Nguyện vọng 2: Coi chừng bút sa gà chết

Thời điểm này, lựa chọn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đang là thông tin hot với các thí sinh mùa thi ĐH-CĐ 2010.
Thời điểm này, lựa chọn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đang là thông tin hot với các thí sinh mùa thi ĐH-CĐ 2010.

Ông Nguyễn Vĩnh Thắng, Phó Tổng biên tập tạp chí Thế Giới Mới, cho biết: “Thông tin tư vấn về nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đang rất được các thí sinh, phụ huynh quan tâm”. Vì vậy, cũng dễ hiểu, khi Chương trình Tư vấn giới thiệu “Toàn cảnh xét tuyển nguyện vọng 2 và 3” do tạp chí Thế Giới Mới phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, tổ chức tại TP.HCM mới đây, thu hút đông đảo các thí sinh và phụ huynh.

Các thí sinh tham khảo thông tin nguyện vọng 2 tại Chương trình tư vấn “Toàn cảnh xét tuyển nguyện vọng 2 và 3”.

Năm nay, chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 và 3 tương đối ít, nên tỷ lệ chọi cao. Các thí sinh sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng để không bị tuột mất cơ hội. Nguyễn Trần Minh, thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 vào trường đại học Kinh tế-Tài chính TP.HCM, nói: “Năm ngoái, em có người bạn đủ điểm sàn, nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1. Lúc đăng ký nguyện vọng 2 thì lại đăng ký vào trường, ngành có tỷ lệ chọi cao quá. Rốt cuộc bạn ấy chả trúng được nguyện vọng nào, phải vào học tạm 1 năm ở trường dân lập, rồi năm nay đi thi tiếp. Em sợ vậy nên đến chương trình tư vấn để cân nhắc cho thiệt kỹ”. Những thông tin tư vấn cần thiết, để tránh tình trạng bút sa gà chết, các bạn thí sinh có thể tham khảo trong box dưới đây:
Những lưu ý khi chọn nguyện vọng 2-3


Cho đến thời điểm này, tất cả các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc đã thông báo điểm chuẩn và điều kiện xét tuyển nguyện vọng 2, với mức điểm sàn như Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố: Khối A, D = 13; B, C = 14 thì có rất nhiều thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng đủ điều kiện để xét nguyện vọng 2,3

Theo đó, để đủ điều kiện tìm hiểu và tham gia xét tuyển NV2 thí sinh cần lưu ý các điểm sau: Điểm sàn ĐH đối với học sinh phổ thông ở khu vực 3 khối A và D: 13 điểm, khối B và C: 14 điểm. Điểm sàn đối với các khu vực kế tiếp giảm 0,5 điểm, đối với các đối tượng kế tiếp giảm 1 điểm. Điểm sàn các khối tương ứng của hệ CĐ thấp hơn hệ ĐH là 3 điểm.

Thí sinh có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn hệ CĐ nhưng không trúng tuyển NV1, được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi của trường tổ chức thi để tham gia xét tuyển NV2 và NV3 vào các trường ĐH, CĐ. Hồ sơ xét tuyển gồm: 1 giấy chứng nhận kết quả thi (NV1 giấy số 1, NV2 giấy số 2), thí sinh điền đầy đủ nguyện vọng vào phần để trống; 1 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh và nộp về trường xin xét tuyển nguyện vọng 2 trong thời gian từ ngày 25/8/2010 đến hết ngày 10/9/2010. nguyện vọng 3 từ ngày 15/9/2010 đến hết ngày 30/9/2010.

Theo nguyên tắc xét tuyển NV2, các trường xét tuyển NV2 sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu cần tuyển. Do đó, với những thí sinh có kết quả thi ĐH khối A, D1 là 13 điểm và khối B, C là 14 điểm thì nên chọn NV2 học hệ CĐ trong trường ĐH hoặc trường CĐ còn chỉ tiêu xét tuyển cùng khối thi, trong vùng tuyển. Còn với mức điểm đó, để xét tuyển vào ĐH từ NV2 là rất khó.

Tuy nhiên, từ thực tế tuyển sinh của các năm trước, các trường ĐH, CĐ có xét tuyển NV2 khuyên các thí sinh nên cân nhắc khi đăng ký NV2 ở các trường đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Với mức điểm này, lượng hồ sơ sẽ nhiều hơn chỉ tiêu cần tuyển từ 2 – 2,5 lần. Năm nay, cũng có nhiều trường ấn định điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 bằng điểm sàn quy định của Bộ cho các khối như ĐH Hùng Vương, ĐH Hoà Bình, ĐH Phương Đông, ĐH Đông Đô, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Quảng Bình, ĐH Phú Yên, ĐH Văn Lang, ĐH Đà Lạt, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kỹ thuật công nghệ và các trường ĐH vùng: ĐH Trà Vinh, ĐH Lạc Hồng, ĐH Bình Dương…

Mỗi thí sinh chỉ nộp đơn xét tuyển NV2 vào một trường mà thôi. Do đó, các thí sinh không nên vội vàng nộp hồ sơ ngay, bởi nộp sớm, nộp muộn (trong thời hạn cho phép) đều như nhau, không phụ thuộc vào thời gian nộp hồ sơ.

Khi tham gia xét tuyển NV2 vào các trường đại học, cao đẳng, trước tiên thí sinh cần xem trường xét tuyển NV2 tuyển sinh ở vùng nào hay trên cả nước. Đối với các trường tuyển thí sinh theo vùng thì thí sinh phải xem mình có thuộc vùng tuyển sinh của trường đó hay không. Nếu không thuộc vùng tuyển sinh của trường thì chọn trường khác. Bên cạnh đó các thí sinh cũng nên cân nhắc khi chọn ngành mình sẽ theo học có phù hợp vời khả năng, sở thích của mìnnh hay không, tương lai của những ngành nghề đó trong tương lai sẽ phát triển như thế nào, điều kiện về học phí, chất lượng đào tạo ra sao …

(Thông tin tư vấn của anh Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD&ĐT, văn phòng phía Nam.)

Theo Mai Thụy
VietNamNet

Đọc thêm