Nguy cơ loạn nhịp tim từ thịt cừu Trung Quốc

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc mới thúc giục cơ quan dưới quyền tại tỉnh Hồ Bắc mạnh tay ngăn chặn việc sử dụng các chất phụ gia nguy hại trong nuôi gia súc, bởi đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng cừu của nước này được cho ăn các chất trên để có “cừu siêu nạc”...

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc mới thúc giục cơ quan dưới quyền tại tỉnh Hồ Bắc mạnh tay ngăn chặn việc sử dụng các chất phụ gia nguy hại trong nuôi gia súc, bởi đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng cừu của nước này được cho ăn các chất trên để có “cừu siêu nạc”.

Một quan chức phụ trách công tác báo chí của bộ trên cho biết, sẽ có một cuộc điều tra đặc biệt về những hành vi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng các chất phụ gia bị pháp luật cấm, trên cơ sở đó sẽ đưa ra những hình phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên, trước đó, tờ “Tin tức Bắc Kinh” đăng tải thông tin cho thấy trong nhiều năm qua nhiều nông dân ở hai hạt Changli và Lulong đã cho cừu ăn chất phụ gia clenbuterol (còn có tên khác là “thuốc siêu nạc”) có khả năng gây chóng mặt, loạn nhịp tim cho người ăn thịt và một số tác động lâu dài khác.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Hồi tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện clenbuterol đã được cho vào thức ăn của lợn.

Đến nay, phát hiện việc sử dụng chất này cho cừu ăn khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm.

Thông tin đáng lo ngại hơn là loại thịt “bẩn” đã được bán đi nhiều nơi, trong đó có các tỉnh Hà Nam, Giang Tô, Thượng Hải.

Một người nuôi cừu nói với báo chí rằng: “Càng có nhiều thịt nạc thì càng có nhiều tiền. Chẳng hạn 100 con cừu được cho ăn clenbuterol có thể giúp tăng lợi nhuận thêm 2.000 tệ (312,87 USD) so với cừu nuôi bằng thức ăn bình thường. Do đó, nhiều người sẵn sàng bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng để kiếm lợi, dù đã có những trường hợp bị xử nặng”.

Tháng trước, một nông dân là Han Lirong ở hạt Changli đã bị phạt 70.000 tệ và ngồi tù 5 năm do sản xuất và bán thực phẩm có hại.

Bà này đã nuôi 220 con cừu và cho chúng ăn phụ gia “siêu nạc”. Đáng nói là Han không thể giúp cơ quan chức năng tìm ra được kẻ đã bán loại phụ gia trên cho mình.

Theo Gao Yunfang, quan chức về an toàn thực phẩm của hạt Changli, tới nay chính quyền vẫn chưa tìm được bằng chứng hữu ích nào về hoạt động sản xuất và bán chất phụ gia bị cấm.

Hiện hai hạt trên đang treo thưởng 20.000 tệ cho những người cung cấp thông tin về các hoạt động phi pháp liên quan tới clenbuterol.

Trong tình hình này, người tiêu dùng hết sức lo ngại. Một người Bắc Kinh 28 tuổi có họ Yang bày tỏ: “Tôi không chắc chắn mua thịt ở đâu thì an toàn. Việc duy nhất tôi có thể làm là ăn ít thịt hơn mà thôi”.

Q.Dương (theo Bejing News)

Đọc thêm