Thầy Tôn Thân vốn là một giáo viên dạy Văn ở một trường cấp II huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Năm 1970, Hà Nội mở lớp chuyên Toán của thành phố, thầy về THCS Trưng Vương, rồi chuyển sang dạy chuyên Toán từ đó. Ngày ấy, lớp chuyên Toán đầu tiên được thành lập, cả thành phố chỉ tuyển được 30 em sau kỳ thi tuyển đầy khắc nghiệt.
Còn nhớ cái năm lớp 6 khóa đầu tiên ấy, cả thầy lẫn trò đều học rất ghê gớm và thầy đã miệt mài tự học, tới nỗi, cuối năm đó ốm vì kiệt sức: “Tôi phải tự học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp để tự dịch những cuốn sách Toán của họ. Hồi đó ngoài quyển sách giáo khoa, chúng tôi chỉ có một vài quyển sách tham khảo. Sách vở hiếm hoi, học trò thì quá thông minh khiến tôi lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng. Nhưng tôi quyết tâm không để cháy giáo án, không thể để hết vốn, tất cả vì học trò.
|
Thầy Tôn Thân |
Ngày nào tôi cũng tìm tòi tư liệu về Toán, sưu tầm các bài toán mới với những lời giải khác nhau để mang đến cho các em. Mà lạ lắm, hồi đó học sinh chuyên Toán học Toán say mê lạ lùng. Có những tiết học thầy trò quá say sưa, trống báo hết giờ lúc nào cũng không hay. Tôi tâm niệm, dạy Toán là vừa dạy khoa học, nhưng cũng là dạy nghệ thuật, làm sao để khơi gợi các em tình yêu toán học và một khát vọng chiến thắng”.
Thầy tâm sự, thầy không bao giờ áp đặt cách dạy của mình vào những bộ óc non nớt nhưng khao khát sáng tạo. Giờ luyện tập, thầy trò cùng hồi hộp, cùng vui buồn với các em qua những trang nháp trắng tinh đến khi chằng chịt con số, hình vẽ. Thầy còn tìm đọc loại sách “Kim Đồng” để hiểu thêm sự vật qua đôi mắt trẻ thơ sẽ ra sao. Đêm đêm, bên những bài toán hóc búa, thầy luôn trăn trở, khi giải bài này, các em sẽ theo con đường nào...
Một câu nói mà thầy cho rằng đó là bí quyết mà thầy luôn tuân thủ để áp dụng với học trò, đó là “Đừng bắt người ta uống, hãy để người ta khát. Mình phải gây cho học sinh hứng thú, khao khát tìm hiểu, và điều quan trọng làm cho các em thấy cái hay, cái đẹp của môn học”.
Và điều quan trọng, thầy thu hút học trò không chỉ bằng trí tuệ mà chính là nhân cách và cả tấm lòng yêu thương, gần gũi và tôn trọng học trò. Thầy nói, không chỉ học hàng ngày mà thầy còn học cả trò. Chẳng hạn, trong tập “Hồ sơ bài tập”, ở đó thầy ghi đề bài, xuất xứ đề bài và các cách giải khác nhau, có ý hay của học sinh kém và cả thiếu sót của học sinh giỏi (có bài tập thầy sưu tầm được 15 cách giải), có bài tới năm thứ 21 thầy lại ghi thêm được một phương pháp mới của học trò. Bởi với thầy, thà dạy một bài toán với 10 cách giải khác nhau còn hơn là làm 10 bài toán theo khuôn sáo cũ.
“Mình phải dạy học sinh để các em có tư duy sáng tạo, bởi mỗi người là sản phẩm tư duy của chính mình, còn rất nhiều những bài toán cuộc đời phải giải, những bài toán không hề được cho sẵn, những bài toán không có đáp án hoặc rất nhiều đáp án đang chờ các em” - thầy đúc kết.
Xuân nào cũng vậy, hễ năm hết Tết đến là thầy lại mừng tuổi cho học trò những gói quà nhỏ xinh xắn, bên trong có bánh kẹo và một bài tập toán, em nào giỏi thầy tặng đề toán khó, em nào yếu, thầy dành cho đề nhẹ hơn...
