Người trẻ khởi nghiệp thời… 4.0

(PLO) - Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam khá mạnh mẽ. Nhiều người trẻ cho rằng, họ thà tiêu tiền vào một dự án khởi nghiệp, dù có thất bại nhưng vẫn học được bài học cho nghề nghiệp sau này, hơn là tiêu tiền vào mua sắm hàng hiệu hay các cuộc vui thâu đêm. 
Các bạn trẻ mạnh dạn với các startup khởi nghiệp
Các bạn trẻ mạnh dạn với các startup khởi nghiệp

Ôsin… lương 20 triệu

Năm 18 tuổi (1999), Đỗ Đắc Nhật Tâm sang Canada định cư học tập và sau đó làm phần mềm với thu nhập khá cao. Song không bằng lòng với việc làm công ăn lương, chàng kỹ sư công nghệ sử dụng hết vốn tích lũy trong quá trình đi làm để khởi nghiệp. Và điều anh ấp ủ vẫn là luôn hướng về Việt Nam. Tâm quyết định về nước lập nghiệp với ý tưởng khởi nghiệp đến từ chính nhu cầu thường ngày.

Ngày đó Tâm rất bận, luôn cần người giúp việc (NGV) vào một số ngày trong tuần. Khi có nhu cầu, anh đã thử liên hệ nhờ bạn bè, nhưng không ổn; thông qua trung tâm môi giới lại gặp rất nhiều bất cập về thời gian, ký hợp đồng và quan trọng là không biết nên tin tưởng vào đâu. Từ thực tế này, Tâm đã dần hình thành và bắt tay vào việc tạo ra một hệ thống đáng tin cậy để kết nối NGV với chủ nhà. 

Và thế là ứng dụng giúp việc theo giờ “bTakee” ra đời vào tháng 3/2016 và Tâm đảm nhận vị trí CEO. Theo đó, NGV đăng ký hồ sơ và lựa chọn đầu việc thích hợp cho mình, bTaskee sẽ tạo tài khoản cho những khách hàng cần NGV theo giờ. Như vậy, với phần mềm này, người lao động có thể nhận hàng trăm đầu việc mỗi tháng. Mỗi đầu việc làm 2-3 giờ, NGV được trả 145.000 đồng.

Lý giải về cái tên bTaskee, Tâm cho biết, đó là những chú ong chăm chỉ. Bởi bTaskee mang lại cho khách hàng những dịch vụ nhanh chóng và chất lượng nhất, thông qua đội ngũ những cộng tác viên làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, cần mẫn như những chú ong.

Đỗ Đắc Nhật Tâm
Đỗ Đắc Nhật Tâm

Sau 2 năm hoạt động, bTaskee có trên 20.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ và hơn 2.000 NGV luôn sẵn sàng. Họ được quản lý đầy đủ về thông tin cá nhân. Mỗi ngày có hơn 500 đầu việc kết nối thành công. Khi tổng kết mức thu nhập của NGV, không ít người đạt trên 10 triệu đồng/tháng, có người làm  lên tới 20 triệu đồng/tháng.

Với mức vốn ban đầu trên 200.000 USD, sau 2 năm hoạt động, mỗi tháng công ty của Tâm có doanh thu trên 3 tỷ đồng. Hiện, Công ty đặt mục tiêu 1.000 đầu việc mỗi ngày trong 4 tháng tới. Tâm chia sẻ đang kỳ vọng sẽ phát triển ứng dụng này rộng ra các nước Đông Nam Á, trước mắt là Thái Lan và Malaysia.

Tương tự, Nguyễn Cảnh Dương (27 tuổi, TP HCM), CEO của MEETE đã khởi nghiệp bằng cách tạo ra ứng dụng Meete để phân phối mã ưu đãi trong lĩnh vực ăn uống. Ứng dụng này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Chàng trai cựu sinh viên chuyên ngành kế toán tài chính Trường ĐH Monash (Australia) này cho biết, khi mọi người tìm kiếm món ăn, bên cạnh việc chọn quán thì hay đặt ra câu hỏi “quán nào đang có khuyến mãi, giảm giá?”.

