Người nuôi thủy sản Hải Phòng có cơ hội thu "bạc tỷ"?

Không chỉ nuôi thành công tôm he chân trắng (gốc Hawai- Mỹ) theo hướng công nghiệp, Xí nghiệp Dịch vụ nuôi trồng Thủy sản Đồ Sơn (thuộc Cty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng) đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ từ nuôi quảng canh sang nuôi tôm công nghiệp cho tất cả các hộ dân đang sử dụng hàng trăm ha đầm tôm của xí nghiệp nhằm tăng năng suất nuôi trồng thủy sản trong vùng…

Không chỉ nuôi thành công tôm he chân trắng (gốc Hawai- Mỹ) theo hướng công nghiệp, Xí nghiệp Dịch vụ nuôi trồng Thủy sản Đồ Sơn (thuộc Cty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng) đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ từ nuôi quảng canh sang nuôi tôm công nghiệp cho tất cả các hộ dân đang sử dụng hàng trăm ha đầm tôm của xí nghiệp nhằm tăng năng suất nuôi trồng thủy sản trong vùng…

Mô hình nuôi tôm he chân trắng hy vọng sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Mô hình nuôi tôm he chân trắng hy vọng sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Cầu kỳ cho giống tôm mới

Ông Hoàng Đình Mỹ, Phó giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn cho biết, giống tôm he chân trắng có thời gian sinh trưởng ngắn chỉ khoảng 80- 90 ngày đã cho thu hoạch; tôm he chân trắng cho giá trị kinh tế cao so với một số loài thủy hải sản người dân trong vùng vẫn thường nuôi trong thời gian qua.

Tuy nhiên, giống tôm he chân trắng khi du nhập vào vùng nuôi trồng thủy sản phía Bắc nói chung, Hải Phòng nói riêng thường hay mắc một số bệnh, nhất là bệnh nấm…Trong thời gian dài, giống tôm he chân trắng chỉ được ngư dân vùng Hải Phòng nuôi quảng canh, cho năng suất thấp, chưa thực sự là cứu cánh giúp người nuôi trồng thủy sản thoát nghèo.

Theo ông Mỹ, để từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, từ năm 2010, Xí nghiệp Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn đã mạnh dạn đầu tư cùng với 12 hộ dân vào 10 ha đầm nuôi để nuôi tôm he chân trắng theo hướng công nghiệp với mong muốn nếu mô hình thành công, những vùng nuôi này sẽ là điểm “trình diễn”, là cơ sở để xí nghiệp có thể khuyến khích những hộ dân nhận khoán diện tích nuôi trồng thủy sản của xí nghiệp áp dụng, tổ chức nuôi tôm công nghiệp ra tất cả diện tích từ trước đến nay vẫn áp dụng hình thức nuôi quảng cảnh.

Nắm bắt được đặc tính tôm he chân trắng sống theo bầy đàn, chỉ cần một cá thể tôm bị bệnh, mầm bệnh sẽ lây lan nhanh theo cấp số nhân, để ngăn chặn tình trạng này, xí nghiệp đã xác định chỉ có phương pháp giữ vệ sinh hệ thống ao nuôi. Theo ông Mỹ, để tôm he chân trắng không bị nhiễm bệnh, sinh trưởng tốt, toàn bộ diện tích nuôi tôm công nghiệp phải được cải tạo, đầu tư vét bùn bảo đảm độ sâu, cày bừa phơi khô mặt đáy, dùng vôi bột rắc đều xung quanh bờ, đáy ao, tu sửa bờ sau đó lấy nước vào ao nuôi, diệt tạp khuẩn, gây màu nước…

Đầu tư tiền cho hệ thống ao nuôi đã khó, việc chăm cho giống tôm này cũng đòi hỏi rất nhiều điều kiện khắt khe, là loại phàm ăn nhưng không thể cho ăn ít bữa mà phải trải ra tới 5 lần cho tôm ăn trong ngày. Theo ông Mỹ, “nói chăm tôm như chăm con mọn quả không sai, cho tôm ăn phải đúng thời gian quy định bất kể ngày nắng hay ngày mưa…".

Nỗ lực vượt khó

Theo ông Mỹ, khoảng 2 năm trở lại đây, do thời tiết thay đổi thất thường, chất lượng con giống giảm sút, các hộ nuôi trồng thủy sản không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nên nhiều hộ nông dân không còn “mặn mà” với nuôi trồng thủy sản như trước kia. Nhưng, quan trọng hơn cả, với tốc độ đô thị hóa quanh vùng nuôi, hệ thống thủy lợi của hàng trăm ha đầm nuôi trồng của xí nghiệp bị phá vỡ, bị thay đổi, bị xuống cấp nghiêm trọng, nguồn nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm trầm trọng.

Để có thể đưa hàng trăm ha đầm nuôi trồng thủy sản vào nuôi tôm nói riêng, sản xuất các loại thủy hải sản theo hướng công nghiệp đem lại giá trị hàng hóa cao nói chung, Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để việc nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, tăng sản lượng, ông Mỹ nói.

Theo anh Nguyễn Văn Trọng, hộ dân nhận khoán nuôi trồng thủy sản với Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn, hiện nay, nhiều người dân đang ở trong tình trạng thiếu vốn; vùng nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm nặng, nhiều hộ dân đã nản lòng, muốn bỏ nghề. Tuy nhiên, được sự động viên khuyến khích của Ban lãnh đạo Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn, nhiều hộ dân đã cam kết, đồng cam cộng khổ với xí nghiệp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, một trong số các hộ dân cùng Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn áp dụng mô hình nuôi tôm he chân trắng theo hướng công nghiệp hồ hởi nói, được sự giúp đỡ cả về vốn, về tiến bộ khoa học kỹ thuật của Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn, nhiều hộ dân đã chủ động đề nghị xí nghiệp tạo điều kiện để nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp ra toàn khu vực nuôi của xí nghiệp.

Phương Thanh

Đọc thêm