Người thám hiểm “suối xương người” bí ẩn giữa thủ đô

Bên cạnh con suối, dưới lòng suối, trên vách đá, tóm lại là khắp nơi chỉ toàn xương người trắng phau. Điều lạ là sau hàng ngàn năm, xương người vẫn còn nguyên vẹn, rất chắc chắn.

Bên cạnh con suối, dưới lòng suối, trên vách đá, tóm lại là khắp nơi chỉ toàn xương người trắng phau. Điều lạ là sau hàng ngàn năm, xương người vẫn còn nguyên vẹn, rất chắc chắn.

Trong câu chuyện với người đàn bà tên Tuyết, bán hàng ở cửa Thần Quang Động, tôi được biết chuyện về ông Phạm Văn Thịnh, ở xóm Chợ, người đã từng “mất hút” trong lòng núi mấy ngày trời để thám hiểm “suối xương”.
Chen chúc xem xương cốt trong bể
Chen chúc xem xương cốt trong bể

Nhà ông Thịnh lúp xúp bên đường vào chùa Thầy. Ông Thịnh mới 55 tuổi, song gầy còm, ốm yếu, có vẻ bệnh tật nặng, ngồi thu lu trong góc nhà

Trước khi vào nhà, tôi được người dân quanh xóm đồn đại rằng, sau chuyến thám hiểm xuống “suối xương”, người ta thấy ông có vẻ ốm yếu dần, ít ra ngoài, không thấy lên núi Sài Sơn nữa.

Tôi hỏi chuyện thám hiểm hang động, mắt ông chợt sáng lên. Tuy nhiên, ông không công nhận mình là người hiểu biết nhiều nhất về hệ thống hang động trong lòng núi Sài Sơn. Người nắm nhiều thông tin nhất phải là ông cụ Như, ở thôn Đồng Mạc. Nhân dân quanh núi gọi ông là ông Như “sâu hang”, vì ông rất giỏi thám hiểm hang động.

Ông cụ Như là người từng có một chuyến đi 7 ngày trong động, gần như hết mọi ngóc ngách hang. Nhưng ông đã chết cách nay mấy chục năm rồi.

Con cụ Như là cụ Thứ, cũng từng dành nhiều ngày khám phá hang động, song theo lời kể của người dân, sau khi khám phá “suối xương”, ông trở nên trầm tính, ít giao du, rồi mất lặng lẽ cách nay mấy năm, thọ 70 tuổi.
Thắp hương khấn vái trên bàn thờ tướng và quân Lữ Gia
Thắp hương khấn vái trên bàn thờ tướng và quân Lữ Gia

Tôi đã gặp con dâu cụ Thứ, người chụp hình ở chùa Thầy. Chị bảo, bố chồng chị không kể gì cho con cháu nghe chuyện ông khám phá hang động thế nào, nên chị cũng chả biết gì.

Tuy nhiên, ông cụ Như lại kể chuyện thám hiểm hang động rất rõ với ông Thịnh, vì ngày còn bé, ông Thịnh thường theo cụ Như lên núi Sài Sơn lấy củi.

Sống ngay dưới chân núi, ngày nào cũng thấy bóng núi sừng sững, lại được thấm nhuần bởi những huyền thoại về Thần Quang động từ tấm bé, nên cũng như những thanh niên lớn lên dưới chân núi, ông ước một lần được thám hiểm xuống “suối xương” cũng như khám phá những hang động bí ẩn trong lòng núi.
Hành động "bố thí" cho các oan hồn đã biến bể xương thành bể rác
Hành động "bố thí" cho các oan hồn đã biến bể xương thành bể rác

Năm 1980, Thịnh cùng hai thanh niên nữa trong làng tên Tuấn và Minh, chuẩn bị một balô bánh mì, lương khô, một balô dưa hấu, nước… Ngoài ra, còn mang theo 15 cây nến, mỗi cây to bằng bắp tay, dài 40cm, 100 cuộn dây nhỏ, dùng để dẫn đường, cùng nhiều dây thừng làm thang dây.

Mỗi người một balô lên đường. Hàng chục thanh niên đứng ngoài cửa động tiễn đưa. Ba người bắt đầu xuống hang trong ánh mắt thán phục của các cô gái làng.

Theo sơ đồ hướng dẫn của cụ Như, mọi người chăng dây ở cửa hang (tránh lạc đường), rồi bắt đầu đi. Theo cụ Như, nếu thuộc đường, chỉ đi một ngày đến “suối xương”, nhưng nhóm của Thịnh phải đi mất 2 ngày vì bị lạc rất nhiều. Thịnh và hai người bạn đã tìm đến được “suối xương”, nơi mà mọi người chỉ được nghe nhắc đến trong huyền thoại về “9 tầng địa ngục”.

