Hàng chục năm nay, 8 hộ gia đình tại ngõ 58 phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội chịu nhiều thiệt thòi do chưa được gỡ vướng về tính pháp lý của khu đất đang ở. Cả 8 gia đình đều là nghệ sỹ, trong đó có gia đình ông Trần Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) nhiều lần kiến nghị được cấp sổ đỏ nhưng đến nay chưa có kết quả.
Thời gian các hộ chờ đợi sổ đỏ đã 20 năm |
Đủ thứ khổ do nhà không “chính chủ’
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang cho biết, cả cuộc đời ông cống hiến cho đất nước, nay đã 86 tuổi vẫn chưa có nhà yên ổn. Năm 1991, bạn bè, học trò thấy ông vẫn đi thuê nhà đã góp cho ông vay và rủ mua chung miếng đất vốn là ao trồng rau muống. Chuyển về ở được 8 năm thì năm 1998 người bán đất bị TAND quận Ba Đình xử vì vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và quyết định thu hồi toàn bộ số đất nông nghiệp mà 8 hộ xây nhà và làm sân đường đi, giao lại cho UBND quận Ba Đình xử lý giải quyết theo thẩm quyền và pháp luật.
Tuy nhiên, việc thu hồi từ đó đến nay không thành hiện thực. Tại nhiều cuộc họp với chính quyền phường và quận, các hộ ở đây đều kiến nghị được xét cho ở yên ổn, được cấp sổ đỏ vì đã sinh sống hơn 20 năm trên mảnh đất và đóng thuế đất đầy đủ .
Việc ăn ở thực tế nhưng không được chính quyền công nhận khiến quyền lợi của tất cả các hộ ở đây đều bị thiệt thòi. Trao đổi với phóng viên, một Phó Chủ tịch UBND phường Kim Mã thừa nhận: “Chúng tôi biết dân khổ lắm. Không riêng gì nhà ông Quang mà 8 hộ đều cơ cực bấy lâu nay. Không có sổ đỏ thì không nhập được hộ khẩu. Có hộ sống một nơi mà lĩnh lương hưu một nơi, phải đi cả chục cây số rất vất vả. Cư ngụ hàng chục năm ở đây nhưng khi cần chứng nhận cái gì đó thì UBND phường đành bó tay vì không có sổ đỏ, hộ khẩu gì hết. Nơi có hộ khẩu thì họ cũng chẳng biết “ông” là ai mà chứng nhận vì có sống ở đó đâu. Con cái lớn lên không được xác nhận để đăng ký kết hôn vì tại Kim Mã không có hộ khẩu thường trú, quay về nơi ở cũ thì được trả lời là đã chuyển khỏi địa bàn hàng chục năm rồi nên ở đó không quản lý nữa. Các cháu nhỏ là người thiệt thòi nhất, muốn học gần nhà thì đành trái tuyến ”.
Cần sớm gỡ vướng
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Mạnh Cường, cán bộ địa chính phường Kim Mã cho biết, thấu hiểu những khó khăn đó của các hộ dân, UBND phường đã có nhiều cuộc tiếp xúc ghi nhận nguyện vọng và đề nghị UBND quận có hướng xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả và không biết quận đã báo cáo thành phố hay chưa.
Ông Cường cung cấp cho phóng viên văn bản các lần đề nghị của UBND phường. Từ năm 2009 đến nay, có ít nhất 3 văn bản UBND phường gửi UBND quận tháo gỡ để thực hiện bản án, đảm bảo việc quản lý đất đai và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ. Mới đây nhất, ngày 20/5/2011, UBND phường nhắc lại “chuyện cũ”: “Qua các kỳ tiếp xúc cử tri phản ánh đã mua nhà và thời gian ở trên 10 năm, mong muốn được cấp sổ đỏ để ở và nhập hộ khẩu, lĩnh lương hưu tại phường. Xuất phát từ tình hình thực tế nhu cầu của các hộ dân sử dụng nhà đất, nhập hộ khẩu, khai sinh, khai tử, học hành, giao dịch dân sự… là chính đáng. Do vậy, UBND phường Kim Mã kính đề nghị UBND quận báo cáo UBND TP xem xét tháo gỡ việc này”.
Trong quá trình thi hành bản án, căn cứ thực tế, ngày 1/4/2010, Chi cục THADS quận Ba Đình cũng đã có văn bản số 99 gửi Phó chủ tịch UBND quận quận Ba Đình, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo công tác THADS quận, đề xuất: đề nghị UBND quận Ba Đình có văn bản giao các cơ quan chuyên môn kiểm tra lại qui hoạch chi tiết khu vực, đề xuất phương án hợp xử lý để UBND quận ra quyết định: Nếu thửa đất nằm trong qui hoạch xây dựng các công trình công cộng, đề xuất phương án thu hồi đất phục vụ mục đích công cộng; nếu thửa đất nằm trong quy hoạch khu dân cư, đề xuất phương án buộc các hộ gia đình thực hiện đầy đủ các khoản nghĩa vụ với nhà nước, làm thủ tục hợp thức để ổn định cuộc sống cho dân và quản lý của chính quyền.
Xót cho những cựu cán bộ về nghỉ hưu vẫn chưa có nhà “chính chủ”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào tháng 2/2009 đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị: “Bộ VHTT và DL rất mong được UBND TP Hà Nội quan tâm, xem xét đối với những cán bộ, văn nghệ sỹ đã và đang công tác, có nhiều năm đóng góp cho sự nghiệp của ngành văn hóa nói riêng và sự nghiệp của đất nước nói chung”.
Theo chúng tôi, những đề xuất nói trên phù hợp với nguyện vọng của người dân, nhu cầu quản lý của chính quyền và quan trọng nhất là không trái quy định về cấp sổ đỏ trên địa bàn Hà Nội. Tại Khoản 18 Điều 14 Quyết định 117/2009/QĐ-UBND ngày 01/12/2009 của UBND TP Hà Nội quy định về cấp sổ đỏ đã gỡ vướng cho chính trường hợp này: ‘Trường hợp đã có Quyết định của Tòa án nhân dân xử lý thu hồi trước ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2004) nhưng đến nay chưa thi hành, hộ gia đình, cá nhân vẫn đang sử dụng thì UBND quận, huyện, thị xã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát, Tòa án về phương án xử lý thu hồi hoặc công nhận quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận, báo cáo UBND TP chỉ đạo giải quyết”.
Bởi vậy, UBND quận Ba Đình cần sớm có chỉ đạo, gỡ vướng về quản lý đất đai 20 năm nay trên địa bàn và đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân.
Thanh Quý