Người dân xóm 7, thôn Nam Hà (Bắc Sơn, An Dương): Sống nhờ trên đất… nhà mình

Gần 6 năm nay, kể từ khi có thông báo công bố vùng quy hoạch cụm công nghiệp Tràng Duệ (Sài Gòn - Hải Phòng), gần chục hộ dân xóm 7 ở thôn Nam Hà (Bắc Sơn, An Dương) thấp thỏm sống trong tình trạng có nhà cũng như không.

Gần 6 năm nay, kể từ khi có thông báo công bố vùng quy hoạch cụm công nghiệp Tràng Duệ (Sài Gòn - Hải Phòng), gần chục hộ dân xóm 7 ở thôn Nam Hà (Bắc Sơn, An Dương) thấp thỏm sống trong tình trạng có nhà cũng như không.

Bức xúc “an cư lạc nghiệp” cho người sống

Không thể sửa chữa xây dựng nhà để cải thiện điều kiện sống là tình trạng chung của các hộ dân ở khu vực này. Bác Nguyễn Văn Dự bức xúc phản ánh, 6 năm nay gia đình bác như ở nhờ nhà người khác, có đất cũng như không. Cuối tháng 5 – 2005, bác và các hộ dân nhận được thông báo của địa phương về công bố vùng quy hoạch cụm công nghiệp Tràng Duệ. Nội dung thông báo nêu rõ “kể từ 18-5-2005, thời điểm công bố vùng quy hoạch cụm công nghiệp Tràng Duệ, tất cả hộ dân có diện tích đất thổ cư, nông nghiệp, nghĩa trang nghĩa địa và các loại đất khác nằm trong chỉ giới quy hoạch cụm công nghiệp phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, ngừng sản xuất, trồng trọt, xây dựng các công trình trên đất. Tất cả công trình xây dựng, cây cối phát sinh sau thời điểm công bố quy hoạch sẽ không được kiểm kê đền bù”. Tháng 6 năm 2006, mọi người nhận được thông báo của UBND huyện về thu hồi đất để thực hiện dự án này. “Khi nhận được thông báo, chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng từ đó đến nay, việc triển khai dự án vẫn dừng ở bước thông báo, chưa tiến hành các thủ tục thu hồi, đền bù cho người dân”, bác Dự bộc bạch. Không được xây dựng vì quy hoạch nên người dân đành chịu sống cảnh tạm bợ ngay trên đất của mình. Những gia đình có con cái trưởng thành lập gia đình cũng phải chịu cảnh ba bốn thế hệ sống trong những căn nhà cũ. Có gia đình muốn bán đất để đi nơi khác ở nhưng không có người mua vì đất vướng quy hoạch. Không ít hộ xây xong móng nhà nhưng từ khi có quy hoạch đành bỏ dở. Chỉ tay sang nhà bên cạnh, bác Dự nói “đấy là nhà con trai tôi, xuống cấp đã lâu mà không dám sửa. Mỗi khi có mưa, bão là vợ, chồng con cái lại dắt díu nhau sang nhà bố mẹ. Mà nhà tôi cũng có rộng rãi gì”. Trường hợp gia đình bác Nguyễn Viết Văn cũng vậy, 700m2 đất được chia đều cho các con khi chưa quy hoạch. Bác Văn cho biết, vì quy hoạch mà các con bác muốn xây nhà cũng không được nên phải chuyển vào sống tạm trong làng. Hiện, có 4 người trong gia đình anh Minh cùng hai đứa con nhỏ – con trai thứ của bác sống ở khu đất này, trong căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp. “Xây lên cũng khổ mà không xây cũng khổ. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới được “an cư” để “lạc nghiệp””.

Và “tái định cư” cho người chết

Không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong thôn mà quy hoạch khu công nghiệp cũng ảnh hưởng tới việc “tái định cư” cho người chết. Ông Đào Văn Tráng, Phó trưởng thôn Nam Hà cho biết, từ khi có quy hoạch, người dân trong thôn khó khăn tìm nơi chôn cất, cải táng cho người đã mất. Xã có 4 khu nghĩa trang, trong đó nghĩa trang vườn Sim (hung táng, cải táng) thuộc thôn Nam Hà. Khi có công bố quy hoạch, nghĩa trang dừng việc chôn cất, người dân phải chôn cất, cải táng nhờ bên nghĩa trang khu cây đa chết (thuộc thôn 6). Nghĩa trang này cách thôn 3km và muốn tới đó  phải đi qua quốc lộ 10. “Hầu hết các cụ mất được 3 năm khó tìm đất để cải táng. Bây giờ hai thôn tranh nhau nghĩa trang vì diện tích hẹp. Trong khi hiện nay, nghĩa trang vườn Sim trở thành nơi đổ trộm rác thải công nghiệp”, ông Tráng phản ánh. Bác Dự, bác Văn và các hộ dân trong thôn mong thành phố, ngành chức năng triển khai nhanh việc thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng và bố trí khu tái định cư để người dân yên tâm sinh sống và bố trí diện tích đất địa phương xây dựng khu nghĩa trang. Nếu dự án chậm cũng đề nghị thành phố, ngành chức năng thông báo rõ, có phương án giúp các hộ dân sinh sống và cho phép nghĩa trang tạm thời được hoạt động trở lại”. 

“Mỗi kỳ tiếp xúc cử tri ở địa phương, người dân đều phản ánh tình trạng này”, bà Nguyễn Thị Hân, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn bày tỏ. Đây là vấn đề nằm ngoài thẩm quyền của địa phương. Chính quyền địa phương chuyển đơn kiến nghị của người dân lên huyện và thành phố nhưng đến nay chưa được giải quyết./.

Cũng theo phản ánh của ông Đồng Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi tại cuộc làm việc của HĐND thành phố với huyện An Dương về việc giải quyết việc làm cho lao động có đất bị thu hồi phục vụ  các dự án, trên địa bàn xã có gần 209 ha đất trong diện thu hồi phục vụ dự án khu công nghiệp Tràng Duệ. Trong đó khu A: 63 ha, khu B:143ha. Năm 2007, UBND thành phố có quyết định thu hồi của xã 63,9ha giao cho KCN Sài Gòn – Hải Phòng quản lý. Hiện, còn 143 ha nằm trong quy hoạch của KCN (thuộc khu B), thành phố chưa thu hồi. Tình trạng này khiến người dân và chính quyền địa phương đều gặp khó. Nếu còn tiếp tục phục vụ dự án, đề nghị thành phố thu hồi  và tiến hành các thủ tục thu hồi ngay. Còn vì lý do nào đó mà chậm triển khai, đề nghị cho phép nhân dân chuyển đổi mục đích sử dụng, tăng thu nhập cải thiện đời sống.

Nguyên Hà

Đọc thêm