Ngư dân gốc Việt khốn đốn vì thảm họa "thủy triều đen"

Sự cố dầu tràn ở Vịnh Mexico đang khiến những người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm cá ở ngoài khơi các bang chạy quanh bờ biển nước Mỹ tại khu vực này, đặc biệt là bang Louisiana, khốn đốn. Ngư dân gốc Việt nằm trong số này.

Sự cố dầu tràn ở Vịnh Mexico đang khiến những người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm cá ở ngoài khơi các bang chạy quanh bờ biển nước Mỹ tại khu vực này, đặc biệt là bang Louisiana, khốn đốn. Ngư dân gốc Việt nằm trong số này.

Bờ biển gần Venice tại Louisiana đầy mảng dầu mà dự báo sẽ phải mất nhiều tháng để khắc phục

Một mùa tôm khác

Phung Pham, 55 tuổi, đã làm nghề này được 23 năm. Ông thường câu cá và tôm ở quê nhà là thành phố Nha Trang, Việt Nam. Sau khi rời Nha Trang, ông đến lập nghiệp ở Gretna, Louisiana, và ngang dọc sóng nước để lấy tiền nuôi 3 người con ăn học. Ông góp phần cùng ngư nghiệp của tiểu bang Louisiana cung cấp khoảng một phần ba số hải sản đánh bắt được tại Mỹ.

“Câu tôm là tất cả những gì tôi biết. Ở tuổi này, tôi không còn lựa chọn nào khác”, Pham nói bằng tiếng Việt. “Một đứa đã vào đại học, tôi còn hai đứa nữa. Tôi đã làm việc cả đời vì gia đình, đảm bảo rằng các con có những gì tối thiểu nhất. Nhưng mùa tôm này đã khác”.

Không được ra khơi gần 2 tuần nay, những ngư dân gốc Việt vô cùng lo lắng vì hải sản là thu nhập chủ yếu của họ

Vụ dầu loang do một dàn khoan dầu dưới biển gây ra xảy ra ngay trước mùa đánh bắt cua, tôm và hào tại Mỹ. Ngày 2/5, đích thân Tổng thống Barack Obama đã đến thị sát khu vực bờ biển Louisiania, ngư trường quan trọng của ngành công nghiệp cá và là một trong những nơi bị thảm họa thủy triều đen. Theo giới chuyên gia, lượng dầu tràn ra nhiều gấp ba so với dự kiến. Qua các hình ảnh từ vệ tinh, các nhà khoa học cho biết thảm dầu ngày càng mở rộng, đến hơn ba lần so với dự kiến. Vào đầu tuần trước, diện tích của thảm dầu là 2.600 km2, đến cuối tuần đã lên đến 9.000 km2 và xu hướng ngày càng rộng hơn nữa.

Từ một tuần nay, 6 rôbốt được điều khiển từ xa đã làm việc ở độ sâu 1.500m dưới biển để trám lại các lỗ thủng tại giếng khoan Deepwater Horizon của công ty BP, nơi dàn khai thác đã bị nổ tung ngày 20/4. Hiện nay hoạt động này vẫn chưa có kết quả. Tình trạng “thảm họa quốc gia” được ban bố trên toàn liên bang từ tối 29/4. Các bang Louisiana, Florida, Alabama, Mississipi đã ban bố tình trạng báo động khẩn cấp. Dọc các bang chạy quanh bờ biển của Mỹ ở Vịnh Mexico này, có hàng nghìn người Mỹ gốc Việt đang kiếm sống bằng nghề đánh bắt tôm. “Tất nhiên là tôi sợ. Tình hình này có thể khiến chúng tôi bị phá sản”, Pham nói. Lo lắng, nhưng Pham cho rằng ông có thể đương đầu với bất kỳ điều gì sẽ đến. Đó là đức tính đặc trưng của nhiều người Mỹ gốc Việt.

Các giới chức Mỹ đã đình chỉ việc đánh bắt cá tại phần lớn vùng biển bị ảnh hưởng và quyết định này sẽ có hiệu lực 10 ngày trong khi các nhà khoa học nghiên cứu tác động của vụ dầu loang đối với các hải sản thương mại trong vùng Vịnh Mexico. Các khu vực bị đặt trong tình trạng ngưng đánh bắt cá gồm vùng biển ngoài khơi phía Đông Nam các bang Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida.

Thảm họa tiếp thảm họa

Thuong Nguyen, người đàn ông 50 tuổi có hình săm rất "ngầu" nơi cánh tay, đang loay hoay trên chiếc thuyền của mình bên bến tàu. Những ngày này, bên bờ Vịnh Mexico, cạnh tàu của ông là la liệt những chiếc thuyền đánh bắt tôm - cá neo kín, thao thức cùng các ông chủ. Đáng lẽ giờ này, thay vì nằm im với những tấm lưới khô cong dưới nắng, chúng đã phải ra khơi.

Thuong Nguyen trên chiếc thuyền câu tôm của ông ở Venice (Louisiana), vùng biển bị ảnh hưởng nặng nề

“Cuộc sống rất khó khăn”, ông nói bằng tiếng Việt. Tình hình hiện nay đe dọa và thậm chí có thể cướp đi kế sinh nhai của hàng nghìn người, gồm cả người đàn ông gần như cả cuộc đời sống trên chiếc thuyền đánh tôm này. Giờ đây, những gì ông có thể làm và sơn vẽ, gõ rỉ cho con thuyền và trăn trở về cách đảm bảo cuộc sống cho người vợ Mỹ và 4 đứa con đang sống trong một ngôi “nhà kéo” ở Buras, cách Venice thuộc bang Louisiana vài km.

Ngày 2/5, mấy chục ngư dân tụ họp tại một trường học ở Venice để gặp các đại diện của công ty BP ở Mỹ, là xí nghiệp điều hành các giếng dầu dưới mặt biển. Công ty BP thuê các tàu đánh cá tại địa phương để trợ giúp việc làm sạch các vết dầu loang. John Chiem, 51 tuổi, có mặt trong số này. Ông lo lắng không biết cuộc sống sẽ tiếp diễn như thế nào. “Giờ đây tôi đang cố tìm một việc làm, nhưng quá nhiều người cũng đang đi kiếm việc. Tôi có thể mất nhà, có quá nhiều hóa đơn cần thanh toán và ngân hàng có thể kéo mất nhà của tôi”.

Dầu tràn không phải là vụ việc tồi tệ nhất đối với Louisiana - bang vẫn đang trong thời kỳ khắc phục sự tàn phá của siêu bão Katrina năm 2005 và nhiều thập kỷ bờ biển bị xói mòn, nhưng đây rõ ràng lại là đòn giáng mạnh tiếp theo vào những người gốc Việt sinh sống ở khu vực này. Một tờ báo Pháp thậm chí còn cho rằng thảm họa này còn tệ hại hơn trận bão Katrina. 

Siêu bão Katrina đã gần như quét sạch mọi thứ của hàng nghìn người dân. Bão Katrina đổ bộ khi Nguyen và gia đình đã ra khỏi thành phố, nhưng khi ông trở về, mọi thứ gần như bị bão lũ dọn sạch. Còn tàu của Chiem đã bị hư hại rất nặng sau cơn bão và phải mất 6 tháng ông mới có thể trở lại với biển. Cùng cộng đồng người Việt, Nguyen, Pham và Chiem đã trụ lại, bắt tay vào cuộc mưu sinh từ đầu.

Theo

Đọc thêm