Ngừa lây viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Tiền sử mắc bệnh viêm gan siêu vi B với nhiều người phụ nữ chuẩn bị làm mẹ chỉ như là “vết ố” trong lý lịch sức khỏe của họ mà thôi. Nếu hiện tại virus viêm gan siêu vi B không còn thường trú trong cơ thể nữa thì hoàn toàn không có chuyện lây viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con.

Tiền sử mắc bệnh viêm gan siêu vi B với nhiều người phụ nữ chuẩn bị làm mẹ chỉ như là “vết ố” trong lý lịch sức khỏe của họ mà thôi. Nếu hiện tại virus viêm gan siêu vi B không còn thường trú trong cơ thể nữa thì hoàn toàn không có chuyện lây viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con.

Các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 90% người bị viêm gan siêu vi trở lại bình thường và không còn mang mầm bệnh. Chỉ có khoảng 10% chuyển thành người lành mang trùng mạn tính. Như vậy, các bà mẹ tương lai cần xét nghiệm viêm gan siêu vi B trước khi quyết định mang thai, để biết tiền sử viêm gan siêu vi B của mình có còn để lại hậu quả gì không.

Trong trường hợp người mẹ đang nhiễm virus viêm gan siêu vi B thì khả năng lây bệnh cho con lên đến 90%, nếu như không có biện pháp phòng ngừa ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào tải lượng virus trong máu. Nếu mẹ xét nghiệm thấy có HBsAg (+) và HBeAg (+), tỷ lệ truyền bệnh khoảng 90-100%; nếu thấy có HBsAg (+) và HBeAg (-), tỷ lệ truyền bệnh khoảng 20%. Các trường hợp xét nghiệm HBsAg (-) cho biết mẹ không bị nhiễm bệnh nên chưa có miễn dịch thì cần tiêm phòng viêm gan siêu vi B.

Nhìn chung giữa thai kỳ và bệnh viêm gan siêu vi B nếu có ở người mẹ không gây “tác hại” gì lẫn nhau. Trẻ sơ sinh của những bà mẹ mắc viêm gan siêu vi B cần tiêm huyết thanh chống virus viêm gan B (Ig Anti-HB) trong vòng 12 giờ đầu sau sinh. Sau đó trẻ cũng cần được tiêm 1 liều vaccin phòng viêm gan B như những đứa trẻ bình thường khác. Trong mọi trường hợp thì sữa mẹ vẫn luôn là nguồn thực phẩm tốt nhất cho trẻ. Bởi sữa mẹ giàu chất dinh dưỡng và có các chất giúp cho cơ thể trẻ chống lại bệnh tật mà không một loại thức ăn nào có được.

Thạc sĩ y học MAI HỮU PHƯỚC

Đọc thêm