"Có trường hợp quen biết nhờ tôi bán cho nhà CT1 Ngô Thì Nhậm vì nghĩ rằng sẽ có suất ngoại giao. Nhưng chúng tôi không dại vì quan hệ mà đánh đổi lấy sự sống còn của doanh nghiệp".
Ông Đặng Hoàng Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai đã nói như vậy khi trả lời VnExpress.net.
- 24/11 sẽ tiến hành bốc thăm nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, xin ông cho biết phương thức bốc thăm?
- Thời gian bốc thăm sẽ vào sáng ngày 24/11 tại công ty cổ phần bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai. Người trực tiếp đứng đơn đăng ký mua căn hộ đại diện cho hộ gia đình được vào phòng tham gia bốc thăm. Khi bốc thăm, khách hàng cần mang theo CMTND, biên bản giao nhận hồ sơ. Đối với trường hợp ủy quyền phải phải có đầy đủ thông tin và chữ ký của người ủy quyền.
Chúng tôi đang cân nhắc hai phương án bốc thăm. Phương án thứ nhất là để 230 lá phiếu trúng quyền mua căn hộ, số phiếu còn lại là các trường hợp không trúng. Sẽ bốc thăm cả 501 lần để tìm ra người được quyền mua căn hộ. Phương án hai là mỗi người sẽ ký vào một lá thăm, sau đó cả 501 đươc cho vào hòm xóc thật kỹ. 230 trường hợp được bốc sẽ trúng quyền mua nhà.
Chúng tôi sẽ mời 9 thành phần liên ngành đóng vai trò giám sát việc bốc thăm gồm Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Mặt trận tổ quốc, Sở lao động thương binh xã hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố…
- Trước đó, trên trang web của công ty chỉ có 96 hồ sơ được quyền ký hợp đồng trực tiếp mua căn hộ, nhưng ngày 18/11, công ty lại bổ sung 2 trường hợp nữa. Tại sao vậy, thưa ông?
- Có hai trường hợp này ban đầu chúng tôi đã định loại ra khỏi danh sách. Cả hai trường hợp đều là bố ở với con và người bố chung hộ khẩu với gia đình con trai. Tuy nhiên, phường đã xác nhận người bố hiện là thương binh chưa có nhà và đây chỉ là trường hợp ở nhờ để gia đình người con tiện chăm sóc. Chúng tôi cũng đắn đo nhiều và cuối cùng quyết định cho phép bổ sung hai trường hợp này được mua nhà thu nhập thấp. Sau này hậu kiểm, phường xác nhận sai thì phường phải chịu trách nhiệm.
- Ông khẳng định, nhà thu nhập thấp đến nay vẫn chưa được bán bất cứ một căn hộ nào. Vậy tại sao lại có trường hợp rao bán nhà CT1 chênh với giá hàng trăm triệu đồng?
- Tôi cho rằng đây là trường hợp lừa đảo. Cách đây một tháng, cơ quan điều tra đã phát hiện một doanh nghiệp tư nhân làm giả hồ sơ giấy tờ để lừa đảo người dân mua nhà thu nhập thấp với giá 16 triệu đồng mỗi m2. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở người dân phải liên hệ trực tiếp chủ đầu tư để thông tin được chính xác.
Nhưng có điều dở là dân mình rất thích nghe rỉ tai nhau. Cứ có thông tin bán nhà thu nhập thấp là lao vào mua vì cho rằng kiểu gì cũng có suất ngoại giao bị "tuồn" ra ngoài. Họ không biết đây là nhà chính sách đầu tiên của cả nước bán theo Quyết định 67. Không thể có chuyện suất ngoại giao đối với CT1 Ngô Thì Nhậm, tôi khẳng định điều đó. Chúng tôi cũng không vì một mối quan hệ này kia để đánh đổi lấy sự sống còn của doanh nghiệp.
- Nhưng điều ngạc nhiên là người rao bán căn hộ lại biết chính xác hồ sơ, tên tuổi, số điện thoại của khách hàng?
- Tất cả hồ sơ file cứng, file mềm chúng tôi đều gửi lên Sở Xây dựng và ban liên ngành. Các cơ quan chức năng đã lật từng hồ sơ, xem xét kỹ lưỡng. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, rất nhiều người biết chứ không phải mỗi mình công ty chúng tôi.
Thông tin tên tuổi địa chỉ của khách hàng, chúng tôi công bố công khai trên mạng. Để biết được số điện thoại cũng không khó. Nếu nhắm đến ai, những kẻ "cò mồi" có thể giả vờ là người nhà của khách hàng, thắc mắc một số thông tin, thậm chí trả vờ yêu cầu kiểm tra lại số điện thoại là có thể dò ra thông tin về khách hàng.
- Trước đó, công ty đã đăng tải danh sách 48 trường hợp được chấm điểm bổ sung, nhưng chỉ trong vòng 1 ngày, danh sách này đã bị rút xuống. Vì sao vậy thưa ông?
- Theo công văn của Hà Nội ngày 1/11, chúng tôi hiểu nhà thu nhập thấp ưu tiên cho các gia đình chính sách ở cả nội và ngoại thành. Do đó, chúng tôi đã bổ sung danh sách 48 người này. Nhưng ngày 17/11, Hà Nội ra văn bản nêu rõ, nhà thu nhập thấp chỉ ưu tiên cho 3 quận Đống Đa, Hà Đông và Thanh Xuân nên chúng tôi buộc phải hạ danh sách xuống. Tôi rất thông cảm với 48 trường hợp rơi vào cảnh "sáng mừng chiều hụt" này. Trong quý 1 năm 2011, chúng tôi sẽ bắt đầu bán 600 căn nhà thu nhập thấp ở Kiến Hưng, những hồ sơ nào không mua được ở Ngô Thì Nhậm có thể nộp hồ sơ ở Kiến Hưng
- Nhiều người lo ngại, sau khi được sở hữu nhà thu nhập thấp sẽ xuất hiện tình trạng mua đi bán lại. Theo ông, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
- Theo quy định, nhà ở thu nhập thấp sau10 năm mới được bán tự do nếu đã trả hết tiền. Trong vòng 10 năm, nếu muốn sang nhượng, chủ nhà phải bán cho chủ đầu tư hoặc nhà chính sách. Đúng là không loại trừ trường hợp mua đi bán lại nhà thu nhập thấp nhưng tôi cho rằng, khách hàng sẽ rơi vào tình thế rất mạo hiểm. Bởi nhà thu nhập thấp sau 10 năm mới được cấp sổ đỏ. Người nào mua đi bán lại sẽ phải chịu một rủi ro là đứng tên người khác. Để hạn chế tình trạng mua đi bán lại, công ty chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra đối chiếu, hổ khẩu, chứng minh thư nhân dân với người đang sống tại nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm.
- Xin hỏi ông đã bao giờ nhận được sức ép cũng như lời nhờ cậy phải bán nhà cho những đối tượng thân quen đặc biệt chưa?
- Nhiều trường hợp gọi điện cho tôi nhờ ưu tiên bán nhà cho đứa cháu có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng khi chấm điểm thì lại không đạt. Lúc đó, tôi đành phải từ chối mặc dù biết sẽ mất lòng họ. Chúng tôi cũng bị trách nhiều nhưng biết làm sao, không thể nào từ điểm số 88 mà đẩy lên 90.