Trên khắp nẻo đường thành phố hiện nay có rất nhiều xe gắn máy đã cũ nát chở hàng chạy loạn xạ. Những chiếc xe này ngang nhiên chở với số lượng lớn, nẹt “pô” ầm ầm, xả khói mù mịt, bất chấp những nguy hiểm chực chờ.
Giá rẻ, lợi xăng
|
Nhiều lao động nghèo vẫn đang liều mình mưu sinh với xe máy cà tàng. |
Hầu hết những chiếc xe cà tàng đều đã quá niên hạn sử dụng, không chính chủ, thậm chí đã mất hết giấy tờ. Giá của loại xe này vì vậy chỉ từ 700 ngàn - 1 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi mà lĩnh vực dịch vụ đang phát triển mạnh như hiện nay thì nhu cầu cung ứng hàng hóa cũng không ngừng tăng lên và xe gắn máy cà tàng vẫn được sử dụng rất nhiều. Trên các trang tin rao vặt vẫn thường xuyên đăng những tin mua xe cũ giá cao với số lượng lớn.
Theo anh Minh, chủ một đại lý phân phối gas trên đường Nguyễn Tri Phương, việc sử dụng xe máy cà tàng phục vụ chuyên chở gas mang lại hai cái lợi chính. Đó là số tiền bỏ ra mua xe ít và rất lợi xăng khi sử dụng. “Một xe chạy nhiều, mỗi ngày cũng chỉ tốn khoảng 5-8 ngàn đồng tiền xăng, nếu sử dụng nhiều xe thì một tháng cũng tiết kiệm được số tiền xăng khá lớn”, anh Minh giải thích. Đó cũng là suy nghĩ của nhiều chủ cửa hàng khi sử dụng xe gắn máy cà tàng hiện nay. Cũng vì vậy mà những chiếc xe này được “cày” không thương tiếc, không thường xuyên được sửa chữa nhưng thỉnh thoảng lại được “độ” thêm để tăng hiệu suất sử dụng. Ngoài ra, vì điều kiện khó khăn nên nhiều gia đình vẫn sử dụng xe máy cà tàng để mưu sinh.
Không an toàn
“Việc sử dụng xe máy đã cũ nát, không đầy đủ các thiết bị kỹ thuật để chở hàng không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường mà còn nguy hiểm cho chính những người điều khiển xe”, Thiếu tá Đặng Viết Khôi, Đội phó Đội Tuần tra và dẫn đoàn, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố cho biết như vậy khi đề cập đến vấn đề này. Theo chân những “lái thuê” điều khiển con “ngựa sắt” của mình với các pha xử lý tình huống trên đường phố mới thấy nhận xét này hoàn toàn có cơ sở.
Để xe chở được nhiều, các chủ hàng đã không ngần ngại gắn vào yên sau một khung thép nhằm mở rộng diện tích để hàng. Một chiếc xe gắn máy chỉ còn trơ bộ khung nhưng “cõng” trên mình 4-5 bao đá lớn không còn là chuyện hiếm thấy trên đường. “Chở nhiều và nặng nên tay phải thật khỏe để giữ cân bằng, nếu không thì sẽ bị ngã ngay”, anh Nam, một nhân viên chở nước đá thuê trên đường Yên Bái, cho biết. Vừa gồng mình điều khiển, lại vừa xử lý các tình huống trên đường nên những nhân viên giao hàng này luôn phải tập trung cao độ. “Nếu phanh không ăn thì giảm ga và về số để giảm tốc độ, còn muốn rẽ thì chỉ việc ngoái đầu là người đi sau tự hiểu mình muốn gì”, anh Nam cho biết thêm. Ngoài ra, còn vô số chiêu thức được anh Nam và đồng nghiệp sử dụng khi điều khiển chở hàng như nẹt “pô” thay còi, giơ một bên chân ra thay đèn xi-nhan xin đường… “Biết là nguy hiểm nhưng nếu mình không làm thì sẽ có người khác nhảy vào thay liền”, anh Nam nói thêm. Được biết, ngoài việc bao ăn ở, cung cấp phương tiện giao hàng, mỗi tháng những nhân viên chở thuê cũng nhận được 1,5-2 triệu đồng tiền lương. Đó là số tiền không nhỏ đối với những lao động nghèo.
Trước thực trạng xe máy cà tàng xuất hiện ngày càng nhiều, từ đầu năm đến nay, Đội Tuần tra và dẫn đoàn đã kiểm tra, xử phạt và thu giữ nhiều phương tiện xe máy không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không có giấy tờ hợp lệ. “Những chiếc xe này hoạt động mạnh nhất là thời điểm từ 5-7 giờ sáng, lại rất hay đi ngược chiều”, Thiếu tá Khôi cho biết thêm.
Đã đến lúc cơ quan chức năng nên mạnh tay hơn với những trường hợp sử dụng xe máy cũ nát.
Bài và ảnh: Phan Chung