Những bóng dáng đầu tiên của giải thưởng Fields
Thầy nói, vợ chồng Châu (cách thầy gọi GS.Ngô Bảo Châu) cùng với con gái lớn của thầy là học sinh khóa chuyên Toán cuối cùng của thầy tại trường Trưng Vương. Năm đầu tiên (lớp 6), Châu thi trượt chuyên toán nên mùa hè năm đó, Châu đã được bạn của bố gửi thầy xem có khả năng thi vào năm lớp 7 hay không. Thầy nhận ra Châu là một cậu học trò có năng khiếu nên đã đồng ý dạy kèm. Qua mùa hè, Châu đỗ. Vào học sau các bạn nên kiến thức còn nhiều lỗ hổng, Châu đã được thầy hướng dẫn đọc thêm sách.
“Cuốn sách đầu tiên tôi yêu cầu Châu đọc là cuốn “Các định lý hình học và phương pháp chứng minh”, một cuốn sách thiết thực cho cả giáo viên và học sinh. Khi đó Châu mới 12 tuổi và với 200 trang sách toán, em không thể đọc một mạch được. Tôi yêu cầu em đọc từng đoạn, mỗi tuần đọc một số trang nhất định, sau đó tóm tắt những nội dung cần nắm vững, thu lượm được, chỗ nào chưa hiểu hay có ý kiến nhận xét gì trao đổi lại với tôi” - thầy Tôn Thân hồi tưởng.
“Thời gian đầu, Châu chỉ đọc một tuần được vài trang, tôi hỏi em thu hoạch được gì, Châu trả lời và đưa ra chỗ chưa hiểu, tôi giảng thêm cho em. Rồi tôi yêu cầu Châu xem có cách giải khác với sách không, có lập luận bảo vệ được cách giải của mình không? Cứ thế bằng sự bền bỉ và kiên trì, sau 6 tháng Châu đã đọc xong cuốn sách đó.
Trên cơ sở có kiến thức và kỹ năng đọc nhất định, tôi cho em đọc các cuốn tiếp theo, với thời gian ngắn dần. Cứ thế, Châu đã từng bước tiếp cận với cách nghiên cứu sách, trang bị cho mình một phương pháp đọc sách. Về sau, mỗi cuốn Châu chỉ đọc trong một tuần” - thầy kể tiếp.
Cũng theo thầy, hồi đó song song với việc lên lớp, thầy còn cho học sinh viết báo toán. Chỉ đơn giản để học sinh phát triển những bài toán cũ, đào sâu thêm cách giải, hay sưu tầm những sách hay, trao đổi về kinh nghiệm học toán của mình.
“Nhưng với Châu thì tôi rất ấn tượng, tuy mới học lớp bảy nhưng em đã viết một tập tài liệu 17 trang với nhan đề “Bạn biết gì về tổ hợp” để trình bày những thu hoạch của mình khi tìm hiểu về tổ hợp, chỉnh hợp... đều là những kiến thức ngoài chương trình.
Sau đó, Châu đưa ra các ví dụ, lấy từ đời sống thực tế, thậm chí đưa tên các bạn trong lớp vào đề toán (đề toán do Châu tự sáng tác), đồng thời trình bày hướng suy nghĩ, cách giải riêng. 17 trang tài liệu này sau đó được đưa lên báo tường, các bạn học đã mượn chuyền tay nhau chép, do hồi đó chưa có máy photo. Và dường như, chính từ những buổi thảo luận, nghiên cứu đầu tiên đó, đã mang bóng dáng thành công của Châu hôm nay” - thầy Tôn Thân mỉm cười.
Ba yếu tố khiến GS.Ngô Bảo Châu thành nhân tài
Tôi hỏi thầy, là một thầy giáo nổi tiếng, thầy làm sao để vượt qua những cám dỗ đời thường? Thầy kể, hồi đó, thời bao cấp, học trò của thầy phần đa xuất thân trong những gia đình có điều kiện, họ thường xuyên ra nước ngoài và cũng hay hỏi thầy có cần gì không. Nhưng những món quà thầy nhận chỉ luôn là những cuốn sách Toán học.
