Người phát ngôn: Anh ở đâu? - Bài 1: Đùn đẩy trách nhiệm

Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, nơi đã và đang thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thì vẫn còn đang lúng túng và “làm khó làm dễ” với phóng viên

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và Quyết định số 22/2008/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hầu hết các cơ quan hành chính Nhà nước đều cử người phát ngôn cho địa phương, đơn vị mình và đăng ký chính thức với thành phố. Tuy nhiên, một số ngành, địa phương chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp triển khai quy chế ở cơ sở, điều này đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho quá trình tác nghiệp của các phóng viên báo, đài.

Một cái tin viết được, 5, 7 lần hẹn

Mô tả ảnh.
Nếu người phát ngôn né tránh báo chí thì bạn đọc sẽ chậm trễ thông tin cần thiết và chính xác.

Có lẽ, chuyện phải đi đi về về ở một đơn vị nào đó để có được thông tin phục vụ cho bài viết đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” đối với cánh phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Với các doanh nghiệp, đôi lúc phóng viên phải “bấm bụng” mà chuyển đổi đề tài hoặc chấp nhận “đổ” bài. Tuy nhiên, đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, nơi đã và đang thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thì vẫn còn đang lúng túng và “làm khó làm dễ” với phóng viên.

Còn nhớ, trong một lần tác nghiệp để viết bài về tình trạng ô nhiễm bụi ở các tuyến đường Hòa Cầm-Hòa Vang, khi chúng tôi đến làm việc với Sở T. để lấy số liệu đo nồng độ bụi tại các điểm quan trắc ở các khu vực nói trên, ông T.M.C, Chi cục trưởng Chi cục M. cho biết, “để anh hỏi ý kiến của lãnh đạo đã rồi mới cung cấp cho em được” và hẹn chúng tôi vào ngày khác. Vì muốn có thông tin kịp thời cho bạn đọc, chúng tôi đề nghị ông C. cho số điện thoại của lãnh đạo để gặp trực tiếp hoặc xin ý kiến ngay lúc đó, nhưng đã bị ông từ chối. Cuối cùng, chúng tôi đành ra về và chờ đến ngày hẹn.

Đúng thời gian đã hẹn, chúng tôi trở lại thì ông C. đi vắng và chúng tôi lại điện thoại thì được ông khất hẹn thêm một lần nữa vì đang bận việc. Chúng tôi lại kiên nhẫn chờ đợi và sau đó nhận được câu trả lời rằng, hiện nay tại các khu vực đó không có trạm quan trắc và yêu cầu chúng tôi chờ đợi thêm thời gian nữa để ông C. cho nhân viên xuống đo.

Đến hẹn lần này, chúng tôi lại nhận được câu trả lời là do công việc quá bận nên chưa đo được. Tuy nhiên, có lẽ do sự đi lại của chúng tôi quá kiên nhẫn buộc ông C. yêu cầu phóng viên đưa ra một số nội dung cụ thể để người phụ trách cung cấp thông tin cho báo chí chuẩn bị. Bà P.T.H, cán bộ phụ trách mảng thông tin báo chí của Sở T. bắt bẻ lại chúng tôi: “Sao các anh không báo trước để chuẩn bị, chứ bây giờ làm sao chuẩn bị cho kịp. Hiện giờ em đang chuẩn bị tài liệu để tham gia hội chợ triển lãm về thành tựu của ngành. Hẹn anh hai ngày nữa”. Cũng may là lúc đó có mặt ông C., và ông đã nhận trách nhiệm về mình. Sau một thời gian chờ đợi kèm với những tin nhắn và điện thoại thúc giục, nhưng cuối cùng những thông tin mà chúng tôi nhận được qua email do bà H. gửi là những thông tin quá cũ, với các số liệu được đo từ năm 2006-2008, với lý do là số liệu của năm nay mới ở dạng thô, chưa được xử lý nên chưa thể cung cấp ra bên ngoài.

Người phát ngôn ngại… phát ngôn

Cũng có trường hợp, người phát ngôn hay cán bộ được giao phụ trách mảng thông tin báo chí sợ trách nhiệm hoặc sợ lãnh đạo đơn vị khiển trách khi phóng viên viết về các vấn đề nhạy cảm của ngành mình nên không dám cung cấp thông tin và đùn đẩy cho người dưới quyền. Chính điều này đã gây không ít khó khăn cho phóng viên khi tác nghiệp và làm cho bài viết thiếu thông tin và thiếu tính thuyết phục. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, bên cạnh một số người phát ngôn, hoặc cán bộ được giao phụ trách mảng báo chí còn đùn đẩy trách nhiệm, một số phóng viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí trong quá trình tác nghiệp không báo trước với cơ sở đã làm cho người phát ngôn bị động, không sẵn sàng trong việc cung cấp thông tin, dẫn đến chất lượng không được tốt. Thông tin phóng viên thiếu thẩm định, gây khó khăn cho người cung cấp thông tin. Cũng có trường hợp, người nói một đường, người viết một nẻo, nhưng không cải chính thông tin theo quy chế, làm ảnh hưởng đến lòng tin của cơ sở. Đối với những phóng viên, cộng tác viên không có thẻ, giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, các cơ sở rất ngại tiếp xúc vì sợ những người này đi xin tài trợ hoặc phát hành báo...

(Còn nữa)

Bài và ảnh: GIA HUY

Đọc thêm