Ngư dân “mùa dịch” lênh đênh theo con nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đánh được cá nhưng mang đi bán trong mùa dịch là cả vấn đề. Lúc nào cũng nơm nớp lo chẳng may nhiễm bệnh phải cách ly thì lũ trẻ ở nhà sống ra sao? Đấy là chưa kể phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2, một loại “giấy thông hành liên tỉnh” qua chốt, có bán hết chỗ cũng chẳng còn lại được bao nhiêu.
Làng bè thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Làng bè thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Đó là hoàn cảnh chung của ngư dân làng bè trên sông Đồng Nai thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) vào những ngày này, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Ba đời lênh đênh trên mặt nước, chị Hoàng Thị Thanh Tuyền (35 tuổi) kể lại từ khi còn bé, nghề đánh bắt cá trên sông đã nuôi sống các thế hệ gia đình chị bằng những bữa cơm đủ đầy mỗi khi quăng mẻ chài, mẻ lưới đầy ắp cá tôm. Dẫu vất vả nhưng không gian, cảnh đẹp và sự bình yên nơi đây đã níu giữ họ gắn bó với nơi này.

Nhọc nhằn chài lưới mưu sinh

Gặp chị vào một buổi trưa muộn giữa khúc sông nơi làng bè thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Một phụ nữ dáng người gầy khắc khổ, nước da sạm nắng đầy lam lũ, chị Tuyền kể mình đang sống cùng chồng và ba đứa con nhỏ. Đối với chị cũng như người dân ở những làng chài lân cận, nơi này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ là nơi chất đầy rất nhiều kỷ niệm mà nơi đây còn nuôi sống biết bao ngư dân neo đậu bến đời.

Trước khi những tia sáng của ánh nắng ban mai bắt đầu, vợ chồng chị lại tranh thủ thu lại mẻ lưới cuối cùng, nhanh chóng tìm thương lái bán hết số cá vừa đánh bắt, đó là nguồn thu nhập nhất định của cả gia đình.

Mỗi ngày lênh đênh trên sông với công việc chài lưới, trân trọng cuộc sống hiện tại hơn ai hết, chị cười rằng bản thân hiểu được niềm vui trong cái khổ của mình và cho đó là bức tranh sinh động của cuộc sống, hoạ bằng những âm thanh, hình ảnh khác nhau, đó là tiếng cá nhảy trong nước, đó là tiếng cười nói của những ngư dân và trong đó có cả hình ảnh sự sống tràn đầy.

Nhọc nhằn đến mấy, khi thấy con khôn lớn mỗi ngày gia đình chị như được tiếp thêm nghị lực sống.

Nhọc nhằn đến mấy, khi thấy con khôn lớn mỗi ngày gia đình chị như được tiếp thêm nghị lực sống.

Chị kể, ngư dân nơi sông nước như chị đâu có những con tàu to xé sóng ra khơi, phương tiện mưu sinh chỉ là chiếc thuyền nan công suất nhỏ. Mỗi lần nhổ neo, hai vợ chồng chỉ cần trang bị vài cái lưới và ra sông cách nhà chỉ tầm dăm ba cây số, tuỳ theo dòng chảy của mặt nước mà số lượng cá đánh bắt được khác nhau.

Ngày được nhiều thì chị mang ra chợ tự phát trên bờ bán, số tiền có khi được khoảng vài trăm nghìn đồng, phần lớn chị chi tiêu cho mớ rau, chút thịt, số còn lại dành dụm cho các con đến trường. Những hôm cá ít, mấy đứa nhỏ ở nhà phụ ba mẹ đi bắt ốc, đãi hến mang về chế biến thành bữa cơm gia đình, đơn giản thôi mà đầm ấm sum vầy, bữa cơm đạm bạc nhưng ngập tràn tiếng cười trẻ thơ, đong đầy hạnh phúc .

Gạt nhanh vầng trán ướt đẫm, chị nói: “Cái bình yên nó cũng gắn liền với những giọt mồ hôi, mấy nay tụi nhỏ được nghỉ hè, nên gia đình cũng đỡ phần nào chi phí. Nhưng sắp tới phải chăm chỉ đánh bắt cá nhiều hơn để còn lo cho ba đứa nhỏ đi học, thực sự nhiều lúc cũng bấp bênh dữ lắm nhưng khi thấy chúng nô đùa, ngày càng khôn lớn, lòng tôi như được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh và niềm tin về một cuộc sống tương lai sung túc, đủ đầy”.

Vững vàng trên con nước

Đó là câu chuyện khi chưa có dịch bùng phát, giờ đây dịch bệnh kéo dài, người người, nhà nhà lo chống dịch, các hộ dân sống trên sông cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, việc buôn bán cá cũng trở nên khó khăn, giá cả thất thường theo từng ngày. Hơn nữa, các tiểu thương trong chợ bán hàng ế ẩm vì một số nơi bị phong toả, nguồn cá tiểu thương mua lại của ngư dân cũng không nhiều.

Không gian, cảnh đẹp và sự bình yên nơi đây đã níu giữ họ gắn bó với nơi này.

Không gian, cảnh đẹp và sự bình yên nơi đây đã níu giữ họ gắn bó với nơi này.

Trước đây, chị cũng đã từng nghĩ đến việc mang cá ra ngồi bán lẻ, nhưng lo lắng mình bị nhiễm bệnh, phải đi cách ly, thì mấy đứa nhỏ sẽ phải khổ sở biết chừng nào. Chưa kể đến việc phải khai báo y tế và có giấy xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2, một loại “giấy thông hành liên tỉnh” qua chốt, nhưng như thế thì có bán hết chỗ cá cũng chẳng còn lại được bao nhiêu.

Không dám lên bờ thường xuyên như trước, để bảo vệ bản thân, gia đình chị và hầu hết ngư dân nơi đây chọn cách mưu sinh dưới nước. Hàng ngày, họ vẫn nhổ neo đánh bắt gần nhà để ổn định thu nhập cũng xem như là một biện pháp “cách ly xã hội” an toàn. Những mẻ lưới mùa dịch vẫn cho thu nhập hằng ngày đã khích lệ ngư dân như chị kiên trì vươn lên bám trụ trên con sông Đồng Nai.

Mặc dù, lượng hải sản đánh bắt giảm nhiều so với trước đây, lại do dịch bệnh bùng phát mạnh, thương lái mua ít kéo theo giá thành giảm xuống ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và mức thu nhập của gia đình, khiến tiền bạc chi tiêu ngày càng hạn hẹp. Dẫu vậy, nếu không tiếp tục công việc này thì đâu có nguồn thu nào khác, ít ra thì chị vẫn duy trì được cuộc sống, mà đôi lúc còn có cá để ăn, hoặc bán rẻ nguồn thực thẩm cung cấp cho người dân trong thời điểm khó khăn.

Hai tay thoăn thoắt xốc lại tấm lưới, chị điềm nhiên bày tỏ, tuy khó khăn là vậy nhưng bản thân cũng thấy yên dạ vì trong đợt dịch giã, cả thế giới điêu đứng mà mình còn may mắn được đi chài, thả lưới. Ít ra gia đình vẫn có đồng ra đồng vào để nuôi con. Hoàn cảnh hiện tại dù vất vả nhưng bản thân luôn ấp ủ ước mơ một ngày cuộc sống sẽ trở lại bình yên, tin tưởng rằng với công cuộc chống dịch sẽ chiến thắng, để người dân tiếp tục được trở lại cuộc sống bình thường.

Đọc thêm