Gần 20 năm nay gắn bó cùng đàn hổ với biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, thế nên hàng ngày, chỉ cần thấy cả 8 con hổ đều ăn uống khỏe mạnh bình thường là niềm vui lại rạng rỡ trên khuôn mặt người đàn ông này.
Người đàn ông đó là anh Nguyễn Quang Phúc (sinh năm 1970, nhà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Anh Phúc hiện là Đội trưởng Đội Chăn nuôi thú dữ của Vườn thú Hà Nội - bộ phận chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy đàn tám con hổ của Vườn thú Hà Nội. Trong đó có bảy con hổ Đông Dương, một con hổ Amua nhập về từ Vườn thú Leipzig của Đức từ năm 1992, khi nó mới hơn 1 tuổi.
Vòng tuần hoàn bên hổ dữ
Năm 1992, anh Nguyễn Quang Phúc vào làm việc tại Xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật - Công ty Vườn thú Hà Nội. Đến năm 1996, anh được giao nhiệm vụ chăm sóc hổ. “Thời gian đầu, thỉnh thoảng tôi đến gần chuồng là hổ gầm lên vì ngửi thấy hơi lạ khiến tôi giật bắn cả người. Thế nên, có những hôm tôi phải đứng cạnh chuồng hổ cả buổi để cho chúng quen hơi”, anh Phúc tâm sự.
Anh Phúc bên chú hổ Nô.
Từ đó đến nay, anh Phúc vẫn có thêm nhiều phen “thót tim”, không phải vì tiếng gầm của “chúa sơm lâm”, mà trong những lúc hay tin có con hổ nào đó biếng ăn hay bỏ bữa. Ngày nào cũng vậy, Đội trưởng Đội Chăn nuôi thú dữ Nguyễn Quang Phúc đều “diện” một bộ quần áo quen thuộc đi vào chuồng thăm hổ.
“Có hôm tôi đi ăn cưới về, trên người mặc bộ veste có xức chút nước hoa. Về tới vườn thú, tôi nhớ quá liền đi vào tận chuồng con Nô (tên một con hổ cái - PV). Thấy tôi trong trang phục khác ngày thường và có mùi lạ, nó liền gầm lên, lao xồ vào tôi. Phải đến khi tôi cất tiếng lên, nó mới nhận ra giọng của tôi và trở lại bình thường. Mấy con hổ này hàng ngày thấy tôi là nó lại nũng nịu như đứa trẻ vậy”, anh Phúc kể.
Lịch làm việc của anh em trong đội ngày qua ngày “đều như vắt chanh” với buổi sáng, bắt đầu từ 8h, dọn vệ sinh chuồng trại, thay cát vào bể vầy.
10h, bắt đầu cho hổ ăn. Đây là phần việc đặc biệt quan trọng vì loài hổ chỉ ăn một bữa trong ngày và trung bình mỗi ngày một chú hổ “ngốn” hết 5 kg thịt bò loại một cộng thêm 1 kg sườn. Theo các nhân viên trong Đội Chăn nuôi thú dữ, cho hổ ăn là một phần việc nguy hiểm bởi theo phản xạ tự nhiên, chúng sẽ xồ vào người đang cầm thức ăn.
Trong đàn hổ của Vườn thú, hung dữ nhất phải kể đến hổ Điên (con trai của hổ Lâm Nhi nổi tiếng một thời). Con hổ đực này rất khó gần, trong những ngày trở trời hay đến kỳ động dục, tiếng gầm của nó nghe rất kinh khủng. Anh em trong Đội Chăn nuôi thú dữ cứ đến gần cửa chuồng là Điên nhảy vồ vào song sắt, có lần làm trầy xước mặt người cho nó ăn.
Đến chiều, nhân viên lại lùa hổ ra chuồng phụ. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn bởi khi bị lùa ra, hổ có tác phong rất đủng đỉnh và... đỏng đảnh.
Bên cạnh đó, nhân viên Đội Chăn nuôi thú dữ phải theo dõi sát sao sức khỏe của đàn hổ. “Chúng tôi ốm thì không sao, nhưng một con hổ tại đây mà ốm thì anh em trong đội ăn không ngon, ngủ không yên, lo ngay ngáy”, anh Phúc nói.
Chăm sóc hổ như con
Trong ngót 20 năm gắn bó với đàn hổ của Vườn thú Hà Nội, anh Phúc có mối liên hệ đặc biệt với chú hổ đực tên Nô.
