Nhà ở của giáo viên – nỗi lo không của riêng ai!

Chúng tôi vừa có dịp đến thăm khu nhà công vụ (nhà ở giáo viên) tại thôn 3, xã Liên Đầm (huyện Di Linh).
Chúng tôi vừa có dịp đến thăm khu nhà công vụ (nhà ở giáo viên) tại thôn 3, xã Liên Đầm (huyện Di Linh). Phải đợi đến hết giờ lên lớp, chúng tôi mới gặp được các thầy, các cô ở tại khu nhà tập thể giáo viên.
Nhà ở giáo viên xã Liên Đầm.
Cô giáo Trần Thị Lương – Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Liên Đầm I, được giao nhiệm vụ phụ trách khu nhà ở giáo viên, không dấu niềm vui: “Cũng tại khu vực này, trước đây chỉ là nhà tạm, anh chị em giáo viên chúng em tuy có nhà ở, nhưng vất vả lắm. Cứ mỗi lần mưa lớn bị nước phía trên đường 20 đổ xuống ngập, là một lần chúng em phải tát, dọn nhà. Bây giờ thì quá thoải mái, nhờ có nhà công vụ, chúng em yên tâm, chỉ lo việc giảng dạy thôi!”.

Liên Đầm là một trong số 3 xã (Liên Đầm, Sơn Điền và Tân Châu) đã được xây dựng “cụm” nhà ở chung cho giáo viên các cấp học. Theo thầy giáo Trần Văn Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Đầm I: “Năm 2009, với nguồn vốn kiên cố hoá trường lớp, xã Liên Đầm được xây nhà công vụ. Theo kế hoạch, ban đầu là xây cho trường Tiểu học Liêm Đầm I, sau đó điều chỉnh lại làm nhà công vụ chung cho giáo viên các cấp học trong xã chưa có nhà ở”. Tuy vậy, khu nhà công vụ giáo viên xã Liên Đầm chỉ mới có 5 phòng, mỗi phòng giải quyết chỗ ở từ 2 người (giáo viên có gia đình) đến 4 người (giáo viên độc thân), nên hiện vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng trường Tiểu học Liên Đầm I hiện còn có 3 phòng ở tạm (nhà cấp 4 đã xuống cấp, lụp xụp), giải quyết chỗ ở cho 3 gia đình giáo viên. Trường mẫu giáo Liên Đầm, hiện còn 1 giáo viên phải thuê nhà ở.

Di Linh là huyện có địa bàn rộng, số lượng giáo viên khá đông. Chỉ tính số lượng giáo viên (kể cả công nhân viên) do Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện quản lý đã có tới 2.058 người. Những năm trước đây với số giáo viên xa gia đình, việc lo nhà ở là vấn đề khá nan giải, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Từ năm 2008 đến nay, bằng nguồn vốn của chương trình kiên cố hoá trường lớp, huyện Di Linh đã được đầu tư  4 tỷ đồng để xây dựng 8 nhà công vụ (gồm 37 phòng) để làm nhà ở cho giáo viên các xã Gia Bắc, Tân Thượng, Liên Đầm, Tân Châu, Sơn Điền và Hoà Bắc. Trong đó, xã căn cứ vùng sâu Sơn Điền đã được “ưu tiên” đầu tư kinh phí 1,2 tỷ đồng để xây dựng 2 nhà công vụ (gồm 11 phòng) tại Trường Tiểu học Sơn Điền II (3 phòng) và Trường Trung học cơ sở Sơn Điền (8 phòng).

Nhà ở giáo viên tại huyện Di Linh được xây dựng bằng nguồn vốn kiên cố hoá trường lớp, phải theo thiết kế mẫu. Tuy chỉ xây theo tiêu chuẩn cấp 4 nhưng khá khang trang, có công trình vệ sinh khép kín. Trong 3 năm qua, toàn huyện đã xây dựng được 8 nhà công vụ, nhưng cũng chỉ mới giải quyết chỗ ở cho khoảng 130 giáo viên công tác xa gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Tâm – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện Di Linh: Hiện nay, trong toàn huyện (trừ cấp 3), hiện có khoảng 300 giáo viên, công nhân viên công tác trong ngành giáo dục đang có nhu cầu về nhà ở. Trong đó phần lớn tại các xã: Hoà Nam, Tân Nghĩa, Đinh Trang Hoà, Tam Bố, Gia Hiệp, Đinh Trang Thượng và Tân Châu. Các xã Tam Bố, Tân Châu, Gia Hiệp, Liên Đầm, Đinh Trang Hoà, Hoà Trung và Hòa Bắc hiện còn có khoảng 40 phòng ở tạm cho giáo viên, nhưng vẫn chưa giải quyết đủ chỗ ở tạm. Một số còn phải thuê nhà trọ hoặc ở nhờ nhà dân…
Trước “áp lực” nhà ở cho giáo viên vẫn còn khá lớn, trong khi đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà công vụ lại quá hạn chế, năm 2010, huyện Di Linh chỉ được cấp kinh phí 639 triệu đồng để duy nhất xây 1 nhà công vụ giáo viên (6 phòng) tại xã Hoà Bắc, huyện Di Linh không thể hoàn thành kế hoạch là đến năm 2012 phải xây dựng xong nhà công vụ cho giáo viên. Thiết nghĩ, ngoài nguồn vốn của Chương trình kiên cố hoá trường lớp, nên chăng huyện Di Linh có thể vận động “xã hội hoá” để xây nhà ở cho giáo viên, vì đây là nổi lo không của riêng ai!
Bùi Trưởng

Đọc thêm