Người dân Yên Bái đồng thuận, tích cực góp ý sửa đổi Hiến pháp

Tiếp tục chuyến công tác, hôm qua 27/2 Đoàn kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 dẫn đầu làm việc với tỉnh Yên Bái.

Tiếp tục chuyến công tác, hôm qua, Đoàn kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 dẫn đầu làm việc với tỉnh Yên Bái.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị

Chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Dương Văn Thống cho biết, nhận thức tầm quan trọng của việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi, cấp ủy Đảng đã có văn bản quán triệt từ tỉnh đến tận cơ sở.

Nội dung này cũng được đưa vào các cuộc họp chi bộ. Dù diễn ra trong thời gian ngắn song việc lấy ý kiến đã được tiến hành khẩn trương với nhiều hình thức phong phú. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các phòng, ban, đoàn thể cùng cấp vào dự thảo. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đã chỉ đạo tổ chức xong hội nghị lấy ý kiến nhân dân tại cơ sở thông qua các cuộc họp của tổ dân phố, thôn bản, khu dân cư.

Tính đến ngày 26/2, có 8 huyện thị, thành phố và 12 đơn vị cấp sở, ban ngành của tỉnh đã gửi báo cáo tập hợp ý kiến. Nội dung góp ý đa dạng về tất cả các chương, điều từ tên gọi đến các điều khoản cụ thể.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Dương Văn Thống, việc tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Tài liệu thì chỉ được cấp đến người đứng đầu đơn vị, trưởng thôn, khu phố, bí thư chi bộ mà chưa đến được cả 750 ngàn dân. Đến thời điểm hiện tại, do thời gian quá ngắn nên nhiều người dân vẫn chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu và tiếp cận tài liệu, do đó, Phó Bí thư đề nghị hết thời hạn 3 tháng, vẫn tiếp nhận các ý kiến đóng góp vào dự thảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Thị Trinh cho biết thêm: Tỉnh đã chọn những vấn đề trọng tâm để triển khai chỉ đạo, phù hợp chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, trong đó có công tác tuyên truyền luôn đi đầu. Đáng mừng là đến nay cơ bản đồng bào đồng tình rất cao, không lợi dụng việc lấy ý kiến để xuyên tạc, chống đối.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch, hạn chế là việc tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, am hiểu sâu về Hiến pháp trên địa bàn chưa được nhiều; việc tập huấn cho cán bộ liên quan trong tuyên truyền chưa kỹ, vùng đồng bào khó khăn lấy ý kiến còn hạn chế do thiếu tài liệu, chất lượng đóng góp còn hạn chế.

Các thành viên Đoàn kiểm tra đã nhận xét, chia sẻ, lưu ý thêm một số vấn đề với Yên Bái để việc lấy ý kiến nhân dân được đông đảo, có chất lượng.

Qua lấy ý kiến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật

Đánh giá "việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại Yên Bái đã và đang được thực hiện nghiêm túc, bài bản theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp", Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã ghi nhận sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vào công tác này, trong đó rất quan trọng là sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái.

Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thực hiện tích cực hơn, đẩy nhanh tiến độ đối với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Tăng cường sử dụng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là đối với các địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Các cơ quan ban ngành liên quan cần tăng thời lượng tuyên truyền, sử dụng nhiều hình thức để việc góp ý đạt hiệu quả, chất lượng. Việc tuyên truyền có thể bằng hình thức niêm yết tại xã, phường, thôn bản, để toàn thể nhân dân nắm được tinh thần sửa đổi.

"Quan trọng là qua lấy ý kiến tạo sự đồng thuận chung của nhân dân trong việc sửa đổi đạo luật gốc vô cùng quan trọng này. Qua đó giáo dục ý thức và tinh thần chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc cả ý kiến đa số và ý kiến thiểu số, cả ý kiến tán thành, đồng thuận và ý kiến chưa tán thành.

Việc đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn kéo dài trong suốt quá trình thảo luận, hoàn thiện Dự thảo cho đến khi Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2013. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh không chỉ dừng lại ở chỉ đạo hoàn thành báo cáo trong giai đoạn lấy ý kiến, mà còn chỉ đạo việc duy trì  tiếp nhận ý kiến của nhân dân để góp phần tiếp tục hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đến khi được thông qua.

Chiều 27/2, Bộ trưởng đến thăm, làm việc với cơ quan Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh.

Thu Hằng

Đọc thêm