Đứng trước chuồng nhốt Nô, anh Phúc kể cho tôi nghe câu chuyện về chú hổ này. Theo đó, Nô là con của hổ cái tên Mi. Nô sinh ra cùng ba con hổ con khác nhưng Mi đã không cho đàn con bú. Lo sợ hổ con chết đói, Đội Chăn nuôi thú dữ đã đề xuất lãnh đạo Công ty Vườn thú Hà Nội tách đàn hổ con ra khỏi mẹ để chăn nuôi riêng.
Lần đó, cùng với anh em trong đội, anh Phúc đã trở thành một bảo mẫu đúng nghĩa cho hổ. Tất cả bọn họ đã phải đổ đi khắp nơi mua... chó đẻ còn nhiều sữa về rồi trực tiếp đút bầu sữa của chó vào mồm cho hổ Nô và các anh chị em nó bú.
Dù Đội Chăn nuôi thú dữ đã cố gắng hết sức nhưng sau 1 tháng nuôi bốn chú hổ con bằng sữa chó, chỉ có hai hổ con sống sót là Nô và một hổ con khác tên là Sen.
Theo lời kể của anh Phúc, ngày đó Nô và Sen quấn người như những chú cún con.
“Chúng chạy nhảy khắp nơi. Hàng ngày khi tôi làm việc, chúng luôn nằm dưới chân tôi. Đêm đến, anh em ngủ để chăm sóc thú về đêm, Nô và Sen toàn nhảy lên giường, đòi ngủ cùng anh em tại đây”, chị Nguyễn Hà Phương, Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi và Phát triển động vật, Công ty Vườn thú Hà Nội tâm sự.
Sau này, hổ Sen cũng mãi mãi ra đi khi nó nặng 50 kg. Nô đã 3 tuổi, có thể coi là “khôn lớn” và vẫn giữ được mối quan hệ đặc biệt thân tình với con người. Trong cả đàn hổ của Vườn thú Hà Nội, Nô là trường hợp duy nhất mà anh em nhân viên có thể vào tận chuồng để tiếp cận và âu yếm vuốt ve. Với Nô, anh Phúc chỉ cần quát một câu là nó nằm ngửa phơi bụng lên trời. Hay như khi anh Phúc chỉ tay lên trời là Nô lập tức nhẩy cẫng lên đứng bằng hai chân sau, trông rất lành.
Nói vậy không có nghĩa là hiện nay khi đã khôn lớn, hổ Nô vẫn nhận được sự chăm sóc ưu ái hơn những chú hổ khác. Trên thực tế, không riêng gì Nô mà tại Vườn thú này, tất cả các con hổ khác đều được nhân viên Vườn thú yêu quý như con cháu ruột thịt của mình.
Năm 2008, tại khu nuôi hổ có hai con hổ cắn nhau, trong đó chú hổ tên Bình Dương bị thương ở chân. Sau khi băng vết thương cho hổ Bình Dương, anh em trong Đội Chăn nuôi thú dữ sợ nó liếm vào gây nhiễm trùng nên đã nhốt nó vào cũi. Để canh chừng không cho nó liếm vết thương, Đội Chăn nuôi thú dữ đã kê một chiếc gường ngay cạnh Bình Dương rồi cắt cử anh em thay nhau trông nó 24/24 giờ.
“Mỗi khi định liếm vết thương, nó lại bị chúng tôi lại quát và ngăn cản. Cứ thế, anh em thay nhau trông chừng hơn 1 tháng thì vết thương của nó mới lành lại”, anh Phúc tâm sự.
Chỉ có thể là cái tâm với nghề, coi chúng là con thì mới có thể theo đuổi cái nghiệp làm bạn với hổ đến ngày hôm nay. Chia tay những chú hổ, chia tay anh Phúc và các đồng nghiệp của anh, những con người thầm lặng bên chuồng hổ, tôi vẫn nhớ câu nói của vị Đội trưởng Đội Chăn nuôi thú dữ khi chia tay: “Chúng nó đều có tâm hồn và tính cách riêng như con người vậy. Tôi coi đây là tổ ấm thứ hai của mình, vì thế việc nhà và việc tại đây tôi coi như một và luôn chủ động sắp sếp công việc hai nơi sao cho ổn thỏa. Một ngày mà không được nhìn thấy chúng là tôi nhớ lắm. Nhớ như những đứa trẻ con nhà mình vậy…”.
Thiên Minh