"Người khổng lồ" mang tâm thế bất an?

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may mang về Việt Nam hơn 17 tỷ USD. Thế nhưng, nhìn vào thực trạng “người khổng lồ”, người ta lại đang thấy một tâm thế bất an.

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may mang về Việt Nam hơn 17 tỷ USD. Thế nhưng, nhìn vào thực trạng “người khổng lồ”, người ta lại đang thấy một tâm thế bất an.

Ngành Dệt may trong nước cần nỗ lực xóa đi “mặc cảm gia công”
Ngành Dệt may trong nước cần nỗ lực xóa đi “mặc cảm gia công”

Hai đối thủ

Thị trường Việt Nam đang tồn tại tình trạng cùng một mẫu mã, nhãn hiệu, một chiếc áo sơ mi có giá 2 triệu trong cửa hàng chính hãng, nhưng trong các cửa hàng “made in Việt Nam” chỉ có giá 200 nghìn đồng.

Ông Thân Đức Việt, Giám đốc Kinh doanh của Tổng Công ty May 10 bày tỏ, một sản phẩm tạo được thương hiệu phải là sản phẩm có chất lượng, uy tín và là sản phẩm được tạo ra từ môi trường làm việc an toàn. “Cách đây 3 năm, May 10 đã ra mắt dòng sản phẩm cao cấp, chúng tôi định hướng khai thác tối đa lượng khách hàng có thu nhập khá trở lên, nhằm khẳng định DN dệt may Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước và mong muốn cung cấp ra thị trường thế giới” – ông Việt cho biết.

Thế nhưng, hiện tại không chỉ May 10 mà các hãng dệt may của Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi hai “đối thủ”, đó là các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sản xuất hàng gia công nhưng gắn mác các thương hiệu nổi tiếng.

Bức xúc trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty cổ phần May Hưng Yên bày tỏ: “Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Và chính cách làm ăn này tạo thói hư cho người tiêu dùng dễ dàng dùng hàng nhái” – ông Dương nói – “Tôi đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp này, tạo thị trường lành mạnh, vì như vậy các DN mới “lớn” được, và cũng là tạo thói quen mua sắm tốt cho người tiêu dùng”.

Học từ thị trường ngách

“Sáng ngăn bão dông, chiều che nắng lửa”, chắc hẳn các các DN dệt may lớn sẽ phải thèm thuồng khi nhìn sang một số nhà may làm ăn nhẩn nha mà khách hàng xếp hàng vẫn xếp hàng chờ như thời bao cấp.

 Đó là một bộ phận khách hàng kỹ tính nhưng có sức chi tiêu, nhất là ở các thành phố lớn, lại luôn tin tưởng vào các nhà may truyền thống, có uy tín lâu năm. Chị Phú, khách “VIP” của một số nhà may có tiếng ở Hà Nội như Hương Boutique, Đức Nam, Vũ Trần Đức Hải..., cho hay, mặc dù các sản phẩm thường có mức giá không hề rẻ (áo sơ mi có giá từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, quần tây có giá từ 1,2 triệu đồng tới 3 triệu đồng…), nhưng gia đình chị vẫn lựa chọn vì các nhà may này đáp ứng được nhu cầu của gia đình chị vì sự tinh tế trên từng sản phẩm. Theo nhận định của chị, mỗi nhà may có bản sắc riêng, vì thế các nhà may sẽ giữ được chân khách nếu chất liệu vải tốt, không bị co nhàu…

Theo Dự thảo Quy hoạch ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với quy mô thị trường 88,78 triệu người và mức tăng dân số bình quân hơn 2%/năm, tính sơ sơ chi phí cho các mặt hàng dệt may trung bình từ 10-15%, ước nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng đạt 4,79-7,18% tỷ USD mỗi năm.

Sau rất nhiều năm làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, chạy theo thành tích xuất khẩu, giờ là lúc ngành dệt may cần “vạch ra” hướng đi lâu dài, bài bản. Hy vọng  đến năm 2020, ngành dệt may Việt Nam sẽ xây dựng được một số thương hiệu nổi tiếng, hội nhập thế giới, sẽ trở thành một trong những ngành trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu, giúp nâng cao cuộc sống của người lao động và xóa đi “mặc cảm gia công”.

Mai Hoa

Đọc thêm