Cty Cổ phần Dây lưới thép Nam Định, mọi người đều biết và cảm phục lòng yêu nghề, sự đam mê sáng tạo - cải tiến kỹ thuật của anh Trần Đình Thanh, công nhân kỹ thuật mạ kim loại bậc 7/7, tổ trưởng tổ mạ kim loại.
|
6 tháng đầu năm 2010, sản xuất ở Cty CP dây lưới thép Nam Định tiếp tục phát triển, doanh thu đạt 117 tỷ đồng, Cty vừa được trao tặng Cúp vàng “Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam 2010”.
Ảnh: Đức Hoa
|
Năm 1976, Bộ Điện - Than (nay là Bộ Công Thương) tuyển công nhân học nghề mạ kim loại tại Tiệp Khắc, anh Trần Đình Thanh, thôn An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) đăng ký và trúng tuyển. Năm 1984, sau khi học nghề ở nước bạn về, anh nhận công tác tại bộ phận mạ kim loại, Xí nghiệp mạ điện Nam Định (nay là Cty cổ phần dây lưới thép Nam Định). Trong quá trình làm việc, anh không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để hoàn thiện tay nghề. Anh cũng tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao vật tư - hoá chất, tiết kiệm điện năng và nâng cao chất lượng sản phẩm… do Công đoàn Cty phát động. Qua thực tế sản xuất, anh Thanh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và được Hội đồng Khoa học Kỹ thuật Cty đánh giá cao và áp dụng vào sản xuất như các sáng kiến: Xử lý triệt để chất bóng dư trong dung dịch mạ; Cải tiến hệ thống dẫn-chia điện trên dây chuyền mạ; Cải tiến bếp sấy sản phẩm mạ… Nhờ những thành tích nổi bật trong sản xuất, năm 1988, anh được kết nạp Đảng, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng "Lao động sáng tạo" trong 3 năm liền (1989, 1990, 1991), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy chương "Tuổi trẻ lao động sáng tạo" năm 1991… Với những nỗ lực và để có điều kiện phát huy khả năng sáng tạo, anh được Cty giao phụ trách bộ phận mạ kim loại chất lượng cao. Đây là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình sản xuất sản phẩm, là yếu tố quyết định uy tín và chất lượng hàng hoá của Cty trên thị trường. Nhận thức được điều đó, trong quá trình điều hành và trực tiếp sản xuất, anh không ngừng tìm hiểu, nâng cao kiến thức và đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Lắp đặt hệ thống bơm lọc dung dịch bán tự động trong dây chuyền mạ kim loại chất lượng cao; Tiết kiệm tiêu hao sắt trong quá trình sản xuất; Thu hồi lượng axít thải tái bổ sung cho dây chuyền mạ… Các sáng kiến của anh đã được áp dụng vào sản xuất giúp giảm tiêu hao nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và làm lợi cho Cty hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, các sáng kiến: Hoàn thiện quy trình sản xuất dung dịch mạ có độ tinh khiết cao; Thu hồi-tái chế lượng kẽm dư trong mùn phế thải thành dung dịch mạ… là những sáng kiến vừa có giá trị kinh tế cao, vừa giúp Cty chủ động điều chế được các loại dung dịch mạ như: kẽm, crôm… bảo đảm chất lượng, nước mạ cho sản phẩm. Phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nên năng suất lao động của tổ mạ kim loại do anh phụ trách thường xuyên đạt 120% kế hoạch, vượt chỉ tiêu Cty giao, chất lượng sản phẩm bảo đảm, tỷ lệ tiêu hao vật tư, hoá chất, điện năng giảm từ 5-7%, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng hàng năm của Cty đạt 15% với trên 1,3 vạn tấn sản phẩm, được thị trường tín nhiệm và tiêu thụ tốt.
Trong 26 năm công tác tại Cty, anh Thanh đã có trên 30 sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật, trong đó có 16 sáng kiến có giá trị kinh tế cao. Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền anh được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua; được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Lao động sáng tạo" giai đoạn 1996-2006 và giải thưởng Nguyễn Đức Thuận lần thứ nhất năm 2009; Bộ Công nghiệp tặng Huy chương "Vì sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam"…
Thành Trung