Thương hiệu vang xa
Trong những ngày lễ hội cam diễn ra tại thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), đâu đâu người ta cũng thấy cam. Theo quan sát của phóng viên, dọc quốc lộ 6 từ ngã ba dốc Má chạy dài xuống tận phố Bưng san sát các quầy bán cam được trưng bày đẹp mắt, khách hàng, người dân tấp nập tìm mua. Người mua cam hồ hởi chọn những quả cam mọng nước, ngon mắt thì người bán cũng náo nức chẳng kém nên hết thùng này đến thùng khác được nhanh chóng bán hết.
Có thể thấy, Cao Phong đã xây dựng được vùng sản xuất cam hàng hóa và tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường. Các quy trình sản xuất đều hướng đến tiêu chuẩn an toàn đáp ứng nhu cầu của du khách xa gần. Những vườn cam trải dài ngút mắt được đầu tư đúng quy trình kỹ thuật theo hướng sản xuất sạch, phát triển tốt. Nhiều khu vườn, cam vẫn sai quả kĩu kịt, trái căng tròn mọng nước. Vụ cam kéo dài từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau, gồm nhiều loại cam đã và đang được người dân Cao Phong đầu tư, chú trọng phát triển.
Năm 2017, cam Cao Phong tiếp tục được mùa, được giá khi dao động từ 27.000 đồng đến 45.000 đồng/kg tùy loại. Chính vì giá ổn định và nguồn cam cung ứng đủ nên người dân địa phương này rất phấn khởi.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Thái (Chủ tịch Hội người trồng cam Cao Phong) cho biết: “Năm nay, Hội đón nhận thêm nhiều hội viên mới, người trồng cam được cơ quan chuyên môn trao giấy chứng nhận VietGAP mở ra những cơ hội mới cho sản phẩm cam Cao Phong những bước đi vững chắc vào thị trường”.
Chúng tôi đến thăm gian hàng bán cam của cô Bùi Thị Lý với những quả cam vàng óng được bày đẹp mắt. Cô Lý chia sẻ: “Chúng tôi ý thức được rằng chỉ có chất lượng ngon, sạch mới giữ được thương hiệu và uy tín cam Cao Phong. Điều này quan trọng hơn khi ngày càng có nhiều loại quả có múi ở các vùng khác trên thị trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, chúng tôi áp dụng đúng quy trình sản xuất đã ban hành. Sản phẩm bán ra đúng loại cam được trồng chất lượng trên đất Cao Phong, kiên quyết nói không với việc kinh doanh gian dối”.
“Năm 2017, nhìn chung người trồng cam vẫn được mùa, giá bán khá ổn định. Hiện chúng tôi đang thu hoạch cam CS1 tới áp tết, rồi cam Xã Đoài đến hết tháng riêng, cam V2 đến tháng 6 dương lịch…”, cô Lý nói.
Người nông dân giàu lên nhờ trồng cam
Trao đổi với PLVN, ông Hồ Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong) cho biết, UBND huyện đang thực hiện các giải pháp giữ gìn, phát triển thương hiệu cam nhằm thực hiện có hiệu quả định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. UBND huyện Cao Phong đã ra mắt Liên hiệp HTX Cam Cao Phong, ký kết giao thương giữa liên hiệp HTX cam với các đối tác.
Hiện, UBND huyện Cao Phong đang hoàn thiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch và in bao bì nhãn mác đưa sản phẩm cam có thương hiệu đến tận tay người tiêu dùng một cách rõ ràng, minh bạch. Đến nay, đã có 50% diện tích cam thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với diện tích đủ tiêu chuẩn VietGAP.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong, mặc dù đợt mưa lũ từ ngày 9 - 12/10 làm ngập một số diện tích cam, quýt ở ven suối, vùng trũng nhưng niên vụ 2017 – 2018 sản lượng tăng, giá ổn định. Toàn huyện hiện có 2.835,6ha cây ăn quả có múi, trong đó cây cam 1.652,84ha, cây quýt 814,86ha.
Diện tích cây trong thời kỳ kinh doanh 1.234,6ha, năng suất bình quân đạt 25 – 30 tấn/ha, dự kiến sản lượng ước đạt trên 33.000 tấn. So với niên vụ 2016 – 2017, tăng cả diện tích cam, quýt thời kỳ kinh doanh và sản lượng, giá cả giữ ổn định. Tính đến đầu tháng 11/2017, nhân dân trong huyện đã thu hoạch khoảng 105ha các loại quýt Ôn Châu, cam Marrs, cam CS1, quýt Cao Phong… với giá bình quân từ 20.000 – 22.000 đồng/kg tại vườn.
Đời sống người dân cải thiện nhờ quả cam. Theo tính toán sơ bộ, giá trị thu nhập từ trồng cam đạt từ 500-700 triệu đồng/ha. Tổng thu nhập dự kiến đạt khoảng 600 tỷ đồng. Theo thống kê, toàn huyện có hàng trăm hộ gia đình thu nhập từ 100-500 triệu đồng, 122 hộ trên 500 triệu đồng, 44 hộ thu từ 1 đến 3 tỷ đồng, khoảng gần 10 hộ có thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm.