Người "luyện" cỏ dại thành thuốc chuyên trị thấp khớp

Với bài thuốc gia truyền từ những loài cây dại mọc trong rừng, "thầy lang" Trần Thị Thảo (SN 1954, ngụ xóm Trung Thành A, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) nhiều năm nay chữa thành công cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về khớp.

Với bài thuốc gia truyền từ những loài cây dại mọc trong rừng, "thầy lang" Trần Thị Thảo (SN 1954, ngụ xóm Trung Thành A, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) nhiều năm nay chữa thành công cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về khớp.

"Thầy lang" Trần Thị Thảo.

Bài thuốc Bắc – Nam kết hợp

Dù đã gần 60 tuổi nhưng bà Thảo trông dáng vóc còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh, mái tóc đen tuyền chưa điểm một sợi bạc. Hơn 30 năm nay đôi chân bà vẫn chưa hề mỏi mệt dù ngày ngày phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng để tự tay hái thuốc. Đôi bàn tay thoăn thoắt vừa bốc thuốc, bà vừa kể lại khách nghe cái duyên đến với nghề của mình.

Từ bốn đời nay gia đình của bà Thảo đã làm nghề bốc thuốc ở vùng này. Ban đầu là những bài thuốc do cụ nội của bà Thảo trong quá trình bốc thuốc cho các bệnh nhân đã tự mày mò nghiên cứu ra. Nhưng để bài thuốc này phát huy hết công dụng, phải nhắc đến công lao của ông nội bà Thảo đã sáng tạo thêm từ những kinh nghiệm cha mình để lại.

Ông vốn là một võ sư nổi tiếng ở miền Bắc thời Pháp thuộc - cụ Trần Văn Lẫm với bài võ cổ truyền Bình Định đã từng thượng đài đánh đông dẹp bắc hạ gục nhiều cao thủ. Ngoài nghiệp võ cụ còn nổi tiếng với những bài thuốc về khớp, phong tê thấp, bổ huyết điều kinh, di tinh liệt dương, sỏi thận, sỏi niệu quản, bàng quang và vô sinh. Là một người học võ nên ông nội bà được các thầy truyền cho cách chữa các bệnh về xương khớp, tự giải các huyệt đạo khi cần thiết, khi bị trúng đòn có thể bấm huyệt làm tan vết thương và dùng thuốc trị xương cứu người khi gặp nạn.

Bà bảo có lần ông nội kể đã bổ sung một số dược liệu vào bài thuốc chữa thấp khớp từ những bài thuốc của các thầy dạy võ trong Bình Định. Vào những năm đó, do điều kiện sinh sống chưa được đầy đủ như sau này nên rất nhiều người bị bệnh về xương khớp, nhất là bệnh thấp khớp – một căn bệnh khó chữa. Nguyên nhân gây bệnh thường do cơ thể yếu, gặp thời tiết thay đổi gặp lạnh hoặc nóng đột ngột nên các khớp sưng đỏ, sốt nhẹ, người nóng đỏ, môi se… Tuy nhiên vốn sinh trưởng ở vùng đất có nhiều dược liệu quý có ở trong rừng nên ông nội bà đã khéo léo phối hợp thêm với những cây thuốc mọc tự nhiên dễ kiếm tìm để bào chế bài thuốc độc nào này.

Trước khi mất cụ đã kịp truyền lại bài thuốc bí truyền này cho cha bà là lương y Trần Trường Sơn. Khi lớn lên, thấy bà có năng khiếu lại ham thích nghề này cha bà đã phá lệ mà truyền lại cho con gái.

Bắt cỏ cây “phục vụ” con người

Dù là bài thuốc gia truyền nhưng bà Thảo cũng không hề ngần ngại mà chia sẻ với khách về phương pháp chữa bệnh của mình. Bởi bà cho rằng: “Chữa bệnh để giúp đời, giúp người chứ không phải để kinh doanh vụ lợi”.

Theo bà Thảo, với những người bệnh bị bệnh thấp khớp thể nhẹ thì chỉ cần những vị thuốc rễ cây gắm (hay còn gọi là cây vương tôn), dây đau xương, cỏ xước, cành dâu bỏ vỏ, cây cốt khí, cây kê huyết đằng, lá mộc thông, cây vòi voi, cây khịa đác (hay còn gọi là cây xương bồ), quế chi, Thổ phục linh, đơn mặt trời, đơn gối hạc. Những vị thuốc này được bốc thành thang, sắc uống hai ngày một thang. Những người có bệnh chỉ cần uống đến ngày thứ 3 thì thuốc bắt đầu có tác dụng, sau khoảng 10 thang là bệnh tiêu tan.

Giải thích về những vị thuốc này, bà Thảo cho hay: Những cây thuốc này được mọc hoang trong rừng nên thường xuyên chịu đựng thời tiết khắc nghiệt để tồn tại vì trong các thân, rễ cây rừng đó có kháng chất. Việc sử dụng các loại cây rừng vào các thang thuốc cũng là một cách chiết xuất những kháng chất bổ sung cho cơ thể người chống lại bệnh tật.

“Xung quanh chúng ta là một rừng thuốc và việc sử dụng rừng thuốc đó để chữa bệnh là cái tài, cái duyên của người thầy thuốc. Để chữa được bệnh thì người thầy thuốc phải xác định rõ bệnh nhân mắc bệnh gì, mức độ mắc bệnh ra sao để có cách chữa bệnh tùy cơ địa và mức độ bệnh nặng nhẹ của từng người. Mỗi thang thuốc có tác dụng khác nhau qua các chu kỳ chữa bệnh”, lang y này nói.

Theo bà Thảo, bài thuốc của bà chưa từng chịu bó tay trước ca bệnh thấp khớp nào. Theo bà, bao giờ phương châm “Tiên trị huyết, hậu trị phong” được đặt lên hàng đầu. Giải thích một cách dễ hiểu, đó là việc trước tiên khi chữa bệnh phải dùng thuốc bồi bổ khí huyết vì khi mắc bệnh này, người bệnh bao giờ cũng là người có sức đề kháng yếu.

“Lúc sức khoẻ yếu thì sinh ra bệnh và bệnh mới phát nên bao giờ người bệnh cũng bị chân khí hao tổn. Thế nên không nên dùng thuốc chữa bệnh ngay mà phải bốc thuốc bồi bổ sức khỏe cho người bệnh (chân khí - PV) để người bệnh khoẻ mạnh trở lại, chống chọi với bệnh tật sau đó mới dùng thuốc trị bệnh. Khi trị bệnh xong phải trị tận gốc, dù khỏi bệnh vẫn phải dùng thuốc phòng ngừa bệnh tái phát”, “lang y” miền sơn cước này cho biết.

Viêm khớp làm hàng nhiều triệu người trên thế giới đau nhức, cũng được gọi là bệnh suy thoái khớp xương. Viêm khớp không phải là một bệnh đơn lẻ mà là một nhóm bệnh mà đặc tính chung gồm đau nhức, viêm, và hạn chế cử động của khớp xương. Hai loại viêm khớp thường gặp nhất là viêm xương khớp và viêm khớp mãn tính.

Thuật ngữ viêm khớp không sử dụng rộng rãi và thường được gán mơ hồ cho đau nhức ở hầu hết các phần của cơ thể. Vì vậy cần phải được chẩn bệnh để nhận dạng chính xác bệnh. Viêm khớp có thể xảy ra ở bất cứ khớp xương nào, nhưng đa số thường là ở đầu gối, cổ tay, khuỷu tay, ngón tay, ngón chân, hông và vai. Cổ và lưng cũng có thể bị viêm khớp. Tuy nhiên, nếu bạn thấy đau ở khớp xương, chưa hẳn là bạn bị viêm khớp, vì những bộ phận khác như dây chằng hay dây gân, cũng tạo nên cấu trúc của khớp.

Viêm khớp có thể chỉ xảy ra nơi một hay nhiều khớp. Triệu chứng của viêm khớp là đau, sưng, cứng, và biến dạng nơi một hay nhiều khớp xương. Triệu chứng có thể đến bất ngờ hay tiến triển từ từ. Bệnh nhân chịu đau nhức khác nhau từ cảm giác chói, nóng bỏng, cho đến đau dữ dội. Cử động khớp thường bị đau cho dù có lúc nó chỉ là cứng khớp.

Thường thì đau nhức gia tăng khi trời lạnh hay ẩm thấp. Những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng viêm khớp gồm thức ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu vận động, béo phì, nhiễm trùng, và tổn thương nơi khớp xương hay sức căng thường xuyên nơi khớp.

(Theo wikipedia)

Việt Lâm

Đọc thêm