Ở xã Kông Yang, huyện Kông Chro, cái nắng nóng càng khô khốc hơn khi phần lớn các ngôi nhà nằm trên những bãi đá, xung quanh không một nguồn nước. Từ sáng đến chiều, một khung cảnh thường thấy ở xã vùng cao này là những đoàn người lũ lượt kéo nhau đi lấy nước...
Khi nắng nóng ngày càng gay gắt, hàng ngàn người dân tỉnh Gia Lai bắt đầu quay quắt đi tìm nguồn nước sinh hoạt.
|
Người dân xã Kông Yang, huyện Kông Chro (Gia Lai) lũ lượt kéo đến sông Ba lấy nước sinh hoạt về dùng. |
Khi cả xã nằm trên vùng đá
Con đường từ thị xã An Khê đi huyện Kông Chro (Gia Lai) phừng lên như đổ lửa. Dọc hai bên đường, hàng trăm ha rừng trồng, vườn cây bị chết khô như có đám cháy vừa quét qua. Suốt dọc đường, hầu như không thấy sự hiện diện của nước.
Ở xã Kông Yang, huyện Kông Chro, cái nắng nóng càng khô khốc hơn khi phần lớn các ngôi nhà nằm trên những bãi đá, xung quanh không một nguồn nước. Từ sáng đến chiều, một khung cảnh thường thấy ở xã vùng cao này là những đoàn người lũ lượt kéo nhau đi lấy nước.
Ông Đinh Khoeng (ngụ làng Dơng, xã Kông Yang), đang cùng nhiều người đi ngược lên sông Ba cách nhà 5- 6 km lấy nước, mệt mỏi nói: “Năm nay, mới vào mùa nắng mà cả làng đã thiếu nước. Bây giờ, mỗi ngày gia đình tôi thay phiên đi lấy nước hai lần về uống, nấu ăn. Còn tắm giặt hàng ngày thì mạnh ai nấy vào rừng tìm suối mà dùng”.
Dù sông Ba cách nhà 4-6 km nhưng phần lớn phụ nữ làng Dơng đều đi bộ để gùi, mang nước về nhà. Đàn ông đi xe máy mỗi lần cũng chỉ chở được vài can nhựa nhưng mỗi ngày đi về mấy lượt thì không chịu nổi tiền xăng.
Bà Đinh Thị Liel (ngụ làng Dơng), than: “Sông Ba mùa này nhiều đoạn đã khô cạn, mình phải đi bộ thật xa mới tìm được chỗ nước chảy để lấy về dùng. Ngay chỗ nước chảy cũng khi sạch khi bẩn nên phải mất cả buổi mới mang về nhà được vài can nước”. Chính vì thế, ở xã Kông Yang, gia đình nào cũng tiết kiệm từng giọt nước. Xung quanh nhà, cây cối khô héo nhưng không biết lấy đâu ra nước để tưới.
Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN &PTNT huyện Kông Chro, cho biết: “Xã Kông Yang đang là địa phương thiếu nước sinh hoạt gay gắt nhất ở huyện Kông Chro. Địa hình xã này nằm trên một vùng đá nên các gia đình không thể khoan giếng. Trước đây, nhiều gia đình đã tốn mấy chục triệu đồng, khoan sâu cả trăm mét nhưng bên dưới toàn đá, không tìm thấy nguồn nước nên bây giờ bà con chỉ sống nhờ vào nước sông Ba. Tuy nhiên, sông Ba lại ở quá xa các làng; gần đây dòng sông thường xuyên bị khô cạn, khi có nước thì bị ô nhiễm”.
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, cán bộ Phòng NN &PTNT huyện Kông Chro, trước đây chương trình nước sạch nông thôn tỉnh Gia Lai có xây dựng hai công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung tại làng Ba Bã và làng Dơng của xã Kông Yang, với công suất thiết kế cung cấp nước sinh hoạt cho 50% trong gần 850 hộ của các này. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu nguồn nước nên hai công trình này chỉ hoạt động cầm chừng với công suất đã giảm 50% so với thiết kế. Chính vì thế, số hộ thiếu nước sinh hoạt ở xã Kông Yang ngày càng gia tăng.