Đoàn thám hiểm của ông Thịnh đi vào mùa khô nên suối nước trong lòng động khá cạn, nước trong vắt, lạnh lẽo. Suối chảy dưới nền một bãi rộng mênh mông. “Tôi không thể ước chừng nó rộng đến cỡ nào, vì ánh nến chỉ soi được mặt người” – ông Thịnh kể.

Theo cụ Như, vào mùa mưa, dòng suối biến thành một cái hồ lớn trong lòng núi. Ông Thịnh cho biết: “Chúng tôi không rõ độ sâu của suối so với cửa hang là bao nhiêu mét, không biết “suối xương” nằm trong lòng núi hay dưới lòng đất. Nhưng “suối xương” là thật chứ không phải truyền thuyết. Bên cạnh con suối, dưới lòng suối, trên vách đá, tóm lại là khắp nơi chỉ toàn xương người trắng phau. Điều lạ là sau hàng ngàn năm, xương người vẫn còn nguyên vẹn, rất chắc chắn”.

Đoàn thám hiểm của ông Thịnh đi dọc con suối và thấy ven suối rất lạ, với những đụn cát vàng sùi lên thành đống. Điều lạ hơn nữa là bên suối có những con thuyền gỗ nhỏ. Mỗi bên mạn thuyền chỉ to bằng cánh cửa, nửa nổi nửa chìm trong cát.
Xương cốt có khắp nơi trong hang động của núi Sài Sơn
Xương cốt có khắp nơi trong hang động của núi Sài Sơn

Bên cạnh những con thuyền vẫn còn mái chèo, nhưng đã mục ruỗng. Chỉ có thành thuyền còn khá nguyên vẹn, gỗ rất cứng và được sơn màu đen. Theo kinh nghiệm của ông Thịnh thì nhiều khả năng những con thuyền này được quét bởi một loại sơn của người xưa hoặc nước cốt lá khoai nước. Ông Thịnh đã dùng dao cạo vào thành thuyền, nhưng thấy sơn bám rất chắc và gỗ thì cứng như thép.

Ông Thịnh cho biết: “Theo tôi dự đoán, mùa mưa, nước ngập biến lòng hang thành hồ, nên họ mang thuyền vào để đi. Họ không thể vận chuyển cả chiếc thuyền vào được, vì nhiều ngách hang rất nhỏ, nên có thể họ đóng ở ngoài từng phần, vận chuyển vào rồi mới ghép lại để tiện di chuyển trong mùa nước ngập. Nước trong hang rất lạnh, nên việc di chuyển bằng thuyền là điều dễ hiểu”.

Nhóm thám hiểm của ông Thịnh còn phát hiện khá nhiều ký tự lạ trên vách đá, một số chữ rõ ràng là chữ Hán. Trong số những ký tự lạ, có hai chữ Hán lớn, khắc sâu vào vách đá, rất rõ nét. Ông Thịnh đã ghi nhớ, rồi vẽ lại cho mấy cụ già trong làng xem, thì các cụ đều khẳng định là chữ “Lữ Gia”. Phải chăng đây là thông tin mà người dân quanh chân núi Sài Sơn tin rằng, những bộ xương cốt tràn ngập trong lòng núi là của nghĩa quân Lữ Gia?

Theo lời ông Thịnh, dưới dòng suối này có rất nhiều cá, nhưng là một loài cá lạ, mà những người chứng kiến đều không biết nó là cá gì.
Thạch nhũ trong động Sài Sơn
Thạch nhũ trong động Sài Sơn
Mình loài cá này chỉ bằng ngón chân cái, giống mình cá trê, nhưng đầu thì bằng nắm tay người lớn. Trên đầu nó có hình thù quái lạ, kỳ dị trông rất khiếp, do đó, không ai dám bắt về ăn. Cũng có thể đây là một loài cá thuộc họ với cá trê, cá nheo, nhưng sống mấy ngàn năm trong hang tối, nước trong, thiếu ôxi, thiếu thức ăn, nên cơ thể teo đi, đầu to ra, biến thành một loài mới. Chúng tôi đặt tên cho giống cá này lá cá đầu bò, vì trông đầu nó giống đầu con bò nhìn từ trên xuống” – ông Thịnh phán đoán. Theo hiểu biết của tôi và qua lời mô tả của ông Thịnh, thì có thể đây chỉ là loài cá suối thông thường. Ở những con suối trên vùng cao, vào mùa lạnh, thường xuất hiện loài cá này. Nó có mình giống cá nheo, song lại có cái đầu to tướng. Loài cá này có hình thù khá giống với nòng nọc. Đây là loài cá ăn rong rêu và thịt rất thơm, là món ăn được người dân miền núi ưa chuộng. (Còn tiếp)
Theo Vị Thủy
VTC news

Đọc thêm