Người đàn bà bất hạnh trả giá sau 17 năm sát hại con chồng

 

Bực tức vì Hợp không nghe lời, lại sẵn ghét con riêng của chồng, Sâm bèn lấy tay bịt mồm cháu rồi kéo vào căn bếp bỏ không của nhà chị Tuyết gần đó. Vào đến nơi, Sâm kéo tuột chiếc khăn bông đội đầu xuống dùng để xiết cổ bé Hợp, đồng thời đập đầu cháu xuống nền bếp. Thấy cháu bé nằm bất động, Sâm để xác cháu bé ở bếp rồi đi ra ngõ...

 

Cả cuộc đời phạm nhân Nguyễn Thị Sâm là chuỗi ngày đau khổ, bất hạnh tiếp nối nhau, triền miên, bất tận...

Duyên phận éo le của cô gái lỡ thì

Phạm nhân Nguyễn Thị Sâm (45 tuổi, quê ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là chị cả trong gia đình nông dân nghèo có năm chị em. Học chưa hết lớp 7, Sâm buộc phải bỏ giưa chừng để trở thành lao động chính trong nhà. Không được trời phú cho nhan sắc, lại con nhà nghèo nên cuộc sống của Sâm chịu nhiều thua thiệt.

Ở cái vùng quê Phúc Thọ của cô, con gái bước tuổi trăng rằm đã có người nhòm ngó dạm hỏi, 16-17 tuổi nhiều người đã con bế con bồng. Thế nhưng trong khi bạn bè cùng trang lứa lần lượt lấy chồng, thì dường như ông tơ bà nguyệt lại bỏ quên Sâm. Bước qua tuổi 20 đã lâu mà Sâm vẫn “vườn không nhà trống”, chẳng có ai ngó ngàng đến.

gdre
Phạm nhân Nguyễn Thị Sâm.

Vài năm sau đó, nhờ sự mai mối của những người thân, Sâm về làm vợ lẽ một người đàn ông góa vợ cùng xã. Đó là anh Nguyễn Văn Nhân đang phải gà trống nuôi đứa con mồ côi mẹ 3 tuổi sau ngày vợ mất. Biết rằng làm lẽ anh Nhân, sống cảnh mẹ kế con chồng cuộc sống sẽ rất phức tạp nhưng Sâm vẫn đồng ý.

Về làm dâu, Sâm phải sống cùng bố mẹ chồng khó tính, gia trưởng và cháu Nguyễn Văn Hợp - con riêng của chồng. Cuộc sống nghèo khó, phức tạp nhiều áp lực là một thách thức lớn với cô gái quê ngờ nghệch, vụng về và ít va chạm. Đã vậy, bố mẹ chồng Sâm còn hay xét nét, tỏ ý không vừa lòng với cô con dâu.

Phải cắn răng chịu đựng bố mẹ chồng đã đành, nhưng đến cả đứa con riêng của chồng Sâm cũng không được quyền sai khiến hay mắng mỏ những khi bé Hợp phá phách, nghịch ngợm. Đã nhiều lần Sâm bị nhà chồng dọa đuổi vì tội cãi lại bố mẹ chồng và đánh con riêng của chồng. Những khi đó, anh Nhân không hề đỡ lời cho vợ mà còn đánh Sâm không tiếc tay. Kể cả khi Sâm có bầu đứa con chung, cuộc sống của cô cũng vẫn vất vả ngột ngạt như thế.

Khi Sâm sinh con gái là cháu Nguyễn Thị Nhung, cô ta cũng chẳng được nghỉ ngơi, bồi dưỡng như những người đàn bà khác. Nhà chồng nhận gia công dây thừng, dù mới sinh con, sức khỏe yếu nhưng Sâm vẫn phải thức khuya dậy sớm bện dây cùng với mọi người. Nhiều lúc mệt quá, Sâm gục xuống nền nhà thiếp đi, đến khi bị chồng đánh cho tối tăm mặt mũi mới bừng tỉnh dậy. Có hôm, Sâm bị chồng cầm con dao nhọn dùng để làm thừng, dọa sẽ cắt tai nếu còn thấy Sâm ngủ gật. Liên tục bị mọi người trong gia đình nhà chồng coi thường và ép uổng, Sâm vô cùng đâu khổ, oán hận, nung nấu âm mưu trả thù.

Bé trai mất tích bí ẩn

Sâm còn nhớ rõ buổi sáng cách đây gần hai chục năm, cô ta mang phân kali đi bón lạc ở cánh đồng thôn Yên Dục. Ra đến cổng làng, Sâm thấy bé Hợp đang chơi tha thẩn chơi một mình. Thấy mẹ kế, cháu bé mè nheo đòi theo đi ra đồng. Sâm bèn quát mắng, đuổi con về nhà nhưng bé Hợp không chịu về, nên cô ta giang tay tát đứa trẻ một cái.

