Người nỗ lực duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt cho thiếu nhi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quãng thời gian 12 năm lớn lên tại Việt Nam chính là động lực khiến Hạnh Nguyễn-Schwanke sáng lập Nhà xuất bản Horami - NXB song ngữ Việt-Đức đầu tiên tại Đức có tên Horami
 Bà Hạnh Nguyễn-Schwanke (trái) và chị Thái Ngọc Bảo Trâm (Giám đốc điều hành, người đồng sáng lập học viện Horami).
Bà Hạnh Nguyễn-Schwanke (trái) và chị Thái Ngọc Bảo Trâm (Giám đốc điều hành, người đồng sáng lập học viện Horami).

Chị Hạnh Nguyễn-Schwanke cảm thấy mình may mắn khi có quãng thời gian tuổi thơ được sống ở Việt Nam. 12 năm lớn lên tại Việt Nam chính là động lực khiến Hạnh Nguyễn sáng lập Nhà xuất bản (NXB) song ngữ Việt-Đức đầu tiên tại Đức có tên Horami, mục tiêu dùng ngôn ngữ làm cầu nối văn hóa, gìn giữ các giá trị nguồn cội cho cộng đồng người Việt, đặc biệt là các em nhỏ.

Nhà xuất bản Horami của Hạnh Nguyễn Schwanke ra đời ngày 1/6/2014 tại Berlin với những cuốn sách song ngữ Việt-Đức đầu tiên dành cho các cháu bé 2-3 tuổi như: Đố ai đếm được, Đố ai biết con gì... Các ấn phẩm này đều được in trên bìa dày, đẹp với sự góp ý, tư vấn của nhiều nhà sư phạm, tâm lý học người Việt và người Đức.

Sách song ngữ cho trẻ em Việt Nam đầu tiên tại Đức

Cơ duyên đến với sách của chị Hạnh Nguyễn là bắt đầu từ những ngày chị mong ngóng từng lá thư của bố khi ông đang là nghiên cứu sinh tại CHLB Đức. Những câu chuyện sinh động, thú vị được bố kể qua từng trang thư đã thôi thúc sự tò mò của Hạnh Nguyễn về đất nước mà bố đang sinh sống, làm việc. Và cũng từ chính những câu chuyện đó mà bố đã giúp cho bản thân chị Hạnh Nguyễn hiểu và vô cùng yêu quý và tự hào về cội nguồn “con rồng, cháu tiên” của mình.

Sau này, khi cả gia đình chị cùng nhau đoàn tụ và định cư tại nước Đức, chị lại luôn được bố khuyến khích, động viên tham gia những công việc giúp kết nối nhiều hơn với quê nhà Việt Nam. Đây có lẽ là nguyên nhân đầu tiên khiến Hạnh Nguyễn quyết định thành lập NXB Horami.

Bà Hạnh Nguyễn-Schwanke.

Bà Hạnh Nguyễn-Schwanke.

Rồi tới khi có con nhỏ, chị Hạnh Nguyễn mới phát hiện ra việc tìm được một cuốn sách tiếng Việt ở Đức cho trẻ em thật khó khăn. Thị trường Đức hầu như không có cuốn nào dành cho người Việt, ngay cả sách song ngữ. Người ta chỉ may mắn tìm thấy một cửa hàng nào đó một cuốn sách mưa từ Việt Nam sang Đức.

Dù vậy, nội dung của những cuốn sách ít ỏi đó lại không nói về người Việt Nam. Đa phần câu chuyện mà sách kể là của người da trắng hay một dân tộc khác nào đó chứ không phải người da bàng hay châu Á. Cùng với đó, mẫu hình gia đình trong các câu chuyện đó dường như chưa nói hết được sự đa dạng thực tế của đời sống xã hội.

Chị Hạnh Nguyễn từng chia sẻ ước mong làm sao để mỗi đứa trẻ gốc Việt sinh ra ở đây tìm được một cuốn sách có mình là nhân vật trong đó. Các em sẽ tự tin hơn khi thấy bên cạnh những gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ trong sách, còn có những gia đình dù không đủ cả hai nhưng vẫn tròn đầy hạnh phúc.

Bởi hai lý do cốt lõi đó mà Horami ra đời, trước hết là dành cho trẻ em. Hạnh Nguyễn ban đầu thành lập Horami chỉ với mục đích dùng ngôn ngữ làm cầu nối văn hóa, gìn giữ các giá trị nguồn cội, giúp cộng đồng người gốc Việt kết nối, tăng sự đồng cảm và hiểu biết lẫn nhau.

Khi Horami ra đời, những cuốn sách song ngữ Việt-Đức do Hạnh Nguyễn sản xuất chính là những cuốn đầu tiên dành cho các cháu bé 2-3 tuổi nhưng giờ thì dự án vươn rộng hơn, hướng tới cả đối tượng độc giả người lớn. Song, chị Hạnh vẫn muốn các sản phẩm văn hóa của Horami sẽ phục vụ trước hết cho nhóm cộng đồng người Việt.

