Nguy cơ mất an toàn vệ sinh từ đồ ăn vỉa hè

(PLO) - Thức ăn đường phố đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân thành thị vì nó đáp ứng nhu cầu cần nhanh, tiện lợi và rẻ. Nhưng đằng sau những tiện lợi ấy lại là con đường trung gian dẫn tới nhiều mầm bệnh nguy hiểm.
Hình minh họa

Tiện lợi và thiếu an toàn

Dạo quanh Hà Nội , không khó để bắt gặp những chiếc xe đẩy tự chế, những gánh hàng rong với các mặt hàng đa dạng từ hoa quả dầm cho đến những món ăn được chế biến tại chỗ như: xúc xích, cá viên chiên... với đầy đủ hương vị, màu sắc vô cùng bắt mắt. Điểm chung của các loại thực phẩm này thường có giá rất rẻ, chỉ bằng một nửa thậm chí một phần ba so với những thực phẩm đã được kiểm tra chặt chẽ và được cấp phép. 

Tại ngã tư Hồ Tùng Mậu – Nguyễn Cơ Thạch (phường Mai Dịch – Q. Cầu Giấy)  được xem là tụ điểm của những xe hàng rong bán hoa quả trên tuyến phố này. Khu vực này luôn đầy ắp khói bụi bởi các công trình xây dựng giao thông đang trong giai đoạn thi công. Đó còn chưa kể đến việc, sau lưng khu tập kết hoa quả này là những thùng rác sinh hoạt bốc mùi hôi thối. Những người bán hoa quả ở đây vẫn tay không gọt quả, dầm muối, ớt trong đám khói bụi nồng nặc. Thế nhưng, những xe hàng rong này luôn thu hút nhiều người ghé lại mua bán, thậm chí thưởng thức ẩm thực ngay giữa làn khói bụi.

Tại khu vực chợ Xanh  (Xuân Thủy, Quận Cầu Giấy), theo quan sát của PV có không dưới hai xe bán thực phẩm chiên rán đỗ trên vỉa hè, hay dưới lòng đường tại ngõ 130 Xuân Thủy. Người bán vô tư cho những que xiên thực phẩm đã chuẩn bị từ trước vào chảo dầu được sử dụng nhiều lần tới mức chuyển màu bằng đôi tay trần. Chỉ cần Lật qua, lật lại vài lần những que xiên thành phẩm được người bán vớt ra để cho ráo dầu và không được che đậy bằng bất cứ vật thể gì trong không gian khói bụi.  

Thực tế, câu chuyện chấp nhận sử dụng thực phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ tồn tại ở một số điểm mà còn phổ biến đến từng ngõ ngách. Tại cổng các trường học trên địa bàn TP. Hà Nội, hình ảnh những gánh hàng rong, những quán cóc lấn chiếm vỉa hè, bày bán những que xiên được giới thiệu là bò viên, tôm chiên, há cảo ... đã trở thành một món ăn yêu thích của học sinh, sinh viên. Các món ăn này thường có giá thành rẻ, chỉ từ hai tới mười nghìn đồng đã có thể mua được một hoặc vài que thịt xiên nướng thơm nức, đầy đủ màu sắc.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thu Trang (Sinh viên Trường đại học Thương Mại) – một khách hàng thường xuyên của những gánh hàng rong tại nơi đây cho biết: “Do các loại hoa quả ở đây có mức giá phù hợp túi tiền của đại đa số người lao động và học sinh, sinh viên nên tôi thường xuyên đến đây mua. Hoa quả ở đây cũng đa dạng, phong phú, dễ dàng lựa chọn hơn. Không chỉ tôi, mà các bạn tôi cũng vậy”.

Khi được hỏi về an toàn thực phẩm thì chị Trang thẳng thắn thừa nhận sự thiếu an toàn nhưng vẫn cho rằng  “tiền nào quả nấy”, phù hợp với những người thu nhập còn thấp: “Đôi khi cũng thấy các loại hoa quả này không được an toàn cho lắm! Có nhiều loại quả nhìn bên ngoài còn đẹp nhưng khi cắt ra mới thấy hỏng, có quả thì có vị lạ, đắng ngoét. Nhưng nếu biết chọn lựa thì vẫn nhặt được những quả ngon mà giá cả phù hợp”.

Nguy cơ dịch bệnh

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 1.200 người mắc, 7 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 6-2018, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 284 người mắc, 190 người phải nằm viện và 1 trường hợp tử vong. 

Trong số 16 vụ ngộ độc thực phẩm, có 3/16 vụ do độc tố tự nhiên, 7/16 vụ do vi sinh vật và 6/16 vụ chưa xác định được nguyên nhân. Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

PGS. TS Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân chính của thực phẩm bẩn là do các cơ sở sản xuất, chế biến tại Việt Nam còn nhỏ lẻ. Vì thế, nhiều cá nhân, tổ chức còn chưa ý thức được vấn đề vệ sinh An Toàn thực phẩm trong sản xuất. Dẫn tới việc sử dụng các loại thuốc hóa học, thuốc trừ sâu... không đúng quy định. Tuy nhiên, việc bố trí các lực lượng thanh tra giám sát trên các địa bàn còn mỏng, không nắm bắt kịp các trường hợp vi phạm trong khu vực.

Đề xuất giải pháp xử lý tình trạng mất an toàn thực phẩm đường phố, Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững Châu Á tại Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng: Để chấm dứt vấn đề này thì việc thanh tra, kiểm tra thực phẩm đường phố nên làm thường xuyên để tạo thành thói quen, nếp nghĩ, nếp làm của những người buôn bán đường phố chứ không chỉ làm một đợt, qua rồi thôi.

Kiểm tra, đưa vào quản lý là an toàn hóa thực phẩm đường phố, biến nó thành thói quen có lợi cho người tiêu dùng, là điểm đặc biệt thu hút du khách chứ không phải vừa ăn vừa lo, là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đưa ra dẫn chứng cụ thể rằng: “Ở Thái Lan, Singapore... có những bộ tiêu chuẩn cho những người bán thức ăn đường phố và có hiệp hội những người bán hàng đường phố.

Người bán thức ăn đường phố phải qua một lớp học về an toàn vệ sinh thực phẩm, khi chế biến thức ăn hoặc phục vụ khách ăn thì phải có găng tay, đội nón chụp đầu, thậm chí mặc áo ra sao cũng được quy định chặt chẽ.

Ba, bốn người bán hàng có chung một tủ đông lạnh để bảo quản thực phẩm, những thực phẩm thừa cuối ngày thì được xử lý theo quy trình. Thực phẩm nguyên liệu phải có nguồn gốc, xuất xứ. Hiệp hội những người bán hàng đường phố tự quản, tự cam kết, giám sát nhau và có trách nhiệm đối với nhà nước, với du khách. Đặc biệt, khách ăn thức ăn đường phố được bảo hiểm, bị ngộ độc thực phẩm có quyền khởi kiện và được bồi thường. Người nào vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh sau 1 lần vi phạm (như ở Nhật) hoặc sau 3 lần vi phạm (Thái Lan)”./.

Đọc thêm