Nha đam (còn có tên là lô hội, lưỡi hổ, long tu...) được mệnh danh là “thần dược” mà sự ảnh hưởng của nó đã phá tan mọi quan điểm đối nghịch giữa Đông y và Tây y.
Thực phẩm thanh nhiệt
Theo Đông y, nha đam có vị đắng, tính hàn, tác động vào các kinh Can, Tỳ, Vị và đại tràng nên có tác dụng giải độc, mát huyết, nhuận tràng, giải nhiệt trong những ngày hè nắng nóng. Nghiên cứu từ y học hiện đại lại cho thấy, lá nha đam rất giàu vitamin (A, C, E, B1...) và chứa đến hơn 75 thành phần dưỡng chất, 200 hợp chất khác, gồm có 20 chất khoáng, 18 trong số 23 acid amin cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng của các thức ăn khác tốt hơn.
Phần thịt trong suốt của nha đam có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng như: khi nấu chè hoặc canh sẽ có tác dụng mát gan, nhuận tràng và tăng cường sinh lực. Nếu pha một chút dịch của nha đam vào nước chanh sẽ có tác dụng tốt trong việc giải độc, giảm chứng mất ngủ, viêm khớp, đồng thời làm giảm lượng đường trong cơ thể. Ngoài ra, nha đam còn được chế biến thành các món: gỏi, nhúng bột chiên giòn, trộn salad, hấp với cá... nhưng đơn giản và hiệu quả nhất là trộn nha đam với đường, ướp lạnh rồi ăn tươi, làm nước mát, hoặc dùng để nấu chè.
Tuy nhiên, do nha đam có tính tẩy mạnh nên những người hư hàn, tiêu hóa kém không nên ăn vì dễ dẫn đến tiêu chảy.
Vị thuốc đa năng
Nha đam là một vị thuốc được dùng cả trong Đông y và Tây y. Hoạt chất chủ yếu trong lá nha đam là aloin (chiếm tới 16-20%), có tác dụng nhuận tẩy, đồng thời chứa tinh dầu màu vàng có mùi đặc biệt. Thành phần chất xơ Mino và Glucose Poly Saccharide giúp nhuận tràng. Chất Saponin giúp thanh lọc những độc tố trong cơ thể. Thành phần Anthraquinones Complex giúp giảm đau, trị viêm da, ngăn ngừa tối đa sự xâm nhập của các vi khuẩn.
Khả năng kháng khuẩn: Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh nhựa nha đam có tính sát khuẩn và gây tê, đồng thời làm dịu vết thương khi bị bỏng nhẹ, khi bị côn trùng chích hay da bị rám nắng. Dịch tươi nha đam có tính kháng khuẩn lao.
Làm lành vết thương: Nếu thoa vào vết thương, nha đam có tác dụng gây tê nhẹ và giúp giảm ngứa, sưng đau, tăng lưu thông máu ở vùng bị thương, kích thích các tế bào da có nhiệm vụ làm lành vết thương.
Trị các bệnh đường ruột: Nha đam có khả năng cân bằng lại hệ thống đường ruột bằng cách điều chỉnh độ pH trong đường ruột, cải thiện tính co bóp của ruột, dạ dày, tăng tính nhuận tràng. Đồng thời, khi vào cơ thể, chất đông dính của nha đam tạo ra một lớp màng ở khúc đầu ruột già để ngăn chất độc trong phân không thấm trở lại cơ thể và siêu vi khuẩn không xâm chiếm các tế bào.
Chống béo phì: chất aloin trong lá nha đam rất hiệu nghiệm trong việc giảm cân. Chị em nào muốn có một thân hình nhỏ gọn, đừng quên bổ sung nước ép nha đam vào thực đơn của mình.
Trị viêm loét dạ dày: Uống dịch của lá nha đam vào lúc đói sẽ có tác dụng làm lành vết viêm loét dạ dày (chú ý không được quá 400mg/ngày).
Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Các hoạt chất trong lá nha đam có khả năng kích thích chất insulin tiết ra từ tùy tạng, do đó làm giảm lượng đường glucose đến mức chấp nhận được.
Phòng ngừa sỏi niệu: Các Anthraquinon trong lá nha đam sẽ kết hợp các ion calci trong đường tiểu thành hợp chất tan được để tống ra ngoài theo nước tiểu.
Mỹ phẩm thần kỳ
Dưỡng da, ngăn ngừa lão hóa: Các acid amin và polysaccharide chứa trong lá nha đam giúp tạo ẩm độ trên da, giúp da dễ đàn hồi. Dịch nha đam có tác dụng kích thích tổng hợp các chất collagen và sợi elastin, nên có thể ngăn chặn sự hình thành các nếp nhăn và làm mượt tóc.
Chống mỏi mắt: Nếu mắt bị mỏi, mi mắt nặng, nổi quầng thâm, bạn cắt hai lát nha đam, bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, rồi đắp mặt có chất dịch lên mắt, nằm yên trong 15 phút, bạn sẽ thấy mắt dịu mát, quầng thâm quanh mắt giảm.
Trị mụn: Nha đam có khả năng tiêu diệt mụn và các tế bào chết, thu hẹp các lỗ chân lông, cho bạn một làn da săn chắc. Hãy dùng dịch nha đam bôi ngay vào nốt mụn khi phát hiện ra nó, để ức chế quá trình phát triển.
Bảo Hân