Bất chấp cái giá lạnh ở Hà Nội, người dân vẫn lũ lượt kéo nhau đến siêu thị mua sắm vào 2 ngày cuối tuần. Sức nóng của những ngày giáp Tết đang tăng từng giờ.
10h trưa, chị Quyên ở Thái Thịnh, Hà Nội khệ nệ tay xách, nách mang 2 túi đồ khá lớn rời siêu thị Hapro. Ngoài việc mua thức ăn cho gia đình, chị mua thêm đủ các loại mắm, muối, tương cà, hạt nêm, rồi đồ uống, bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hạt dẻ... chuẩn bị cho những ngày Tết. Tổng số tiền mà chị bỏ ra lên tới 3,5 triệu đồng. Chị cho biết từ nay đến Tết, vẫn phải quay lại siêu thị ít nhất 2 lần nữa để sắm thêm các đồ dùng cần thiết khác.
Siêu thị Intimex Hà Nội những ngày giáp Tết. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mọi năm, chị Quyên có thói quen nhờ ông xã chở ra tận BigC Thăng Long trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội để sắm Tết. Lần này có siêu thị Hapro gần nhà, chị tranh thủ mua hàng luôn để tiện đi lại.
Chị cho biết, cùng với sức mua tăng cao, nhiều mặt hàng cũng lần lượt niêm yết giá mới, tăng ít nhất 5% so với trước. Tăng mạnh nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, dầu ăn, rau củ quả tươi. Ngoài ra, các loại đồ uống như rượu, bia, nước ngọt đóng chai... cũng tăng vài giá so với trước. “Thông thường, tôi đi mua sắm trước một tuần để tránh sát Tết giá cả nhiều mặt hàng sẽ ’mượn cớ’ ngày lễ để tăng cao”, chị Quyên cho biết thêm.
11h trưa Chủ nhật (24/1), siêu thị BigC Thăng Long gần như rơi vào tình trạng quá tải. Bãi đỗ xe trước và sau siêu thị gần như chật kín, dù rằng BigC đã bố trí thêm bãi đất trống để xe, phục vụ khách đi mua sắm. Chị Trinh ở Nghĩa Tân, Hà Nội kiên nhẫn đứng chờ cả giờ mới đến lượt mình thanh toán, than thở: "Tôi có cảm giác, người Hà Nội đổ hết đến đây để sắm Tết thì phải".
Chị Trinh có mặt tại siêu thị này từ 9h sáng, chen lấn, xô đẩy trong dòng người đông đúc. Có những thời điểm hành lang giữa các quầy hàng rơi vào tình trạng "tắc đường", khách hàng chen kín lối đi khiến không ai có thể di chuyển ngược hay xuôi phải đến chục phút.
Theo chị Trinh, vào BigC mua hàng, giá cả bình dân nhưng điều khiến mọi người e ngại nhất vẫn là chuyện thanh toán. Bởi bình thường, các ngày nghỉ siêu thị đã đông đúc thì những ngày lễ Tết, tình trạng xếp hàng chờ đến lượt càng căng thẳng hơn.
Rất nhiều khách hàng không đủ kiên nhẫn để chờ thanh toán, đã bỏ lại giỏ hàng lỉnh kỉnh đồ đạc để đi về dù trước đó, họ đã phải đánh vật cả tiếng đồng hồ trong dòng người lũ lượt mới chọn được hàng để mua. Nhân viên siêu thị BigC liên tục được gọi đến các quầy thanh toán để gom đồ khách bỏ lại.
Theo đại diện của BigC, những ngày này, không chỉ người Thủ đô mà bà con từ ngoại thành hoặc giáp ranh Hà Nội cũng đổ về đây mua sắm hoặc xem hàng. Vì vậy, dù siêu thị đã tăng thêm 30% số quầy thu ngân lên con số 101, mở rộng thêm khu đỗ xe của khách, chuyện quá tải vẫn không thể tránh khỏi. Sức mua sắm tăng cùng với việc BigC đang “mạnh tay” khuyến mãi là nguyên nhân khiến người tiêu dùng đang náo nức đổ về đây. Hiện có ít nhất 1.000 mặt hàng tại siêu thị này thực hiện khuyến mãi giảm giá từ 5 đến 50%.
Không chỉ riêng Hapromart, BigC, theo ghi nhận của VnExpress.net. trong 2 ngày cuối tuần, nhiều siêu thị khác ở Hà Nội như Fivimart, Citimart, Intimex đều tấp nập khách đến mua sắm. Sức mua được ghi nhận tăng 30% so với ngày thường.
Khu vực hút khách nhất vẫn là các quầy bánh kẹo, mứt Tết. Tại siêu thị Thái Hà chiều thứ bảy, hàng chục người dân chen lấn nhau trong quầy bánh kẹo ngoại. Nhiều khách hàng lớn tuổi than trời vì đã chen được vào hàng rồi nhưng không thể cúi hay ngồi xuống chọn đồ được vì xung quanh đông đặc người.
Có siêu thị phải chuyển gian hàng bánh, mứt Tết và các loại đồ uống, bánh kẹo ra ngoài sảnh để bán, giảm bớt lượng khách vào trong. Ngoài ra, rượu và các giỏ quà cũng được nhiều người chọn mua, phục vụ cho nhu cầu đi chúc Tết.
Chiều qua, tại siêu thị Fivimart trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, các quầy tính tiền chen đầy khách, ai ai cũng kèm theo một xe đẩy chất đầy bánh kẹo. Có người mua đến 5 chai rượu ngoại một lúc.
Đại diện một siêu thị tiết lộ, hóa đơn thanh toán của khách lên tới cả chục triệu đồng cũng không phải là chuyện hiếm trong những ngày giáp Tết.