Nguy cơ "phá sản" bảo hiểm thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long

Đi đòi quyền lợi bảo hiểm cho gia đình mình, nhưng có lẽ người dân không biết rằng, “thiệt hại” sẽ còn cao hơn thế, bởi có nhiều khả năng chương trình Bảo hiểm Nông nghiệp (BHNN) cho thủy sản tại ĐBSCL sẽ bị ngừng vô thời hạn. Điều này đồng nghĩa với việc, người dân sẽ không còn cơ hội được thụ hưởng và sử dụng công cụ tài chính ưu việt và hiệu quả này trong thời gian sắp tới...

Đã hơn hai tháng nay, việc người dân kéo đến “bao vây” doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, Ban chỉ đạo Bảo hiểm Nông nghiệp (BHNN) và UBND tỉnh Cà Mau phản ánh thắc mắc, “bắt đền” hợp đồng BHNN nuôi tôm… đã trở thành vấn đề “nóng” ở địa phương.

Đi đòi quyền  lợi bảo hiểm cho gia đình mình, nhưng có lẽ người dân không biết rằng, “thiệt hại” sẽ còn cao hơn thế, bởi có nhiều khả năng chương trình BHNN cho thủy sản tại ĐBSCL sẽ bị ngừng vô thời hạn. Điều này đồng nghĩa với việc, người dân sẽ không còn cơ hội được thụ hưởng và sử dụng công cụ tài chính ưu việt và hiệu quả này trong thời gian sắp tới.

Nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long
Nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long

Sau gần 1 giờ chạy cặp bờ kinh xáng, chúng tôi đã gặp các hộ nuôi tôm có tham gia BHNN tại xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau - địa bàn đang “nóng rừng rực” câu chuyện BHNN, bởi từ tháng 5/2013, người nuôi tôm ở đây không thể ký được hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) cho mùa nuôi tôm mới. Còn những người đã ký được hợp đồng trước đó thì đang băn khoăn trước đề nghị sửa đổi một số điều khoản của hợp đồng…

Anh  Nguyễn Văn Sáng, một hộ nuôi của xã Hòa Mỹ cho biết, nhà anh có ba ao nuôi tôm. Mặc dù vụ trước anh không phải nhận tiền đền bù vì trúng mùa nhưng vụ này, cả ba ao đã được anh mua BHNN vì e ngại rủi ro quá lớn.

Anh cũng đã đóng tiền tạm ứng phí BH cho đại lý BH. Vì thế, khi biết doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tạm ngừng ký HĐ mới và thương thảo lại mức biểu phí, một số người dân nơi đây đã phản ứng quyết liệt, thậm chí kéo nhau lên ăn chực nằm chờ tại các trụ sở các cơ quan tham gia Ban chỉ đạo BHNN. Còn bản thân anh Sáng cũng không đồng tình, với lý do “tiền đã đưa là coi như đã có giao kèo với nhau”.

Ngay sau khi biết thông tin về tình hình BHNN ở Cà Mau, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đã tổ chức một chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh này. Theo ghi nhận của đoàn khảo sát, nhiều nông hộ cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 4, sau khi được cán bộ địa phương và đại lý BH tới tuyên truyền, họ đã đóng luôn phí BHNN cho đại lý.

Tuy nhiên, sau ngày 16/5, họ được thông báo sẽ HĐBH sẽ được ký theo quy định mới (Quyết định 1042/QĐ-BTC ngày 8/5/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm tôm, cá ban hành theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 và Quyết định 2114/QĐ-BTC ban hành ngày 24/8/2012) chứ không phải theo quy định cũ (Quyết định 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2012 của Bộ Tài chính). Chính vì vậy, người dân phản ứng dữ dội, bởi quy định mới đã sửa đổi, bổ sung nhiều về mức phí, cả về trách nhiệm và quyền lợi theo hướng xiết chặt hơn nhằm tránh trục lợi BHNN.

Lý giải về tình trạng này, Bảo Minh Cà Mau cho biết: khi Quyết định số 1042/QĐ-BTC có hiệu lực, với số hộ đã tạm đóng phí này, Bảo Minh Cà Mau đề nghị hai hướng giải quyết: một là hộ nào đồng ý theo quy định mới thì tiến hành đánh giá rủi ro và ký HĐBH theo quy định tại Quyết định số 1042/QĐ-BTC. Hai là nếu không đồng ý, Bảo Minh sẽ hoàn lại phí đã đóng trước của các hộ dân.

Cho tới nay, đã có 75/90 hộ dân chấp thuận theo hướng nhận lại phí, hiện chỉ còn lại 15 hộ không đồng ý, cũng không nhận lại phí đã tạm đóng mà đòi phải được ký HĐBH theo quy định cũ (Quyết định 3035). “Vì dân ở đây ở rất rải rác, người mua BH người không, mỗi lần tới chỗ họ phải mất vài tiếng theo đường nước nên chúng tôi thường thu luôn số tiền phí dân phải đóng, sau đó mới về nộp cho DNBH. Khi đó, DNBH mới tiến hành đánh giá thực tế xem có đủ điều kiện không rồi mới cấp hợp đồng, lúc đó chúng tôi lại đem về cho dân” - một cán bộ địa phương làm đại lý BH cho biết.

“Như vậy, số tiền này là tiền tạm đóng phí BH, và do vùng Cái Nước đang trong vùng dịch được công bố nên lẽ ra Bảo Minh sẽ không cấp HĐBH. Nhưng để dung hòa lợi ích của người dân và DN, chúng tôi quyết định vẫn cấp HĐ với điều kiện theo quy định mới thì mới đúng quy định của Luật Kinh doanh BH”- cán bộ Bảo Minh cho biết.

Về việc đóng thêm phí BH theo quy định mới đối với các HĐBH đã ký trước 8/5, do nhận thấy những sơ hở dẫn tới nguy cơ trục lợi cao nên Công ty Bảo Minh Cà Mau tiến hành thương thảo với người nuôi để điều chỉnh lại. Nhiều người dân đồng thuận với cách làm này, bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, những quy định trước đây đã tạo một số kẽ hở để những người nuôi có thể được nhận đền bù cao hơn thực tế chi phí đã bỏ ra. Nhưng cũng có nhiều người căn cứ vào lý do đã ký HĐ nên phản ứng rất mạnh bằng cách kéo lên trụ sở Bảo Minh Cà Mau và các cơ quan trong Ban chỉ đạo BHNN để chất vấn.

Về lý do tạm ngừng triển khai HĐBH mới, lãnh đạo Tổng CTCP Bảo Minh cho biết, là “để tập trung vào công tác rà soát, thẩm định lại các HĐ ký trong thời gian từ đầu năm đến nay cũng như công tác đền bù. Sự thực là DNBH chúng tôi hiện nay không đủ người để cùng một lúc phải giải quyết tốt tất cả các công việc được”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.

Như vậy, dù đã bước sang vụ nuôi cuối cùng trong năm nhưng đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã ngưng đọng hoàn toàn việc ký HĐBH mới cho đối tượng thủy sản.

Ngoại trừ những hợp đồng đã ký tại Cà Mau và Bến Tre, người nuôi thủy sản ở đây lại quay trở lại những năm tháng trước đây, khi chưa được biết đến loại hình BHNN. Dù rằng, trong một hội nghị về vấn đề này vừa diễn ra tại Cần Thơ, sau khi Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí đưa vấn đề ngừng triển khai BHNN lên diễn đàn hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT và các địa phương bằng mọi cách phải tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai việc ký HĐBH cho bà con nuôi thủy sản ở ĐBSCL.

Mỹ Hà

Đọc thêm