Nhiều địa phương tại miền Bắc đang phải đương đầu với đợt nắng nóng lên đến trên 40 độ C, hứa hẹn một mùa hè căng thẳng. Thế nhưng, dường như đi ngược với xu thế thời tiết, năm nay tình hình cung cấp điện lại có vẻ dịu nhiệt, mà nguyên nhân vì nhu cầu điện sản xuất chững lại do tình hình kinh tế khó khăn.
Hôm qua – 2/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, trong tháng 4, hệ thống điện quốc gia vận hành, cung cấp điện an toàn và ổn định. Các nhà máy thuỷ điện khai thác theo kế hoạch điều tiết để đảm bảo cấp điện mùa khô 2012, đặc biệt kết hợp vận hành hợp lý các nhà máy thuỷ điện Trị An, Hàm Thuận – Đa Mi, Đại Ninh, Buôn Tua Srah, Sông Ba Hạ để đảm bảo các yêu cầu về cấp nước phục vụ dân sinh, tưới tiêu nông nghiệp. Các nguồn nhiệt điện than (trừ Formosa) khai thác tối đa, tua bin khí khai thác cao theo khả năng cấp khí và mua điện Trung Quốc ở mức hợp lý theo nhu cầu phụ tải khu vực.
Cụ thể, tháng 4, sản lượng điện sản xuất ước đạt 9,2 tỷ kWh giảm 3,7% so với tháng 3 và tăng 15,4% so với tháng 4/2011. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng điện ước đạt 35,1 tỷ kWh, tăng 14,5% so với cùng kỳ; sản lượng điện thương phẩm ước đạt 31,9 tỷ kWh tăng 10,6% so với cùng kỳ, trong đó điện dùng cho công nghiệp và xây dựng tăng 9,8%, chiếm tỷ trọng 52,5%; dùng cho thương nghiệp và khách sạn, nhà hàng tăng 14,1%, chiếm tỷ trọng 4,5%; dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 12,4%, chiếm tỷ trọng 36,7%...
Để bổ sung nguồn điện cho các tháng mùa khô năm 2012, từ ngày 25/4 tổ máy thứ 5 của Nhà máy Thủy điện Sơn La đã được khởi động không tải và chính thức hòa lưới điện quốc gia vào ngày 28/4. Trước đó, nằm đảm bảo khả năng truyền tải điện năng từ Nhà máy Thủy điện Sơn La và các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc về trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa, đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa đã được đóng điện thành công từ cuối tháng 3.
Việc hoàn thành đường dây 500kV Sơn La – Hiệp Hòa góp phần đáng kể đáp ứng nhu cầu phụ tải cho miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, đồng thời, tạo mối liên kết các hệ thống điện khu vực, góp phần thống nhất lưới điện 500kV trên toàn quốc, nâng độ tin cậy, ổn định, tối ưu hóa hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia.
Đặc biệt, ngày 18/4, Nhà máy Phong điện I tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận đã chính thức khánh thành. Đây là dự án phong điện đầu tiên tại Việt Nam có công suất lớn, được kết nối vào lưới điện quốc gia (cấp 110kV) do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư xây dựng với tổng công suất 30MW, sử dụng 20 turbin gió loại 1,5MW của Đức.
Hàng năm nhà máy cung cấp khoảng 85 triệu kWh điện và giảm phát thải 58.000 tấn CO2/năm. Trước đó, ngày 03/4, Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 tại Khu kinh tế Nhơn Hội (trên bán đảo Phương Mai, tỉnh Bình Định) đã được khởi công với công suất 30MW, gồm 12 tổ máy (mỗi tổ máy 2,5MW). Dự kiến nhà máy sẽ đi vào vận hành trong quý 2 năm 2013.
Những chỉ dấu này cho thấy mùa khô năm nay nguồn cung điện được bổ sung đáng kể. Trong khi, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhu cầu điện sản xuất lại đang chững lại nếu không muốn nói là có xu hướng sụt giảm do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp, nhà máy hoạt động cầm chừng.
Không chỉ điện sản xuất, nhu cầu điện sinh hoạt cũng sẽ bớt căng thẳng do người tiêu dùng “tự giác” tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu. Như vậy, người dân đang có một mùa hè có thể bớt lo bị cúp điện nhưng lại phải đối mặt với những hệ lụy của nguy cơ kinh tế thiểu phát.
Tại cuộc họp báo, trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) xác nhận việc đảm bảo nguồn cung, tuy nhiên vị này cũng lưu ý, do thời tiết quá nắng nóng và giới hạn truyền tải nên cũng khó tránh khỏi tình trạng cắt điện một vài nơi. Trước các câu hỏi về khả năng tăng giá điện, ông Phúc khẳng định: hiện tại, chưa có chủ trương tăng giá điện.
Mai Hoa