Người giải mã bầu trời

Trên một hành tinh gọi là Trái đất, quay quanh một  ngôi sao có tên gọi Mặt trời, sự sống đã xuất hiện khoảng 3,8 tỷ năm trước. Các ngôi sao cũng sinh ra, tồn tại và chết đi và con người là những “hạt bụi” của các vì sao... Những ngày qua, nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận đã có một hành trình xuyên Việt giải mã về vũ trụ hấp dẫn và bí ẩn, về bầu trời và các vì sao.

Trên một hành tinh gọi là Trái đất, quay quanh một  ngôi sao có tên gọi Mặt trời, sự sống đã xuất hiện khoảng 3,8 tỷ năm trước. Các ngôi sao cũng sinh ra, tồn tại và chết đi và con người là những “hạt bụi” của các vì sao... Những ngày qua, nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận đã có một hành trình xuyên Việt giải mã về vũ trụ hấp dẫn và bí ẩn, về bầu trời và các vì sao.

GS.Trịnh Xuân Thuận và phu nhân.
GS.Trịnh Xuân Thuận và phu nhân.

Từ đêm đen của thời gian, con người đã đăm đắm nhìn lên bầu trời

Nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận hiện là Giáo sư Vật lý Thiên văn tại Đại học Virginia (Mỹ). Ông là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có “Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ”; “Hỗn độn và hài hòa”; “Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác ngộ”); “Lượng tử và Hoa sen”; “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao”... Năm 2007, ông vinh dự được Viện Hàn lâm Pháp trao tặng giải thưởng lớn Moron. Năm 2009, ông nhận giải Kalinga của UNESCO về phổ biến kiến thức khoa học và nhiều giải thưởng khác.

GS.Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội. Năm 6 tuổi, Trịnh Xuân Thuận theo gia đình di cư vào Nam rồi lớn lên ở Sài Gòn. Ông học Trường Yersin(Lycée Yersin) tại Đà Lạt và Trường Jean-Jacques Rousseau tại Sài Gòn. Vì học ở trường Pháp từ nhỏ nên ông cảm thụ và thấm nhuần văn hóa Pháp.

GS Trịnh Xuân Thuận cho biết ông viết những công trình khoa học bằng tiếng Anh nhưng viết những tác phẩm về vũ trụ bằng tiếng Pháp vì với vốn tiếng Pháp đầy ắp chất thơ ông mới viết được những tác phẩm  không chỉ bằng tư duy lô gíc của một nhà khoa học mà còn bằng ngôn ngữ văn chương giàu mỹ cảm. Năm 1966, sau  khi đỗ tú tài, Trịnh Xuân Thuận rời Sài Gòn đi du học tại Thụy Sĩ. Ông được nhận học bổng của 3 trường đại học nổi tiếng của Mỹ là MIT, Caltech và Princeton nhưng sau đó  ông đã chọn Caltech - một sự lựa chọn ngẫu nhiên vì ông thích thời tiết ấm áp của Califocnia.

Sau này ông mới biết Caltech là thánh địa của khoa học khi trường có 800 sinh viên được lựa chọn từ các trường trung học và đại học tốt nhất của Mỹ mà có tới 400 giáo sư và nghiên cứu viên, trong đó có tới 5 người được giải thưởng Nobel.

Thập kỷ 60 của thế kỷ trước được coi là thập kỷ vàng của thiên văn học. Tại Caltech, chàng sinh viên Trịnh Xuân Thuận đã có may mắn được ngắm nhìn bầu trời qua chiếc kính thiên văn có đường kính 5m trên núi Palomar - kính thiên văn lớn nhất thế giới. Kính thiên văn này cho phép nhìn thấy những thiên thể sáng yếu hơn ngôi sao sáng yếu nhất có thể nhìn thấy bằng mắt trần 40 triệu lần.

Vì nhìn thấy các ngôi sáng càng yếu tức là nhìn thấy càng xa hơn, và nhìn càng xa tức là nhìn được càng sớm hơn, nên kính thiên văn này cho phép ra lần ngược lại thời gian, tới tận 5 tỷ năm sau Big Bang và do đó, nó cho ta khả năng nhìn thấy vũ trụ ở tuổi thanh xuân của nó. Và niềm đam mê khám phá bầu trời của ông bắt đầu từ đó. Sau này ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton.

GS.Trịnh Xuân Thuận cho biết: “Từ đêm đen của thời gian, con người đã đăm đắm nhìn lên bầu trời, cật vấn nó, thi vị hóa nó và thậm chí còn bị kịch hóa nó. Mọi thứ trong vũ trụ đều thay đổi, vận động và có một lịch sử, vũ trụ có điểm bắt đầu, có hiện tại và sẽ có một tương lai.

Ngay cả các ngôi sao cũng không vĩnh viễn, chúng sinh ra, sống trọn cuộc đời của mình rồi chết. Không phải ở thang thời gian bách niên của cuộc đời con người mà là hàng triệu năm, thậm chí hàng tỷ năm. Làm thế nào mà cái vô cùng bé lại có thể sinh ra cái vô cùng lớn? Làm thế nào mà vũ trụ với toàn bộ hàng trăm tỷ thiên hà lại có thể vọt ra từ một chân không vi mô? Mặt trời và mặt trăng đã xuất hiện như thế nào? Tất cả chúng ta chỉ là những hạt bụi của các vì sao và vì vậy chúng ta đều là con đẻ của thời gian”.

Không có gì là bất biến

Sau gần nửa thế kỷ sống ở nước ngoài, vốn tiếng Việt của Trịnh Xuân Thuận chỉ đủ để giao tiếp, không đủ để giảng giải khoa học nên ông phải sử dụng tiếng Anh để minh họa cho bài nói chuyện của mình. Dù nhiều người không đủ vốn từ tiếng Anh để hiểu rõ những điều ông nói nhưng các buổi nói chuyện của giáo sư Trịnh Xuân Thuận vẫn chật cứng người nghe. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã đến đàm đạo với ông. GS.Trịnh Xuân Thuận đã dành nhiều thời gian để nói về đề tài ông tâm đắc đó là mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông đã viết về vấn đề này trong các cuốn sách: “Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác ngộ)” và “Lượng tử và Hoa sen”...

 Ông nói rằng, khoa học và tâm linh là hai cửa sổ khác nhau để nhìn vào thực tế. Phật giáo nhìn vào trong, còn thiên văn nhìn ra ngoài. Khoa học cần trí tuệ phân tích, làm cách chính xác với dụng cụ như kính thiên văn. Còn Phật giáo dùng trực giác để tìm hiểu sự thật. Ông cho biết giữa Phật giáo và khoa học có nét tương đồng. Theo GS Trịnh Xuân Thuận, Phật giáo nói đến sự vô thường, cái gì cũng thay đổi. Đức Phật cũng nói rằng, mọi sự vật trên thế gian đều hiện hữu dưới hình thức các mối quan hệ. Trước kia, người ta tưởng vũ trụ là bất biến, theo quan điểm của Aristốt. Nhưng sau này, khoa học đã chứng minh, vũ trụ thay đổi, và trong vũ trụ, mọi vật đều thay đổi. Mỗi vật đều được sinh ra, sống cuộc đời của nó rồi chết đi.

Đam mê khoa học, năm 2008 khi đã ở tuổi lục tuần, GS.Trịnh Xuân Thuận mới lấy vợ. Bà Nguyễn Phương Linh - vợ ông là một Việt kiều Anh. GS.Trịnh Xuân Thuận cho biết hạnh phúc muộn màng này là động lực để ông tiếp tục các công trình khoa học.

Lam Hạnh

Đọc thêm