Dù về sau này, thầy mới biết, những cuốn sách đó mua ở nước ngoài chẳng hề rẻ. Rồi nữa, là những lần chuẩn bị vào đội tuyển, nhiều phụ huynh tiếp cận thầy trong cuộc đua gửi gắm con em mình nhưng thầy đều từ chối. Thông thường, để cho minh bạch, thầy tự lên một danh sách và thầy để cho các em tự bầu đội tuyển, học trò tự tôn vinh nhau sẽ thấy xứng đáng hơn.
Chia sẻ thêm, thầy Tôn Thân cho biết: “Ở Viện Khoa học giáo dục, chúng tôi cho rằng ở Châu hội tụ được ba yếu tố đúc kết để thành nhân tài. Yếu tố đầu tiên là tố chất, đây là yếu tố bẩm sinh di truyền, năng khiếu. Thứ hai là yếu tố môi trường, môi trường gia đình, môi trường học tập và môi trường làm việc học thuật lành mạnh. Và cuối cùng là sự nỗ lực của bản thân Châu; làm toán là một việc hết sức khó khăn, 15 năm trời đeo đuổi một vấn đề nếu anh không có bản lĩnh, biết bỏ qua cám dỗ, toàn tâm toàn ý cho khoa học thì anh không thể thành công”.
Nhìn nhận về những “góc khuất” của hình ảnh người thầy hôm nay, thầy nói đó là nghề giáo chưa được đặt ở vị trí xứng đáng trong việc đãi ngộ. Khi mà người thầy không đủ sống thì sẽ có chuyện dạy thêm, chạy điểm..., đó là lỗi của người thầy và cũng là lỗi của xã hội.
Sau khóa học cuối cùng của GS.Ngô Bảo Châu tại trường Trưng Vương, thầy Tôn Thân về công tác tại Viện Khoa học giáo dục. Năm 2002, thầy được phong chức danh Phó Giáo sư và năm 2006, thầy được nhận danh hiệu cao quý: Nhà giáo Nhân dân.
Hiện nay, thầy vẫn là chuyên viên cao cấp của Viện Khoa học giáo dục, vẫn viết sách và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thầy là tác giả của 50 đầu sách về phương pháp dạy học tiên tiến, phương pháp làm toán hiện đại.
Học trò của thầy Tôn Thân, ngoài GS.Ngô Bảo Châu, PGS.TSKH.Vũ Đình Hòa, còn có rất nhiều người thành đạt. Đó là Lê Thị Hồng Vân, nữ tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam hiện đang là giảng viên một trường ĐH của CH Séc, thường xuyên được mời thỉnh giảng ở Pháp, Đức. Nguyễn Đình Công, trước đây là Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. Vũ Hà Văn, con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương hiện là Giáo sư tại Mỹ, một trong những nhà toán học hàng đầu về chuyên ngành tổ hợp. Hoàng Nam Tiến, một trong những giám đốc đầy năng lực của FPT... Thầy nói, học trò của thầy có tên trong danh sách 10 người giàu nhất Việt Nam.
Không hiểu sao khi trò chuyện cùng thầy, tôi nhớ tới “Người thầy đầu tiên”, tới “Cây phong non trùm khăn đỏ” - những truyện ngắn của Liên Xô cũ và nhớ những thầy cô hiền hậu, tận tụy của mình trong thời ấu thơ - một vùng kí ức trong veo trong tâm hồn mỗi người... Thầy nói, những học trò khóa đầu của thầy giờ tóc cũng đã bạc như thầy nhưng gặp nhau vẫn ấm áp, gần gũi và trân trọng như anh em, bạn bè. Làm sao có thể quên được một người thầy đã cùng họ làm nên kỷ niệm trong những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời để rồi từ đó làm nên những khát vọng...
Uyên Na