Nhà vệ sinh công cộng: Vừa hiếm, vừa bẩn!

Dải vườn hoa trung tâm thành phố thời gian gần đây liên tục bốc mùi nước tiểu hôi nồng khó chịu. Đây là khu vực tập trung đông người mỗi tối, nhưng gần đó lại không có nhà vệ sinh công cộng, khi bí nhiều người chạy thẳng vào vườn hoa để…giải quyết nỗi buồn.

Nhà vệ sinh công cộng: Vừa hiếm, vừa bẩn! ảnh 1
Cửa nhà vệ sinh công cộng trên đường Nguyễn Đức Cảnh luôn khóa chặt

Mỏi chân tìm…

 

Có dịp dẫn người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh ra Hải Phòng tham quan, cô bạn không ngớt lời khen những con đường của thành phố khang trang, sạch sẽ, những khu thương mại sầm uất rực rỡ ánh đèn. Nhưng sau đó, cô cười, dí dỏm:  ở Hải Phòng, có lẽ thứ khó tìm nhất là nhà vệ sinh công cộng! 

 

“Tự ái” trước lời nhận xét của người bạn, quyết làm cho ra ngô, ra khoai, tôi tiến hành cuộc khảo sát về thực trạng nhà vệ sinh công cộng trên quê mình. Sau một ngày lòng vòng qua các con phố ở Hải Phòng, tôi nhận thấy sự thực “đau lòng”: từ những đường phố trung tâm, đến các huyện ngoại thành, tìm “đỏ mắt” cũng không thấy “của hiếm”- nhà vệ sinh công cộng.

 

Chị Nguyễn Thu Hương, hướng dẫn viên một hãng du lịch trên địa bàn thành phố kể, lần đó trên đường dẫn đoàn du khách nước ngoài tham quan chùa Hàng về, chị thực sự lúng túng khi đoàn khách du lịch đặt vấn đề…muốn giải quyết nhu cầu riêng. Cả đoàn lòng vòng qua các phố Tô Hiệu, Mê Linh, Nguyễn Đức Cảnh…mà vẫn chẳng thấy nhà vệ sinh công cộng nào. Sau một hồi hỏi thăm mới tìm thấy ở bên cạnh Nhà hát thành phố. Nhà vệ sinh công cộng đúng là “của quý”- chị Hương than thở.

 

Tâm sự của chị Hương làm tôi chợt nhớ đến tình cảnh “khốn khổ” tương tự của cô bạn. Cuối cùng cô chọn giải pháp… vào uống nước trong một quán cà phê nằm trên đường Trần Phú để sử dụng nhà vệ sinh ở đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng “may mắn” như vậy, không ít người dân ở các tỉnh, thành phố khác hay ở ngoại thành vào nội thành đành phải “nín nhịn” vì không tìm thấy nhà vệ sinh công cộng, thậm chí có tìm thấy cũng khó mà sử dụng.

 

Nói về chuyện “giải quyết nỗi buồn”, nhiều người khẳng định: "Người thành phố khổ hơn ở quê". Nhiều khi “buồn” mà chẳng biết giải toả ở đâu, ở ngoài đường thì không được, còn gì là nét đẹp văn minh. Nếu có tìm được chỗ ấy nhiều khi cũng dở khóc, dở cười, bởi nhà vệ sinh bị bao vây bởi hàng quán, bãi đỗ xe nên chẳng biết đường nào mà vào, nhiều nơi quá bẩn, quá nhếch nhác.

 

Bà Vũ Thị Tuyết, ở đường Trần Phú, bức xúc, có lần bà cùng đứa cháu đi ăn kem ở phố Nguyễn Đức Cảnh. Không may bà bị đau bụng, muốn vào nhà vệ sinh. Sau một hồi hỏi thăm, bà được người dân ở khu vực này chỉ đến nhà vệ sinh công cộng gần Trung tâm giáo dục thường xuyên- cũng nằm trên đường Nguyễn Đức Cảnh. Khi đến nơi, nhà vệ sinh này bị bao bọc bởi nhiều  tấm thảm lớn bé và một quầy hàng bán điều khiển ti vi nằm chình ình giữa lối vào. Nếu không nhìn kỹ ai cũng nghĩ đây là cửa hàng bán các loại thảm chùi chân. Đáng buồn là đến thời điểm này, nhiều nhà vệ sinh công cộng nằm ngay giữa trung tâm thành phố đang bị chiếm dụng  làm nơi kinh doanh bán hàng.

