Bùi Tá Hán (1496-1568) là một tướng tài thời Hậu Lê. Năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung làm phản chiếm ngôi vua, ông theo Nguyễn Kim (cha của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng) tôn Lê Duy Ninh lên làm vua, tức Lê Trang Tông, hiệu là Nguyên Hòa (1533-1548) chống lại nhà Mạc. Năm Nguyên Hòa thứ mười ba (1545), ông được vua phong làm Bắc quân Đô đốc và cử đem quân vào Nam đánh dẹp quân nhà Mạc, vỗ yên biên trấn Quảng Nam - lúc này vùng đất Quảng Nam kéo dài từ phía Nam sông Thu Bồn đến phía Bắc đèo Cù Mông.
|
|||
Đền thờ Bùi Tá Hán ở Quảng Ngãi. |
Tháng 6 năm ấy, Bùi Tá Hán thống lĩnh đạo quân tiến vào Nam bằng đường biển, bí mật đóng quân ở Cù Lao Ré (nay là huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Tháng 8, ông hạ lệnh đổ bộ vào bao vây dinh trấn Quảng Nam (lúc bấy giờ là thành Trấn Định đóng lỵ sở tại xã Chánh Lộ, ở bên bờ Nam sông Trà Khúc, Quảng Ngãi), buộc Lưu Thủ và Đốc Đồng nhà Mạc phải dâng ấn kiếm đầu hàng tại cửa Đông Thành. Sau khi chiếm được thành Trấn Định, ông cho quân tiếp tục bình định và vỗ an dân chúng. Được tin báo thắng trận, vua Lê Trang Tông cử sứ thần đem sắc chỉ vào Quảng Nam phong ông làm Trấn Quốc công, ban thưởng tiền bạc cho quân lính và lưu ông lại làm Trấn thủ Quảng Nam. Lỵ sở dinh trấn đóng ngay thành cũ của quân nhà Mạc.
Bấy giờ, xứ Quảng Nam đất rộng, hoang vu nhưng lại ít người, dân cư vẫn còn thưa thớt, dễ bề làm ăn sinh sống nên dân nghèo các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương... lũ lượt kéo vào tìm đất khai hoang, lập làng mới. Vả lại đất Quảng Nam là vùng biên viễn, phên dậu phía nam của Đại Việt, biên giới phía Nam giáp với Chiêm Thành, phía Tây từ huyện Hy Giang (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay) đến huyện Tuy Viễn (huyện Tuy Phước, Bình Định ngày nay) là vùng núi non, có nhiều tộc người thiểu số cư trú, cần có chính sách đúng, mềm dẻo mới vỗ an được.
Do vậy, Bùi Tá Hán cùng người con trai trưởng là Bùi Tá Thế ngày đêm suy tính phương cách làm sao cho mau chóng ổn định tình hình, đoàn kết nhân dân các tộc người cùng chung sống trong yên bình, an cư lạc nghiệp. Sau nhiều lần đi khắp nơi tìm hiểu dân tình, xem xét địa hình địa thế, ông đã ban hành các chính sách và các biện pháp cụ thể đối với các nhà chức trách ở các phủ, huyện, các đồn điền do quân đội quản lý, nhờ đó, đời sống người Kinh, người dân tộc thiểu số đã dần trở nên ổn định.
Đối với dân định cư lâu hay mới đến, ông ban hành 13 biện pháp cải cách cụ thể để đổi mới phong tục tập quán lạc hậu, thay đổi phương thức sản xuất, cách sống và sinh hoạt cũ cho phù hợp với nơi đất mới. Với tư cách là người đứng đầu xứ Quảng Nam, ông vận động từ quan đến dân tự giác làm lấy; phủ, huyện chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn.
Qua đó, có thể nhận thấy rằng Bùi Tá Hán không những là một vị tướng giỏi tài thao lược mà còn là một vị quan biết nhìn xa, trông rộng và đầy sáng tạo. Những cải cách của ông thể hiện một cách toàn diện trên tất cả các mặt của đời sống người dân xứ Quảng Nam thời bấy giờ, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến y tế, giáo dục... Nhờ những cải cách này, một vùng đất đai hoang vu rộng lớn của phía Nam đất nước đã trở nên đông đúc, nhân dân từ miền ngược đến miền xuôi đều sống trong yên ấm hòa bình, an cư lạc nghiệp. Điều này đã làm nền móng cho xứ Quảng Nam trở thành một phên dậu vững chắc giúp các Chúa Nguyễn sau này làm chỗ dựa mở mang bờ cõi về phương Nam.
Tháng 5 năm Mậu Dần (1568), trong một trận quyết chiến với quân Chiêm Thành tại khu Rừng Lăng (phía Tây Bắc thành phố Quảng Ngãi ngày nay), Bùi Tá Hán không may bị tử trận. Nhân dân vô cùng tiếc thương, an táng ông cùng với chiếc áo bào đẫm máu ngay tại nơi ông mất. Triều Lê truy tặng ông là “Trấn Quốc công Thượng đẳng thần”. Về sau, cả nhà Tây Sơn lẫn nhà Nguyễn đều ban sắc phong ghi công ông.
Lăng mộ Bùi Tá Hán hiện ở khu Rừng Lăng, trên bia có khắc hai câu đối nổi tiếng nói về cái chết anh dũng và huyền thoại của ông: “Nhân mã bất tri hà xứ khứ/ Huyết y trường dữ thử bi lưu”. (Người ngựa không biết đi về chốn nào, chỉ còn chiếc áo bào thấm máu ghi lại trên lời bia).
Tương truyền, một lần kinh lý Phú Yên, ông gặp một nhà sư ngưỡng mộ và xin khắc tượng ông trên một khúc gỗ mít lớn để thờ. Sau này, quan đầu tỉnh Quảng Ngãi đã xin phép nhà sư rước bức tượng này về tại đền thờ ông. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chính quyền cách mạng đã đưa tượng ông về cất giấu ở nông thôn để tránh bị bom đạn phá hoại, kết thúc chiến tranh mới rước tượng về lại đền thờ.
Di tích đền thờ, tượng và lăng Bùi Tá Hán đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ tháng 3 năm 1990.
AN TRƯỜNG