cuộc đời” chiếc khăn xếp

Theo tác giả “Ngàn năm áo mũ” Trần Quang Đức, từ thời Lê trung hưng ngược về thái cổ, đôi lúc người Việt vẫn quen dùng khăn bọc tóc theo tập quán Trung Châu (là một xã thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội), nhưng sang đến những năm hòa hoãn sau cuộc Trịnh - Nguyễn tương tranh thì cư dân Quảng Nam bắt đầu phỏng theo nhiều tục của người Champa, trong đấy có lối vấn khăn. 

Việc vấn khăn trên đầu trước tiên là để tránh cái nóng gay gắt của khí hậu Nam Trung Bộ, nhưng sau là để làm đẹp. Năm 1744, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ban lệnh toàn cõi Quảng Nam phải ăn mặc theo lối mới để tỏ ra khác biệt với người ở phía Bắc sông Gianh, do vậy tục vấn khăn đã trở nên đặc trưng của người miền này.

Khi đó ở Đàng Trong từ sau đợt cải cách trang phục năm 1744. “Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục” ghi nhận: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát bèn thay y phục, đổi phong tục, cùng dân đổi mới, bắt đầu hạ lệnh cho nam nữ sĩ thứ trong nước, đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn”. Nguồn gốc ra đời của khăn xếp Việt tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có lý giải nào thực sự thỏa đáng. 

Sau đợt thống nhất trang phục toàn quốc thời vua Minh Mạng với một loạt sắc lệnh cấm sử dụng các loại tiện phục triều Lê ban bố vào trong khoảng từ năm 1828 đến năm 1842, toàn bộ nam giới người Việt mới búi tóc vấn khăn.

 

Khăn đóng của đàn ông Việt đã nhiều lần thay đổi về kiểu dáng. Chiếc khăn này thời Chúa Nguyễn và Tây Sơn được John Barrow miểu tả là “có hình dáng giống như chiếc khăn xếp của người Hồi giáo”. Những tranh vẽ của họa sĩ Anh William Alexander Đàng Trong thời Tây Sơn, một số hình vẽ trong “An Nam quốc giang phiêu lưu phong tục tả sinh đồ” đã khắc họa hình ảnh của những chiếc khăn này. 

Sang thời Nguyễn, kiểu dáng khăn xếp ngày càng hoàn thiện. Ban đầu khăn vấn xếp của đàn ông chỉ được quấn rối, sau mới được vấn xếp nếp cầu kỳ, chít chữ Nhân hoặc chữ Nhất ở giữa trán. Chất liệu khăn xếp xưa thường là vải lượt nhuộm thâm, nhiễu màu tam giang thẫm. Tác phẩm “Đất Lề Quê Thói” của Nhất Thanh cho biết: khoảng những năm 30 thế kỷ XX, người Việt mới chế ra loại khăn đóng sẵn “khâu dán liền những vành nếp lại, chỉ việc đặt chụp lên đầu cho nhanh chóng và thuận tiện, nhất là khi nóng bức cất ra đội vào dễ dàng”.

Ngoài ra còn 3 dạng khăn xếp khác như khăn đầu rìu, khăn xếp loại này có lối vấn giản tiện nhất, thường là vuông vải thô mỏng màu nâu quấn quanh đầu rồi thắt nút ở trán hay lệch bên thái dương, hai đầu khăn nhô ra như cái rìu để dễ rút ra thấm bồ hôi. Khăn có công dụng thấm bồ hôi chảy xuống mặt khi lao động, kiểu này không phân biệt giới tính cũng chính vì sự hữu ích trong sinh hoạt thường nhật.

Phụ nữ cũng có khăn xếp

Loại khăn xếp được dành cho phụ nữ được gọi là Rí (hoặc đôi khi khăn lươn) chỉ dành cho phụ nữ từ phía sông Gianh trở ra Bắc, cũng có tính cách tiện dụng. Vuông vải không quá dài, độn suốt chiều dài tóc, quấn một vòng quanh đầu để giữ tóc được gọn, có thể độn thêm tóc giả cho dày hơn để làm đỏm. Các thiếu nữ khi đi hội còn ưa để tóc đuôi gà (phần đuôi thò ra ngoài khăn như lông đuôi gà trống) cho tăng phần duyên dáng. Tóc đuôi gà là một lối trang điểm được ưa chuộng thời đó. Do vậy đã có bài ca “Mười thương”: Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên".

Ở loại khăn Rí, ngoại trừ màu vàng (cho người hoàng phái) và hồng (cho con hát và gái “bán hoa”), các màu khác đều phổ biến.

