Người cận nghèo Hải Phòng tham gia BHYT: Lúng túng trong thực hiện ở cơ sở

Ranh giới giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo rất mỏng manh, nhất là khi họ gặp rủi ro, tai nạn, bệnh tật. Vì vậy, giúp người cận nghèo có cơ hội thụ hưởng chính sách BHYT là điều cần thiết. Luật BHYT quy định đối tượng này được Nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng. Mặc dù vậy sau hơn 1 năm thực hiện, Hải Phòng chỉ có 10,24 % số người cận nghèo tham gia BHYT.

Ranh giới giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo rất mỏng manh, nhất là khi họ gặp rủi ro, tai nạn, bệnh tật. Vì vậy, giúp người cận nghèo có cơ hội thụ hưởng chính sách BHYT là điều cần thiết. Luật BHYT quy định đối tượng này được Nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng. Mặc dù vậy sau hơn 1 năm thực hiện, Hải Phòng chỉ có 10,24 % số người cận nghèo tham gia BHYT.

Nguyên nhân do đâu?

Trong số nhóm những người thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT được Nhà nước hỗ trợ mức đóng, người cận nghèo được hưởng sự hỗ trợ cao nhất: 50%, trong khi học sinh, sinh viên được ngân sách địa phương hỗ trợ tối đa 30%. Theo số liệu điều tra năm 2009 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hải Phòng có khoảng hơn 10 nghìn hộ cận nghèo, đến nay mới chỉ có 950 người tham gia BHYT (chiếm 10,24%).

Có thể nói khó khăn về kinh tế và hạn chế trong nhận thức là trở ngại khiến người cận nghèo không tận dụng cơ hội tham gia BHYT. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 50%, nhưng mức đóng còn lại (khoảng 200 nghìn đồng) vẫn là số tiền lớn so với thu nhập của người cận nghèo. Ngoài khó khăn về kinh tế, hạn chế trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như trách nhiệm với cộng đồng dẫn tới tình trạng tỷ lệ người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT thấp. Những người quan tâm, đăng ký tham gia chủ yếu là người cao tuổi và thực sự có nhu cầu khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, nhiều người có tâm lý trông chờ thành phố nâng mức chuẩn nghèo để “được” trở thành hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ 100% phí mua thẻ BHYT.

Người cận nghèo Hải Phòng tham gia BHYT: Lúng túng trong thực hiện ở cơ sở ảnh 1
Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa huyện An Lão làm thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người nghèo trên địa bàn huyện.

Triển khai chậm

Thực tế cho thấy những khó khăn trong triển khai chính sách nhân văn này có nguyên nhân từ sự lúng túng trong thực hiện của cơ sở. Một biểu hiện dễ nhận thấy là sự chậm trễ trong việc rà soát hộ cận nghèo. Theo Quyết định số 117 ngày 27-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí xác định hộ cận nghèo có mức thu nhập bằng 130% mức thu nhập của hộ nghèo. Bên cạnh đó là các dấu hiệu khác như mới thoát nghèo, tách từ hộ mới thoát nghèo, có con là học sinh, sinh viên các cơ sở dạy nghề, đại học, cao đẳng được vay vốn hỗ trợ học tập, gặp rủi ro do thiên tai, thảm họa, gia đình có người bị bệnh thường xuyên hoặc những rủi ro khác…

Tuy nhiên việc rà soát tại các địa phương chưa kịp thời dẫn đến Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phê duyệt danh sách muộn, kéo theo việc cấp thẻ BHYT cho diện này bị chậm. Có địa phương khi người cận nghèo nhận được thẻ BHYT thì thẻ chỉ còn hạn sử dụng 5- 6 tháng.

Một mướng mắc nữa hiện nay là thành phần các hộ cận nghèo gồm nhiều nhóm được hưởng mức hỗ trợ, như học sinh, sinh viên, người có công, cựu chiến binh, thân nhân sĩ quan…nên cũng gây khó khăn trong việc “bóc tách” để triển khai.

Giải quyết những khó khăn trên, cơ quan BHXH nên tổ chức thu phí BHYT đối với những người có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT theo năm tài chính nhằm bảo đảm quyền lợi cho họ. Vấn đề về phí “hoa hồng” cho người vận động tuyên truyền cho đối tượng này cũng cần được xem xét thỏa đáng. Cơ quan chức năng chủ động, tăng cường tuyên truyền vận động giúp người dân hiểu rõ hơn tính ưu việt của chính sách này để họ tích cực tham gia. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng cần vào cuộc, có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp với đặc thù địa phương giúp người cận nghèo có cơ hội tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT./.

Lê Thanh

Đọc thêm