Để giải được bài toán kiểm duyệt sách là vô cùng khó khăn, nhất là thời điểm hiện tại. Sau rất nhiều lần bàn cãi và tranh luận với mong muốn tìm ra một đáp số đúng cho bài toán này, cơ quan quản lý chỉ biết đưa ra kết luận: Để có những cuốn sách tốt, không chỉ cần sự tài giỏi mà còn phải có cái "tâm" của người biên tập và nhà xuất bản.
“Sợi xích” - tác phẩm tai tiếng của Lê Kiều Như |
Kiểm định tác phẩm - tiền kiểm hay hậu kiểm?
Trước thực tế, khó khăn trong lĩnh vực xuất bản chất chồng, mô hình Nhà xuất bản (NXB) còn mông lung và chưa thống nhất, đặc biệt là hiện tượng có NXB liên kết tới 80-90%, dẫn đến “lọt lưới” quá nhiều sản phẩm không tốt như hiện nay, Bộ chủ quản đã đưa vấn đề đẩy mạnh hoạt động hậu kiểm ra thảo luận.
Bàn về vấn đề này, nhiều lãnh đạo NXB cho rằn, trách nhiệm chính vẫn thuộc về NXB, trong đó vai trò chủ đạo là Giám đốc NXB. Người dân và báo chí sẽ là đối tượng kiểm duyệt và giám sát nội dung và chất lượng của các tác phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Trọng Quang, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Y học, trong hoàn cảnh NXB ra đời tràn lan, liên kiết ào ào như hiện tại, rất khó khăn cho các NXB trong việc kiểm duyệt tác phẩm. Cụ thể, theo ông Quang, hậu kiểm chỉ giải quyết được một phần, tiền kiểm vẫn là giải pháp an toàn nhất. Bởi, nếu kiểm duyệt tốt ngay từ đầu, sẽ không để lọt sản phẩm không tốt. Nhưng, với cách tiền kiểm kiểu “chỉ đọc thử vài trang” như hiện nay, việc “nhiều NXB không biết sản phẩm của mình, sau khi nó được xuất bản” là khó tránh khỏi - ông Quang lo lắng.
Cùng chung quan điểm, Đại tá - Th.S. Mã Duy Quân, PGĐ - Tổng Biên tập NXB Công an Nhân dân cho rằng: Khi kiểm duyệt tác phẩm, hậu kiểm là cần thiết. Tuy nhiên, “nếu GĐ NXB làm hết trách nhiệm của mình, không cần thiết phải hậu kiểm”. Mặt khác, với trung bình khoảng 20.000 đầu sách/năm như hiện nay, “nếu làm đúng theo Luật Xuất bản, Cục Xuất bản không thể hậu kiểm nổi” - ông Quân khẳng định.
Thừa nhận những khó khăn và thách thức hiện tại, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Đỗ Quý Doãn kết luận, trong thời điểm khó khăn như hiện nay của ngành xuất bản, việc tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài từ hoạt động liên kết xuất bản là việc cần thiết và nên làm. Nhưng, nếu liên kết tới gần 100% thì lại rất nguy hiểm. Để quản lý được hoạt động xuất bản, theo Thứ trưởng, phải có một chế tài rõ ràng, nếu không rất phức tạp...
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Khâu hậu kiểm phải được tiến hành rốt ráo. Không chỉ đọc lưu chiểu 10 ngày, 5-10 tháng, thậm chí 4-5 năm sau mới phát hiện vi phạm vẫn phải bị xử lý như bình thường”...
Cuốn sách tốt = tài + tâm biên tập viên và nhà xuất bản
Để giải được bài toán chất lượng kiểm duyệt là vấn đề không hề đơn giản. Với mong muốn hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, ông Đoàn Trọng Quang cho biết, chưa bao giờ NXB của ông nghĩ tới chuyện liên kết với bất cứ đối tác nào. Bảo toàn cho danh tính của NXB, Đại tá Mã Duy Quân cũng cho hay, NXB của ông rất ít liên kết. Nếu có liên kết thì cũng phải chọn những đơn vị có uy tín để “chọn mặt gửi vàng”. Thậm chí, chỉ thực hiện liên kết một phần nào đó thôi (thực tế NXB Công an Nhân dân chỉ liên kết một số sách về văn, thơ và liên kết với những đối tác có uy tín và độ tin cậy cao).
