Ngay từ chiều mồng một Tết, hàng chục ghe thuyền của ngư dân phường Thuận Phước (Hải Châu), Thọ Quang, Mân Thái (Sơn Trà) đã ra khơi. Và chỉ sáng hôm sau, họ đã đưa về những khoang thuyền đầy ắp ruốc tươi. Ước tính, gần nửa tháng sau Tết, gần 1.000 tấn ruốc đưa từ biển về, đem lại thu nhập cao. Tiếp sau đó, hải sản liên tục về bến. Theo ngư dân, đánh bắt hải sản đang thuận lợi.
|
|||
Đóng ruốc vào bao chở đi tiêu thụ. |
Tuy vậy, bên cạnh niềm vui đánh bắt hiệu quả, trở về an toàn, vẫn còn nhiều nỗi trăn trở của ngư dân. Trăn trở lớn nhất là liên tục bị tàu nước ngoài gây khó dễ trên biển. Theo ngư dân trên tàu QNg 94726, kế hoạch của họ đánh bắt trên 10 ngày, khi đạt sản lượng trên 10 tấn mới trở về, vậy nhưng họ phải trở về sớm hơn vì tàu nước ngoài làm hư hỏng hết lưới. Ông Ngô Thơ, thuyền trưởng, cho biết: Hai ngày đầu đánh bắt rất bình yên. Mẻ lưới nào cũng trúng đậm, ai nấy rất phấn khởi.
Sang ngày thứ 3, đội tàu hơn 50 chiếc, toàn loại công suất lớn của nước ngoài ào tới. Họ cũng thả lưới đánh bắt ngay khu vực tàu ông thả lưới. Lưới của họ đánh sát đáy, thả đan xen với lưới của ngư dân mình. Khi kéo lưới lên mới hay bị cuốn và rách khá nhiều. Ba chiếc tàu nhỏ giữa đoàn tàu rất đông của họ, không có cách nào hơn là phải thu lưới trở về. Ông cho hay, ngư trường đánh bắt cách bờ khoảng 60-70 hải lý. “Tình trạng này tiếp diễn, nhiều khả năng ngư dân phải lui vào sát bờ”, ông Thơ nói.
Trăn trở thứ hai là giá hải sản bị tư thương ép nên rất rẻ, trong khi các chi phí cho đánh bắt như dầu, nhớt, đá lạnh, lương thực, thực phẩm đều tăng. Những ngày sau Tết, cá ngừ sọc dưa chỉ 13 nghìn đồng/kg, trong lúc trên thị trường hơn 30 nghìn đồng/kg. Theo họ, về bến không bán cho các chủ nậu, biết bán cho ai. Giá do chủ nậu đưa ra.
Ngư dân, những người chấp nhận cực nhọc, vất vả giữa đại dương mênh mông, đem về cho xã hội nhiều sản phẩm có giá trị, đang vật lộn với nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ để ngư dân yên tâm đánh bắt tại các ngư trường là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và không bị đầu nậu khống chế ép giá, để họ hăng say bám biển.
Bài và ảnh: Hoài Nam