Bị dì ghẻ tát đau, bé Hợp òa khóc. Thấy vậy, Sâm móc trong túi áo một nắm ngô rang và dỗ Hợp nhưng cháu vẫn khóc. Bực tức vì Hợp không nghe lời, lại sẵn ghét con riêng của chồng, Sâm bèn lấy tay bịt mồm cháu rồi kéo vào căn bếp bỏ không của nhà chị Tuyết gần đó. Vào đến nơi, Sâm kéo tuột chiếc khăn bông đội đầu xuống dùng để xiết cổ bé Hợp, đồng thời đập đầu cháu xuống nền bếp. Thấy cháu bé nằm bất động, Sâm để xác cháu bé ở bếp rồi đi ra ngõ.

Tại đây, Sâm gặp em ruột là Nguyễn Văn Cường đang bế đứa con chung của cô ta với anh Nhân là cháu Nguyễn Thị Nhung, bèn bảo Cường về nhà lấy bao tải dứa để đi vơ lá tre. Có bao tải trong tay, đợi Cường đi khỏi, Sâm quay lại bếp cho xác cháu Hợp vào bao.

Tiếp đó, Sâm đên nhà bà Nguyễn Thị Gái ở cùng thôn mượn chiếc cuốc, rồi quay về nhà mình lấy đôi quang và hai rổ tre mang đến nơi gây án. Sau đó, người đàn bà độc ác bình tĩnh đem xác đứa con chồng ra cánh đồng ngô khu vực bãi Giảng (xã Hiệp Thuận) chôn giấu.

Xong, Sâm mang đôi quang gánh về ruộng lạc của nhà mình ở cánh đồng thôn Yên Dục để làm cỏ lạc. Trưa hôm đó, không thấy bé Hợp về ăn cơm mọi người đổ xô đi tìm nhưng Sâm vẫn trả lời không biết, không thấy con chồng ở đâu.

Trả giá cho tội ác sau 17 năm trốn nã

Tròn 4 ngày sau vụ mất tích bí ẩn của bé Hợp, người dân địa phương đã phát hiện thấy cháu bé xấu số bị vùi lấp sơ sài ngoài ruộng ngô. Biết sớm muộn gì tội ác cũng bị lộ, Sâm đã ôm con trốn vào xã Vình Hòa, huyện Phú Giao, tỉnh Bình Dương.

Tại đây, Sâm lấy tên là Thanh - một người đàn bà nhẹ dạ trót có con ngoài giá thú phải tha hương cầu thực với nghề làm mướn. Thấy Sâm khỏe mạnh, chịu khó, thật thà, hoàn cảnh lại thương tâm nên người dân địa phương quý mến, cưu mang. Trên đường trốn chạy pháp luật và mưu sinh, Sâm nên duyên cùng một người đàn ông hiền lành tốt bụng quê xã Vĩnh Hòa.

Sau đó, Sâm sinh liền tù tì ba đứa con trai, cách nhau 2 năm một. Nhưng khi đứa con út mới chào đời thì người chồng mất vì bệnh ung thư, khiến người đàn bà này thành góa bụa với đàn con thơ, sau 6 năm làm vợ ở xứ này. Cuộc sống cứ thế trôi đi, thấm thoát đã 17 năm kể từ ngày Sâm gây ra tội ác kinh hoàng. Đã có lúc, người đàn bà này lầm tưởng rằng mình đã lọt lưới pháp luật.

Ám ảnh suốt đời

Một ngày đầu hè năm 2005, tròn 17 năm trốn truy nã thì Nguyễn Thị Sâm đã bị công an ập vào bắt giữ tại sân nhà, ngay trước mặt những đứa con. Đám trẻ kinh hoàng, không thể nào tin người mẹ mà chúng yêu thương lại là một tên tội phạm nguy hiểm đang lẩn trốn pháp luật. Sau đó, Sâm bị di lý về Công an tỉnh Hà Tây (cũ) và bị TAND tỉnh Hà Tây kết án tù chung thân về tội “Giết người”.

Về thụ án tại Trại giam số 5 (Thanh Hóa), Sâm hầu như không có người thân thăm nuôi. Nhiều đêm, tỉnh giấc giữa phòng giam lạnh lẽo, Sâm mơ thấy cháu Hợp về đòi mạng sống. Tỉnh dậy, mồ hôi Sâm vã ra đầm đìa, lạnh toát sống lưng, không sao ngủ tiếp được nữa.

Nhiều đêm phải thức trắng trong dằn vặt chờ trời sáng, Sâm ao ước giá như hồi đó mình không hành động tàn ác như vậy, hoặc giá như hồi đó sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng, thì giờ đây những đứa con đã không phải chịu nỗi mặc cảm, khổ nhục vì có một người mẹ sát nhân. Nhưng, nói gì bây giờ thì cũng đã quá muộn...

Nguyễn Lê
 

Đọc thêm