Theo Sở NN& PTNT Gia Lai, hiện nay hàng ngàn hộ dân ở tỉnh này đang bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhiều nhất tại các huyện Kông Chro, Mang Yang, Đắk Đoa, Chưpảh, Chưprông, Chư Sê... Hiện hàng loạt công trình tự chảy cung cấp nước sinh hoạt tập trung đang bị thiếu nguồn nước, trong khi phần lớn người dân phải đi rất xa mới tìm được nguồn nước sinh hoạt tạm thời.
Theo ông K’pa Thuyên, Giám đốc Sở NN &PTNT Gia Lai, vay đa số người dân Gia Lai sống ven sông Ba vốn sống nhờ vào nguồn nước dòng sông này. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết nước từ thượng nguồn sông Ba đều bị thủy điện An Khê- Ka Nak tích lại rồi đổ ra sông Kôn (Bình Định), chỉ xả về sông Ba với lưu lượng gần 5 m3/s nên dòng sông trở nên khô cạn. Do đó, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại nhiều địa phương ở Gia Lai càng bức bách hơn.
Hàng ngàn ha cây trồng có nguy cơ chết khô
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, năm nay hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh này tích nước không đạt cao trình thiết kế. Trong khi đó, hiện mực nước phần lớn các sông, hồ trên địa bàn Gia Lai đã xuống rất thấp, nhiều sông suối đã khô cạn. Mặt khác, lượng nước tích tại phần lớn các hồ chứa của các nhà máy thủy điện ở Gia Lai cũng đang ở mức thấp nên lượng nước xả ra rất hạn chế, khiến các sông càng thêm kiệt.
Tình trạng này khiến hàng ngàn ha cây trồng, nhiều nhất là cà phê, hồ tiêu đang đối mặt với nguy cơ khô cháy do không có nước tưới.
|
Những khu rừng trồng chết khô ở huyện Kông Chro. |
Nhiều ngày nay, ông Nguyễn Nguyên Hùng (ngụ thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) lo lắng nhìn vườn tiêu gần 1,5 ha của gia đình ông đang bị khô héo dần nhưng chưa được nguồn nước tưới. Ông Hùng than thở: “Gia đình tôi vừa thuê người đào giếng tốn hơn 35 triệu đồng nhưng không tìm thấy mạch nước. Mua hàng trăm mét ống bơm nước từ xa để tưới nhưng cũng không được bao nhiêu”. Nhiều người ở xã Nam Yang cho biết thêm, họ đào giếng sâu cả trăm mét nhưng mạch nước rất yếu, phải chờ nước tích rất lâu mới có tưới.
Ông Cao Văn Thành (ngụ thôn 2, xã Nam Yang) nói: “Thường trong mỗi vụ cà phê người ta tưới 3-5 đợt, mỗi đợt cách nhau 20-15 ngày. Đến nay, những hộ nào đã tưới xong đợt ba thì có thể tạm yên tâm, còn hộ nào chỉ mới tưới hai đợt thì giờ không tìm ra nguồn nước để tưới, cà phê khô héo là cái chắc”. Theo ông Huỳnh Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Nam Yang, cho biết: “Trong khi diện tích cây trồng, nhất là hồ tiêu ngày càng tăng thì nguồn nước tưới ngày càng khan hiếm, cả nước mặt cũng như nước ngầm.
Năm nay mới tháng tư mà nguy cơ khô hạn rất cao. Nhiều gia đình mua máy bơm cũng rất khó khăn vì chạy dầu thì chi phí tăng cao, còn bơm điện thì lưới kéo tới. Chúng tôi lo nhất là hiện nay hơn 100 ha hồ tiêu ở Nam Yang đang bị thiếu nước tưới”. Theo Phòng NN &PTNT huyện Đăk Đoa, hiện diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới đang ngày càng tăng cao.
Ông Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT Gia Lai, cho biết: “Thông thường nắng nóng, khô hạn cao điểm nhất ở Gia Lai rơi vào tháng ba và tháng tư. Hiện nay, lượng nước mặt và nước ngầm đang suy giảm mạnh, nhiều sông suối cạn kiệt, mất dòng chảy khiến tình trạng thiếu nước tưới xảy ra ở một số địa phương. Tuy nhiên, hiện nay do phần lớn các hồ chứa đã giao cho các huyện quản lý, điều tiết nên Sở chưa thống kê cụ thể”.
Uyên Thu