Một trong những cuốn đầu tiên Horami làm và được đón nhận nhiệt tình là “Từ điển thế giới quanh em” bằng tranh mà chị Hạnh là người lên ý tưởng, chọn từ vựng và tranh minh họa cho sách với chủ đề đời thường trong cuộc sống ở Việt Nam và Đức để so sánh. Hiểu được những khó khăn do rào cản ngôn ngữ của các gia đình trẻ trong nhiều tình huống hội nhập, đặc biệt chăm sóc sức khỏe cho con, Horami đã thực hiện cuốn “Cẩm nang và các từ vựng y tế”. Sách giúp người đọc nắm các từ vựng mô tả những vấn đề liên quan việc khám, chữa bệnh, theo đó những người chưa thạo tiếng Đức có thể mô tả rõ ràng và chính xác hơn tình trạng của họ hay người thân với bác sĩ.

Sự kiện ra mắt sản phẩm Songs of Cultures 9/2021 (Ảnh: Horami).

Sự kiện ra mắt sản phẩm Songs of Cultures 9/2021 (Ảnh: Horami).

Học viện giáo dục trực tuyến

Không chỉ dừng lại ở những cuốn sách song ngữ, trong thời kỳ dịch Covid-19 xuất hiện và hoành hành, chị Hạnh Nguyễn cùng những người bạn đồng hành đã xây dựng một học viện trực tuyến dành cho cộng đồng người Việt và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt trên toàn thế giới.

Học viện là một bước tiếp theo của nhà xuất bản, cũng muốn với một mong muốn đem văn hóa ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Việt qua những ứng dụng công nghệ để được giảng dạy trực tuyến.

Điểm đặc biệt của học viện trực tuyến này đội ngũ của Hạnh Nguyễn đang thiết kế những khóa học tiếng Việt dành riêng cho các em gốc Việt sinh tại nước ngoài. Đó sẽ là các lớp học phát triển ngôn ngữ qua những câu chuyện, qua những trò chơi. Ngoài ra, Horami Accademy có khung những lớp tiếp theo là các lớp học đọc, học viết cơ bản, nâng cao và khuyến khích các khóa lớp cho các em có những cơ hội sáng tác, đọc truyện đọc thơ.

Bên cạnh đó, Horami Accademy cũng có các khóa cho người lớn. Theo Hạnh Nguyễn, giữa Đức và Việt Nam đang có rất nhiều những bang giao kinh tế và nhu cầu học tiếng Việt ở các trình độ ngày càng nhiều. Bên cạnh đấy, cô cùng đồng nghiệp cũng cũng thiết kế những khóa tiếng Việt giao tiếp, tiếng Việt thương mại để cùng các đối tác bên Đức và đồng hành cùng họ để có những tạo ra những khóa học trực tuyến rất độc đáo, đặc biệt cho các chuyên gia người Đức muốn có nhu cầu về Việt Nam công tác.

Một trang trong cuốn sách song ngữ “Người bán hạnh phúc” (dịch giả Trương Hồng Quang) do Horami tổ chức phát hành.

Một trang trong cuốn sách song ngữ “Người bán hạnh phúc” (dịch giả Trương Hồng Quang) do Horami tổ chức phát hành.

Học viện này cung cấp giải pháp công nghệ giáo dục, đem đến trải nghiệm học tập đổi mới và sáng tạo cho người dạy và học mọi lứa tuổi. Tham gia học viện, người học có thể lựa chọn các ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Đức, học phụ đạo và học thêm các khóa học khác về văn hóa, giao tiếp và kỹ năng mềm.

Horami Accademy được hình thành đúng lúc dịch Covid-19 đang hoành hành tại Đức, các thành viên của học viện ở cách xa nhau (Đức, Pháp và Việt Nam) và chỉ gặp nhau online nhưng vẫn cùng làm, cùng học, chia sẻ, động viên nhau để có thêm nguồn năng lượng tích cực.

Để mang lại hiệu quả tốt nhất, Horami Accademy còn sáng tạo nhiều chương trình hấp dẫn như khoá học tiếng Việt “Học và chơi cùng mèo con” với những câu chuyện và trò chơi hấp dẫn, vui nhộn giúp cho các bé tiếp cận tiếng Việt một cách sống động và gần gũi nhất. Hay điển hình là Hội thảo online Đọc sách hiệu quả cùng con - nơi các phụ huynh chia sẻ, giao lưu về kỹ năng đọc sách cùng con, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tư duy và giữ tình yêu tiếng mẹ đẻ...

Nói về những sáng kiến thú vị từ chuỗi dự án mang tên Horami, Hạnh Nguyễn muốn cảm ơn những kỳ nghỉ hè về thăm Việt Nam, thăm gia đình đã giúp chị thêm thấu hiểu nhiều điều khi được nghe ông bà kể chuyện ngày xưa, cũng như ngày càng có những tình cảm gắn bó hơn với nguồn cội, quê hương.

Hạnh Nguyễn chia sẻ, với tinh thần đặt con người làm giá trị trọng tâm, cô luôn cảm thấy biết ơn sự làm việc chăm chỉ, đầy óc sáng tạo nhưng luôn mang một thái độ khiêm tốn từ những ngày đầu tiên của các thành viên Horami. Chính những nỗ lực không biết mệt mỏi của các thành viên đã biến những ý tưởng không thể thành có thể như hiện tại.

“Dù đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu, việc gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt có lẽ là điều mà rất nhiều bậc phụ huynh mong muốn hỗ trợ con của mình. Vì ngôn ngữ và văn hóa chính là chiếc cầu kết nối tình cảm và thế hệ gắn bó nhất”, Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Đọc thêm