 

Nhà vệ sinh công cộng trên vỉa hè đường Quang Trung không còn tác dụng, bị biến thành kho chứa “chổi cùn, rế rách”

Nhà vệ sinh công cộng trên vỉa hè đường Quang Trung không còn tác dụng, bị biến thành kho chứa “chổi cùn, rế rách”

Cha chung không ai khóc!

 

Dải vườn hoa trung tâm thành phố thời gian gần đây liên tục bốc mùi nước tiểu hôi nồng khó chịu. Đây là khu vực tập trung đông người mỗi tối, nhưng gần đó lại không có nhà vệ sinh công cộng, khi bí nhiều người chạy thẳng vào vườn hoa để…giải quyết nỗi buồn. Được biết, dải vườn hoa trung tâm thành phố dài 2,5km nhưng chỉ có 3 nhà vệ sinh công cộng đặt ở khu vực hồ Tam Bạc. Trong khi hai nhà vệ sinh công công bên hồ Tam Bạc đóng, mở thất thường, nhà vệ sinh còn lại (nằm gần Trung tâm giáo dục thường xuyên như nói ở trên) thì người nào “cấp thiết” lắm mới phải đánh liều vào. Bồn rửa tay cáu bẩn, nước xả không có, người sử dụng phải nhắm mắt thò tay vào bể múc nước dội, dụng cụ là một xô nhựa đã nhuốm màu thời gian. Thêm vào đó là sự bất tiện của việc sử dụng “xí xổm”. Nhiều khách nước ngoài bị rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì… lạ, không biết cách sử dụng. Mà đây là nhà vệ sinh có thu phí, với mức phí 2000 đồng/lần.

 

Hiện nay hầu như người dân “bản địa” không dám bước vào các nhà vệ sinh công cộng. Ngoài việc tình trạng vệ sinh kém, nhiều người còn sợ vào nhà vệ sinh công công mà gặp một anh ngồi lù lù, nhè ven tay ra để chích thì sởn tóc gáy.

 

Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nhà vệ sinh công cộng do chưa được  sự quan tâm đúng mức của các cấp, ngành thành phố. Trước đây, trên địa bàn thành phố có một số nhà vệ sinh công cộng, tuy nhiên, do sự phát triển của kinh tế- xã hội, nhiều nhà vệ sinh bị phá bỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng, trở thành cửa hàng, quầy hàng, văn phòng…Đơn cử như nhà vệ sinh công cộng ở khu vực vườn hoa Chéo, nay được chuyển sử dụng vào mục đích khác. Được biết, thành phố có kế hoạch đặt một số nhà vệ sinh di động tại khu vực dải vườn hoa trung tâm thành phố. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, kế hoạch này vẫn chỉ là…dự định. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người sử dụng quá kém. Với tâm lý “khách vãng lai”, lại ỷ đã trả tiền vệ sinh, rất nhiều người không có ý thức khi sử dụng, khiến nhà vệ sinh công công luôn là “nỗi ám ảnh” bất cứ ai một lần đặt chân vào.

 

Năm 2011, thành phố đặt chỉ tiêu thu hút khoảng 4,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 7,14% so với năm 2010, trong đó khách quốc tế 900 nghìn lượt khách. Tuy nhiên, với tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng và nhà vệ sinh công cộng hiện có kém vệ sinh như hiện nay- một chuyện tưởng chừng “nhỏ như con thỏ”-  liệu Hải Phòng có đủ tự tin để đón những du khách thăm thành phố?

 

Thảo Nguyên

Ảnh: Nhật Lệ

Đọc thêm