Để giúp họ có thể biết được những quán nào đang có ưu đãi, cách thức để nhận được ưu đãi, Dương đã có ý tưởng cho ra đời ứng dụng Meete. Chỉ cần cài đặt ứng dụng này trên điện thoại (có trên Google Play và App Store) hoặc đăng ký trên trang www.meete.co, những “tín đồ ăn uống” sẽ được thông báo các địa điểm, hàng quán đang có khuyến mãi và nhận được nhiều ưu đãi. 

Thế nên, chỉ hơn một năm rưỡi sau đó, Meete đã thu hút hơn 200.000 người dùng, trở thành cái tên quen thuộc mà giới trẻ hay nghĩ đến mỗi khi muốn tìm chỗ ăn uống. Thế nhưng, để có thể mời các thương hiệu ăn uống trở thành đối tác không hề dễ dàng. Thời gian đầu, ngày nào Dương cũng phải đến từng quán để mời họ với  những kế hoạch để truyền thông, marketing sản phẩm, làm hoàn toàn miễn phí thời gian đầu…

Nguyễn Cảnh Dương
Nguyễn Cảnh Dương

Thế rồi, sự bền bỉ đã được đền đáp, doanh số của các quán tăng lên, nên Meete ngày càng có nhiều đối tác. Hiện Meete đã trở thành đối tác của hơn 1.000 địa điểm ăn uống tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Cà Mau… với các thương hiệu lớn, được giới trẻ yêu thích. Mỗi ngày Meete cung cấp cho khách hàng khoảng 3.500 - 4.000 phiếu ưu đãi, có tốc độ tăng trưởng từ 30 - 50%/tháng.

Và trong cuộc thi Rice Bowl Startup Awards dành cho cộng đồng khởi nghiệp đột phá, sử dụng công nghệ một cách sáng tạo tại Đông Nam Á, ứng dụng về ưu đãi ăn uống Meete đã giành giải thưởng ở hạng mục “Startup mới của năm”. 

Không còn nỗi ám ảnh xe khách đường dài

Sau một thời gian khủng hoảng tinh thần vì Dự án Giặt là Green Tech thất bại, Phan Bá Mạnh quyết định bắt đầu lại hành trình. Với sở trường về công nghệ thông tin, chàng trai sinh năm 1981 tạo lập nền tảng công nghệ An Vui, giải pháp tổng thể cho đơn vị vận tải hành khách đường dài, dùng để khớp lệnh hàng hoá, kết nối cung cầu vận tải xe khách đường dài…

Phan Bá Mạnh chia sẻ: “Vận tải hành khách liên tỉnh luôn là bài toán lớn mà xã hội chưa có lời giải thỏa đáng. Chẳng hạn như chất lượng dịch vụ vận tải chưa như mong muốn, hãng vận tải thiếu công cụ giám sát, điều hành, hành khách gian nan mua vé, không được đảm bảo chỗ ngồi, không có kênh truyền thông tương tác hiệu quả với hãng vận tải…

Vấn đề này càng trở nên nhức nhối mỗi dịp lễ, tết, khi tần suất đi lại tăng đột biến, người dân chen lấn, xô đẩy để mua vé; ngoài bến xe, tình trạng “xe dù, bến cóc”, dừng đỗ không đúng điểm và bắt khách dọc đường… Ngoài ra, nhiều tệ nạn xã hội như móc túi, chèn ép hành khách, lợi dụng những bất cập đó để hoành hành khiến cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn”.

Phan Bá Mạnh
Phan Bá Mạnh

Bởi thế, nhóm tác giả Công ty TNHH Công nghệ Vận tải AnVui đã cho ra đời “Phần mềm quản lý điều hành thông minh cho nhà vận tải - AnVui”.  Và phần mềm này đã nhận giải Nhân tài Đất Việt năm 2017. Hiện tại đây là chương trình quản lý tổng thể cho nhà vận tải từ khâu quản lý điều hành đến khâu bán vé và tiếp cận hành khách đặt vé trực tuyến.

