Người phụ nữ không tay có đôi chân kỳ diệu

Nhiễm chất độc da cam từ khi còn trong bụng mẹ, sinh ra đời bà đã không có hai tay. Nhưng tấm thân không lành lặn ấy vẫn vươn lên vượt qua nghịch cảnh, bám trụ với đời bằng đôi chân kỳ diệu.

Nhiễm chất độc da cam từ khi còn trong bụng mẹ, sinh ra đời bà đã không có hai tay. Nhưng tấm thân không lành lặn ấy vẫn vươn lên vượt qua nghịch cảnh, bám trụ với đời bằng đôi chân kỳ diệu. Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Hành (47 tuổi) ở thôn Long Khê, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế giữa tiết trời rét căm căm của ngày cận Tết. Căn nhà nhỏ nằm nép mình sau lũy tre làng là nơi sinh sống của hai phận già cô đơn mấy chục năm qua. Ngày bà Hành chào đời, người mẹ chưa kịp vui mừng đã vội ngoảnh mặt giấu nước mắt đau thương. Bà Hành lúc ấy chỉ là một sinh linh yếu ớt, có chân mà không có tay. Người làng đều bảo đó là quái thai nên vứt bỏ hoặc gửi lên chùa để khỏi mang tai họa về sau. Nhưng vì tình mẫu tử sâu nặng, cha mẹ bà vẫn quyết tâm giữ con lại.
Đôi chân kỳ diệu có thể giúp bà Hành sàng gạo thành thạo
Đôi chân kỳ diệu có thể giúp bà Hành sàng gạo thành thạo
Năm lên 7 tuổi, bố mất trong một tai nạn giao thông, gia đình bà Hành lâm vào cảnh khốn khó, người mẹ tần tảo mưu sinh cũng chẳng kiếm đủ miếng cơm qua ngày. Năm 20 tuổi, một lần nữa bà Hành mang vành khăn tang trắng tiễn đưa người mẹ qua đời vì bệnh ung thư. Thương đứa em gái tật nguyền, bà Nguyễn Thị Màn (57 tuổi) gác lại hạnh phúc riêng tư, ở giá nuôi em. Ngày ngày, bà Màn làm việc quần quật ngoài đồng, đêm về lại vật lộn với căn bệnh bướu cổ di truyền. Thấy chị đau đớn, vất vả, bà Hành quyết tự mình thay đổi số phận, vừa để giúp mình, vừa để đỡ đần chị. Từ đó, mỗi sáng, khi người chị đi hái củi trên núi, bà Hành bắt đầu luyện tập làm mọi việc bằng đôi chân. Ban đầu chưa quen, bà liên tục té ngã, xây xước đầy mình. Dần dần, đôi chân kỳ diệu đã “chiều” theo ý bà, có thể làm những công việc như chải tóc, may vá, giặt đồ, quét nhà, sàng gạo... Bà Hành chia sẻ: “Mới đầu tập làm khó lắm, nhất là việc dùng chân kẹp muỗng ăn cơm. Cơm vào miệng ít mà rơi ra ngoài thì nhiều”. Vận động quá sức lại thêm chứng bệnh thấp khớp, đêm nào bà Hành cũng âm thầm chịu đựng nỗi đau giày xéo. Sau hơn hai năm kiên trì tập luyện, bà Hành đã sử dụng đôi chân khéo léo chẳng khác gì đôi tay. Thật bất ngờ khi những bộ áo quần vừa vặn của hai chị em bà đang mặc đều do chính tay bà Hành may vá. “Một chân nó giữ kim, chân kia giữ nếp vải rồi khâu từng vết được mấy ngón chân gập thành dấu. Lúc đầu may chưa thạo, cây kim nhọn đâm nát chân chảy máu. Đến giờ, nó thành thục tới mức tự mình luồn chỉ qua lỗ kim bé tẹo”, bà Màn hãnh diện kể. Ngồi nhìn cách bà sàng đãi gạo một cách điêu luyện mới thấy hết nghị lực vượt khó đáng nể của con người này. Bà Hành cho hay vì nhà làm nông nhiều việc quá nên muốn góp chút ít công sức đỡ đần người chị. Lúc đầu làm chưa quen, gạo bắn tung tóe ra ngoài, ngay cả việc dùng ngón chân cắp lấy cái sàng gạo đã khó. Vừa đưa chân hất lên hất xuống vài dăm cái đã mỏi, nhiều lần đang đưa giữa chừng cơn đau khớp nổi lên khiến bà bổ nhào ra khỏi ghế. Giờ do mọi hoạt động chủ yếu dựa trên động tác ngồi, giơ hai chân lên nên lưng bà Hành dần gù xuống. Phía bên trái hông “thừa ra” khiến cho bà đi lại càng khó khăn hơn.“Làm việc bằng chân thay cho đôi tay khiếm khuyết, tôi nghĩ đó cũng là chuyện bình thường, không có gì to tát. Bởi mỗi người sinh ra đều có những khó khăn riêng. Mọi sự cố gắng của tôi đơn giản chỉ muốn vượt qua định mệnh nghiệt ngã của số phận để bám trụ với đời” - bà Hành chia sẻ. Trưởng thôn Long Khê Hồ Văn Hẹ cho biết: Gia đình hai chị em bà Hành thuộc diện nghèo khó, kinh tế chủ yếu dựa vào hai sào ruộng cạn và số tiền trợ cấp tàn tật 180.000 đồng/tháng. Cuộc sống khốn khó nhưng hai chị em luôn yêu thương, đùm bọc nhau.
Theo Thanh Tuấn
Dân trí

Đọc thêm