Đến nay, cả nước đã có 10 tỉnh, thành phát dịch với hàng trăm người dương tính với phẩy khuẩn tả. Thủ phạm gây bệnh chủ yếu là thịt chó, nước đá và thức ăn mất vệ sinh. Tuy nhiên, trên vỉa hè, hàng quán vẫn bán tràn lan, những quầy thịt chó và tiết canh lợn vẫn đông nghịt khách đến ăn hàng.
Thịt chó, tiết canh…ăn vô tư
Theo bà Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, chỉ trong một tuần, bệnh viện đã tiếp nhận 90 ca tiêu chảy cấp nhập viện, trong đó chủ yếu ở Hà Nội và có ít nhất 28 bệnh nhân đã được xác định mắc tả.
Dù Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên và có số bệnh nhân mắc bệnh tả khá đông, nhưng dường như thông tin trên vẫn chưa được người dân để ý. Tại Ngõ 165 Cầu Giấy, quán cháo lòng, tiết canh vẫn luôn tấp nập khách ra vào. Tiết canh không chỉ phục vụ giới đàn ông mà ngay cả các bà, các chị cũng gọi ơi ới. Khi được hỏi: đang dịch tả mà vẫn ăn tiết canh, không sợ à? Hai “chân dài” vừa lau miệng vừa đáp: “Trời nóng thế này, làm bát tiết cho nó mát. Không ăn thì lại chết nóng”…
Còn tại chợ Thành Công, có tới hàng chục quầy thịt chó vẫn vô tư bày bán ngay phía ngoài cổng chợ. Nhìn trước, ngó sau một hồi lâu cũng chẳng thấy bóng dáng của người có trách nhiệm đến nhắc nhở hay nghiêm cấm việc bày bán “thủ phạm” gây dịch. Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn V.cholerae nhóm O1, có khả năng gây bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn, có số người lành mang trùng và thời gian mang trùng nhiều và dài hơn, khả năng tồn tại lâu hơn ở môi trường. Chính vì vậy nguy cơ gây bệnh và lây lan của khuẩn tả sẽ cao hơn nếu người dân không có biện pháp tích cực phòng chống.
Cho đến thời nay, cả nước có gần 200 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê qua các ca bệnh được nhập viện và điều trị. Trên thực tế, con số này sẽ lớn hơn rất nhiều. Qua điều tra dịch tễ, phần lớn những trường hợp mắc tả và tiêu chảy cấp nguy hiểm nhập viện đều có đều có liên quan đến thịt chó, rau sống, nước đá, thức ăn đường phố …
Tiến sỹ Trần Thanh Dương- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: có tới hơn 60% bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả là do ăn thịt chó; 6% liên quan đến bún ốc và 4% liên quan đến nước đá.
|
Tiết canh - khoái khẩu nhưng cần thận trọng khi ăn |
Dùng đá công nghiệp để … giải khát
Nắng nóng và oi bức, nhu cầu dùng nước đá của người dân tăng cao. Đối với những hộ gia đình có tủ lạnh thì chất lượng đá được đảm bảo bằng việc dùng nước đun sôi để nguội làm đá. Tuy nhiên, tại các nhà hàng, quán giải khát, đặc biệt là những quầy nước mía dọc các vỉa hè thì chất lượng nước đá vô cùng thả nổi và chẳng có cơ quan nào đến kiểm tra. Uống vào, tội vạ đâu, người tiêu dùng gánh chịu.
“Nguồn nước làm đá được lấy từ nhiều nơi, có thể là nước máy, nước giếng khoan, thậm chí là nước ao, hồ. Và như vậy, nếu dùng đá công nghiệp để uống thì nguy cơ gây nên bệnh tả là rất cao”- T.S Trần Thanh Dương lo lắng.
Theo chân một mối buôn đá lạnh trên đường Trần Khát Chân (gần chợ Mơ- Hà Nội), người viết bài này đã tận mắt chứng kiến nơi bảo quản đá vô cùng nhem nhuốc và bẩn thỉu. Đá được xếp thành từng đống ngay bên dãy đường đi chung của cả khu dân cư. Nhìn bằng mắt thường cũng đủ để biết vấn đề vệ sinh không được đảm bảo. Cả một đống đá to sụ được phủ lên mình đủ các loại bì xác rắn, chăn bông, chăn chiên cũ rách, cáu bẩn và đen xì. Ngay cạnh đống đá là vòi nước để người dân rửa bát, đũa (và không biết còn rửa những thứ gì). Thi thoảng, còn có cả những con chó chạy cuống quýt đến đống đá và nhếch chân lên, xả ra thứ nước thải vàng khè…
Được biết, trong tuần vừa qua, đã có Đoàn cán bộ y tế đi kiểm tra chất lượng các cơ sở sản xuất đá lạnh. Nhưng những nơi bảo quản đá mất vệ sinh như thế này thì các cơ quan chức năng vẫn chưa để mắt đến./.
Mỹ Chi