Cuối cùng là mũ mấn (hoặc khăn vành dây) có tính cách trang trọng và thuận với các dịp lễ tiết. Tấm vải rất dài và dày được quấn nhiều vòng quanh đầu như hình phễu; chỉ gồm các màu vàng dành cho Hoàng đế và Hoàng hậu; đen, nâu, tím, đỏ dành cho người già vào dịp chúc phúc, mừng thọ; thiên thanh cho cô dâu, chú rể), trắng dành cho đồng cốt hoặc người tang gia.

Một mẫu áo dài, khăn xếp dành cho cô dâu chú rể thời nay.
Một mẫu áo dài, khăn xếp dành cho cô dâu chú rể thời nay.  

Dựa theo những tư liệu tranh ảnh đầu thế kỷ XX, khăn xếp thường đi cùng với áo dài ngũ thân tay chẽn với vai trò là bộ tiện phục mặc thường ngày, được sử dụng rộng rãi từ vua quan đến bình dân. Có lúc người xưa mặc áo tấc, đội khăn xếp như một bộ trang phục công vụ hoặc lễ phục dùng trong những nghi lễ tại gia đình và làng xã. Một số hình ảnh để lại cho thấy cũng có khi khăn xếp được đi cùng chiếc áo giao lĩnh.

Nếu khăn đóng áo dài xưa của phụ nữ thường mỏng, nhỏ và đơn giản thì hiện nay có kích cỡ trung bình và lớn. Phù hợp cho mọi đối tượng cũng như khách hàng sử dụng. Với họa tiết cầu kỳ, đình đám thêu hoa tỉ mỉ và đẹp mắt đó cũng chính là điểm nhấn nhá cho trang phục áo dài.

Ngoài ra, theo luật triều Nguyễn, khăn vấn quá ngắn và quá mỏng bị cấm, nhưng quá dài và dày cũng bị chê là xấu. Vì thế, việc vấn khăn sao cho gọn và đẹp được coi là xu hướng chung để xét đoán phẩm cách mỗi người.

Tục vấn khăn trải nhiều biến thiên, dần trở thành chứng cứ để nhận biết cộng đồng Người Việt trong vùng Đông Nam Á, thậm chí là mặc định khiến người Việt lầm tưởng về thói quen ăn mặc của tổ tiên mình suốt ngàn năm. 

Tuy nhiên, khoảng năm 1920, khi trang phục người Việt đã đổi nhiều phần do văn hóa Tây phương, phần do phong trào Duy Tân ủng hộ học chữ Quốc Ngữ và phá những hủ tục xưa thì nam giới bắt đầu cắt tóc ngắn nên không còn búi tóc, cách đội khăn vấn cũng theo đó thay đổi.

Để cho tiện, một loại khăn mới ra đời được đóng sẵn như vòng mũ, nên gọi là khăn đóng chỉ chụp vào đầu, không cần vấn như trước nữa. Khăn này cũng gọi là khăn xếp. Tục vấn khăn từ đó nhạt dần trong nam giới đến khoảng thập niên 1940 thì khăn đóng trở thành món trang phục cơ bản và không mấy người vấn khăn nữa cho dù vẫn mặc áo dài khi có việc trọng đại.

Đến những năm đầu thập niên 1930, khi trào lưu giải phóng nữ quyền từ Nam Kỳ dội ngược ra các thành thị Bắc Trung Kỳ, giới trí thức tân học đã cảm thấy cần phải sửa đổi dần ý thức xã hội để người phụ nữ có nhiều cơ hội tham dự các sinh hoạt cộng đồng hơn. Khi đó, họ nhận định rằng, việc trước tiên là phải cải cách ly phục răng, tóc như một sự “cởi trói” về thân thể, để nữ phái được mạnh dạn khoe nhan sắc hơn.

Từ các số đầu tuần báo Ngày Nay, Tự Lực văn đoàn đã tích cực quảng cáo cho kiểu tóc vấn trần do ông Lemur Nguyễn Cát Tường chủ trương. Ngay lập tức, trong công luận Hà Nội đã dấy lên một làn sóng tranh cãi khá gay gắt, vì đa phần ý kiến chưa thấy hài lòng với lối tư duy quá mới này. Mặc dù, dần dà kiểu đầu tóc cải cách này cũng được đám đông chấp nhận, nhưng ở thập niên 1930-1940 chỉ có các thanh nữ thành thị ưa để, những người đàn bà đã kết hôn hoặc lớp người chín tuổi vẫn trung thành với lối cũ.

Đọc thêm