Theo đó, với phần mềm quản lý và điều hành bán vé cho hành khách, website giới thiệu và bán vé cho nhà xe, ứng dụng cho lái, phụ xe để đón trả khách và đặc biệt là ứng dụng mua vé xe trực tuyến giúp hành khách không cần phải ra bến xe xếp hàng vẫn có thể đặt mua vé qua mạng. Thế nên, dù mới hoạt động từ ngày 1/7/2017, chỉ sau 1 tháng đã có 5 nhà vận tải tin dùng.

Hiện AnVui đã khảo sát và thu thập được dữ liệu của 600 nhà xe trong cả nước và có 1600 tuyến xe. Tất cả đều có thể tra cứu được trên hệ thống trang http://anvui.vn.

Giải pháp kỹ thuật của AnVui đã được cộng đồng Google đánh giá giải nhất về đột phá sáng tạo. Với định hướng rõ ràng, An Vui  là một startup hiếm hoi của cả nước có được tốc độ phát triển cao sau 6 tháng kể từ khi bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm để cho ra đời một sản phẩm với quy mô lớn. Hiện sản phẩm đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên với các nhà đầu tư Thiên thần từ Mỹ và Việt Nam. Đây là một số ít các startup Việt Nam gọi vốn vòng 1 thành công và đang tiếp tục trên đà phát triển.

Không chỉ có “đất” rộng lớn để ứng dụng tại Việt Nam, AnVui còn hướng đến việc đưa sản phẩm này ra thế giới ở những nước có hạ tầng giao thông vận tải hành khách liên tỉnh còn nhiều hạn chế như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc. 

Phan Bá Mạnh cho biết, trong lĩnh vực vận tải đường dài tại Việt Nam hiện có khoảng 21.000 nhà xe, doanh thu toàn ngành rất lớn, đạt khoảng 2,1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà xe vẫn đang quản lý thủ công, chưa kiểm soát được chất lượng dịch vụ và thông tin đến khách hàng.

Thế nên, đơn cử trường hợp của Interbusline, một hãng vận tải tại khu vực phía Bắc, kết quả dùng thử nền tảng AnVui trong 6 tháng cho thấy, doanh thu của nhà xe tăng 30%. Hiện công ty đã và đang hợp tác, cung ứng nền tảng dịch vụ cho gần 70 nhà xe lớn trên cả nước, doanh thu tăng trưởng 20 -30% hàng tháng.

Chia sẻ về định hướng sắp tới, Phan Bá Mạnh cho biết, anh và đội ngũ cộng sự mong muốn đưa mô hình AnVui sang những nước có ngành vận tải đường dài tương tự Việt Nam. Anh đang nhắm tới thị trường Myanmar và Philippines… 

Chương trình gọi vốn quốc gia SFC 2018

Startup Funding Camp (SFC) là chương trình kết nối đầu tư dành cho các dự án khởi nghiệp (startup) mang tầm cỡ quốc gia do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức nằm trong hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2018: “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Trong chỉ hơn một tháng mở đăng ký, SFC 2018  với chủ đề “Jumping to 4.0” đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ đăng ký. Đó là những doanh nghiệp đã có mô hình kinh doanh được chứng minh trên thị trường, với nền tảng công nghệ vượt trội và giá trị doanh nghiệp lên tới triệu USD. 

Theo đó, 10 doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc nhất được lựa chọn tham gia chung kết Chương trình gọi vốn khởi nghiệp chuyên sâu đầu tiên tại Việt Nam (SFC 2018) diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 27/11. 3 startup xuất sắc nhất sẽ được tham quan quốc gia khởi nghiệp Israel, có cơ hội tiếp xúc với các startup công nghệ, các quỹ đầu tư quốc tế hàng đầu....