Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (Quỹ VHPCT) do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch, quy tụ nhiều trí thức tâm huyết từ hai năm nay đã nỗ lực cho một giải thưởng mang tên Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (Giải thưởng VHPCT). Những công trình nghiên cứu, những cuốn sách được tôn vinh năm 2008, 2009 bước đầu đã tạo nên một sinh hoạt văn hóa được chờ đón.
Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2010 sẽ được công bố hôm nay (19-3). GS Chu Hảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VHPCT sẽ chia sẻ với bạn đọc Hànộimới về hoạt động của Quỹ cũng như Giải thưởng năm 2010.
- Thưa GS, xin ông cho biết cụ thể về những thay đổi trong Giải thưởng Phan Châu Trinh 2010?
|
Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara Phú Trạng. |
- Năm nay Hội đồng khoa học cũng là Hội đồng Giải thưởng có thay đổi với tổng số 8 thành viên, do nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc làm Chủ tịch. Từ năm nay, 4 giải thưởng của Quỹ chính thức mang tên Giải thưởng Giáo dục, Giải thưởng Nghiên cứu, Giải thưởng Việt Nam học, Giải thưởng Dịch thuật. Theo phản hồi của dư luận và người trong nghề thì giải thưởng hai năm qua đã có tác động tích cực tới trí thức Việt. Kể từ năm nay, Giải thưởng VHPCT sẽ được tổ chức trọng thể vào ngày 24-3 - ngày giỗ của nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn Phan Châu Trinh. Tất cả những thay đổi trên của Quỹ VHPCT nhằm xây dựng một hệ thống giải thưởng uy tín, cổ vũ trí thức Việt trong hành trình cách tân văn hóa.
- Thưa GS, với những nỗ lực hoàn thiện như vậy, giải thưởng năm nay hẳn có nhiều thú vị?
- Năm nay, Giải thưởng Dịch thuật có hai đại diện, thứ nhất là dịch giả Phạm Vĩnh Cư, người có công dịch nhiều tác phẩm triết học của Nga. Thứ hai là Lê Anh Minh - một dịch giả tự do. Về dịch giả Lê Anh Minh, bắt đầu từ phát hiện của Bùi Văn Nam Sơn, khi ông đọc cuốn sách của Lê Anh Minh dịch một tác phẩm được coi là kinh điển của triết gia Trung Quốc Phùng Hữu Lan viết năm 1938. Bùi Văn Nam Sơn từng dịch Kant, Heghel… - những tác phẩm triết học rất khó, đã "thấm" cái nhọc nhằn của việc chú giải. Khi đọc Lê Anh Minh, ông giật mình thấy sức làm việc của Minh thật đáng phục, thể hiện ở cả bản dịch và hệ thống chú giải.
Chủ nhân của Giải thưởng Nghiên cứu là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara Phú Trạng. Giải thưởng Việt Nam học dành cho nhà dân tộc học người Pháp G.Condominas năm nay đã 90 tuổi, tác giả cuốn "Chúng tôi ăn rừng". Giải thưởng này là sự tôn vinh một tác giả, một công trình đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn, bảo tồn không gian văn hóa Tây Nguyên.
Giải thưởng cuối cùng là Giải thưởng giáo dục dành cho nhà giáo Hồ Ngọc Đại. Từ khi đỗ TSKH ở Nga cho đến nay, ông luôn tâm huyết, cống hiến trọn vẹn cho việc nghiên cứu và dạy học sinh cấp I. Không có nhiều nhà khoa học tâm huyết như vậy. Giải thưởng này muốn ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của GS-TSKH Hồ Ngọc Đại cho triết lý giáo dục nhân văn mà ông hết lòng theo đuổi.
- Thưa GS, để bảo đảm chất lượng, quy trình xét giải được thực hiện thế nào? Ông có ngại sẽ trùng lặp giữa giải thưởng của quỹ với các giải thưởng Nhà nước không?
- Theo quy chế xét giải, người được đề cử buộc phải có một người giới thiệu là thành viên Hội đồng khoa học hoặc người từng được Giải thưởng VHPCT. Sau khi giới thiệu, Ban thư ký của Hội đồng khoa học mới thu thập tài liệu, làm lý lịch khoa học của người được đề cử, kèm ý kiến nhận xét của hai phản biện độc lập. Cuối cùng là quyết định của Chủ tịch quỹ. Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh là sự bổ sung, hỗ trợ, cùng thúc đẩy, tôn vinh trí thức Việt. Nó góp phần không nhỏ cùng với các cơ quan nhà nước tìm kiếm, cổ vũ kịp thời những tài năng, tâm huyết trong một số lĩnh vực nhất định.
- Cùng với hệ thống Giải thưởng VHPCT, NXB Tri thức (Quỹ VHPCT) còn tích cực dịch và xuất bản các tác phẩm tinh hoa tri thức nhân loại. Xin GS chia sẻ về sự cần thiết của công việc này, cũng như hoạt động này hiện nay của NXB Tri thức?
- Bất kỳ một nước văn minh nào cũng cần dịch từ nguyên gốc khoảng 500 đến 1.000 tác phẩm kinh điển sang ngôn ngữ dân tộc mình. Không chỉ truyền đạt những tư tưởng, giá trị phổ quát của tất cả các ngành từ triết học, xã hội nhân văn, chính trị… của thế giới; hệ giá trị đó còn phục vụ cho việc đối chiếu, tham khảo cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Việc dịch những tác phẩm kinh điển còn giúp ta tự làm giàu thêm ngôn ngữ dân tộc mình; tiếp cận nhanh với thế giới. Chúng tôi lập ra Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới (sách kinh điển, sách dẫn nhập, sách tri thức mới) không nhằm mục đích thương mại, mà mong muốn dần dần thư viện nào cũng có, gia đình nào cũng có. Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 4-2010, NXB Tri thức cho ra dòng sách mới là tri thức phổ thông với những cuốn sách nhỏ giới thiệu ngắn gọn các ngành khoa học khác nhau… Dự kiến năm 2010 ra 15 đầu sách. Tổng số đầu sách thuộc dòng này khoảng vài trăm cuốn.
Dự định tới đây, Quỹ sẽ đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền để tìm kiếm nguồn kinh phí ổn định hơn. Thực tế, mỗi năm chỉ cần có 3 tỷ đồng, chúng tôi sẽ vừa đào tạo dịch giả, vừa xuất bản khoảng 50 cuốn. 10 năm sẽ có khoảng 500 cuốn - vốn sách kinh điển tối thiểu cần thiết cho nước nhà.
- Xin chân thành cảm ơn GS!
Theo hanoimoi