Đặc biệt, để tránh những sai sót không đáng có, kể cả với những cuốn sách liên kết hay không liên kết, Ban biên tập đều chỉ đạo từ khâu biên tập đến kiểm duyệt rất kỹ càng, bởi chỉ cần một trang xấu thôi, hay chỉ một dòng bị lỗi thôi cũng sẽ ảnh hưởng tới cả tác phẩm.
Bởi vậy, để có một ấn phẩm tốt, theo ông Quân, phải có sự phối hợp và cố gắng lớn từ lãnh đạo tới đội ngũ biên tập viên và cán bộ nhân viên NXB. Cụ thể, lãnh đạo NXB phải luôn phải làm việc hết mình và tinh thần trách nhiệm cao độ; người làm công tác biên tập cũng phải có trình độ chuyên môn cao, tích cực làm việc, đặc biệt phải có đạo đức và tâm huyết với công việc của mình.
Đại diện cho phía đơn vị liên kết, ông Nguyễn Công Sơn - Trưởng Phòng Biên tập, Công ty Cổ phần và Văn hóa Nhân văn bày tỏ quan điểm, hoạt động xã hội hóa lĩnh vực xuất bản, trong đó có việc liên kết xuất bản bên cạnh những mặt hạn chế có những ưu điểm rất lớn. Điển hình, liên kết xuất bản đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho thị trường xuất bản phẩm. Sự tham gia tư nhân trong hoạt động xuất bản cũng giúp cho các NXB thu hồi được vốn rất nhanh, bởi suy cho cùng, theo ông Sơn, đã là kinh doanh thì phải có lợi nhuận.
Thực tế, theo ông Sơn, những “sự cố” xảy ra chỉ là tai nạn nghề nghiệp, không thể tránh được. Trong quá trình hoạt động, không ai muốn điều đó. Tuy nhiên, vẫn có thể tránh được rủi ro nếu các NXB làm việc hết khả năng, trách nhiệm của mình và lựa chọn được những “đối tác” liên kết có uy tín. Bởi thực tế, lỗi xảy ra một phần là do đối tượng liên kết, một phần do NXB vì, thường thì nội dung ấn phẩm là do đơn vị liên kết chuẩn bị nhưng NXB vẫn phải xem lại nội dung, thậm chí cơ quan quản lý cấp cao hơn còn kiểm duyệt lại một lần nữa mới cho phép xuất bản.
Về phía mình, ông Sơn cho biết, Công ty Cổ phần và Văn hóa Nhân văn thường liên kết với NXB Thời đại, Văn hóa Thông tin... Để hạn chế sai sót và rủi ro, từ lãnh đạo đến các cán bộ, công nhân viên của công ty cũng phải nỗ lực và cố gắng rất lớn.
Từ thực tế trên có thể thấy, khâu kiểm duyệt các tác phẩm vẫn là bài toán chưa tìm được lời giải. Và, càng ngày hoạt động xuất bản sẽ phức tạp hơn nếu cơ quan quản lý không siết chặt khâu quản lý và không thực hiện những giải pháp quyết liệt và triệt để. Bên cạnh đó, việc thiết lập một mô hình NXB thống nhất và phù hợp cũng là một đòi hỏi vô cùng bức thiết.
* “Một NXB vào loại lớn chỉ có khoảng 15-20 biên tập viên. Bình quân một biên tập viên cũng chỉ đọc được khoảng 15 -16 đầu sách/năm. Nhưng có NXB thực hiện liên kết tới 450-500 đầu sách/ năm thì làm sao biên tập viên đọc xuể…” Đại tá Mã Duy Quân (PGĐ, Phó Tổng biên tập NXB Công an Nhân dân) * “Nhiều NXB thường xuyên làm theo cách phát hành xong mới nộp lưu chiểu, đến khi bị nhắc nhở mới hoàn tất các thủ tục theo quy định. Muốn biết cụ thể có bao nhiêu cuốn sách xuất bản đã nộp lưu chiểu thì phải làm cuộc tổng điều tra thị trường. Bởi số liệu đầu sách thường căn cứ vào kế hoạch đăng ký nhưng cũng có đơn vị chỉ thực hiện 30% - 40% kế hoạch, cho nên rất khó đối chiếu cụ thể” Ông Nguyễn Kiểm (Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam) |
Lâm Long