Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hôm qua tổ chức Tọa đàm trực tuyến với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành về pháp luật của Bộ Tư pháp nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hôm qua tổ chức Tọa đàm trực tuyến với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành về pháp luật của Bộ Tư pháp nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Khách mời gồm Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế Dương Đăng Huệ và Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương.

Các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm
Các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm

Phải kiểm soát để tránh lạm quyền

Lý giải nội dung mới tại Điều 2 Dự thảo sửa đổi về việc bổ sung yếu tố “kiểm soát” quyền lực nhà nước, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên phân tích: Điều 2 thừa nhận Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nên tất yếu phải đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực.

Ngoài ra, có quyền lực là có nguy cơ lạm quyền, lộng quyền và tha hóa quyền lực, không thể nói quyền lực khi đã trao cho ai đó sẽ bảo đảm thực hiện thông qua lòng tốt của họ mà phải có cơ chế kiểm soát. Không những thế, người dân đã giao quyền lực thì phải có cơ chế kiểm soát để bảo đảm quyền lực trong tay nhân dân và vì lợi ích của nhân dân.

Tuy nhiên, không chỉ bổ sung yếu tố kiểm soát trong Điều 2 mà Dự thảo sửa đổi còn quy định cơ chế hiến định để bảo đảm điều đó. Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên thì đó là 3 yếu tố: kiểm soát phải thông qua nhân dân, nhân dân kiểm soát bằng hệ thống quyền dân chủ trực tiếp và hệ thống các cơ quan, tổ chức xã hội do mình lập ra hoạt động vì lợi ích của mình.

Yếu tố thứ hai, giữa các nhánh quyền lực phải có mối quan hệ thế nào để bảo đảm quyền lực được thực hiện hài hòa. Việc phân định thế nào là lập pháp, hành pháp, tư pháp và quyền của từng cơ quan cũng là một yếu tố để nhân dân giám sát. Thứ ba, thiết lập một số thiết chế hiến định độc lập chuyên trách kiểm soát như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp… “và người dân góp ý xem có cần thiết chế nào nữa không” – Thứ trưởng Liên lưu ý.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của nước ngoài, ông Dương Đăng Huệ cho biết, các nước thường dùng từ “kiềm chế và đối trọng”, chứ “kiểm soát” cũng chỉ ở mức độ “vừa phải”. Còn ông Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, kiểm soát quyền lực nằm trong bức tranh chung về quyền lực nhà nước và “việc xây dựng một bản Hiến pháp tốt thì sẽ là công cụ hữu hiệu để nhân dân kiểm soát quyền lực”.

"Chỉ vài từ nhưng mở rộng quyền của người dân rất nhiều"

So sánh nội dung giữa Hiến pháp hiện hành với Dự thảo sửa đổi về nguyên tắc chủ quyền nhân dân và phương thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân, Thứ trưởng Liên cho biết lần sửa đổi này sẽ hiến định để các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện có hiệu lực hơn, thực chất hơn và mang lại hiệu quả hơn.

“Trước đây chúng ta nghĩ các cơ quan nhà nước khác không do nhân dân trực tiếp bầu ra mà Quốc hội bầu ra, nên không trở thành phương thức để thực hiện quyền lực nhà nước, quyền lực của nhân dân. Còn lần này chúng ta khẳng định, dù các cơ quan nhà nước khác không do nhân dân trực tiếp bầu ra mà do người đại diện của nhân dân bầu ra thì cũng là một trong những chủ thể thực hiện quyền lực của nhân dân”.

Đồng tình với Thứ trưởng Liên, ông Cương nêu quan điểm: “Nếu đọc kỹ lời nói đầu bản sửa đổi hiến pháp và lời nói đầu của bản hiến pháp hiện hành, chúng ta thấy rõ tinh thần đó, trước đây nói nhân dân nguyện ra sức thi hành Hiến pháp, nay trong Dự thảo sửa đổi nói nhân dân xây dựng. Tôi cho rằng đây là bước tiến mới”.

Bà Thoa cũng bày tỏ, Hiến pháp trước quy định nhân dân thực hiện quyền của mình  qua Quốc hội và HĐND, nhưng rõ ràng trên thực tế rất nhiều cơ quan khác được thực hiện và được ủy quyền của nhân dân. “Như vậy việc sửa đổi mới này là nhân dân thực hiện quyền của mình qua Quốc hội, HĐND nhưng đặc biệt bổ sung là “thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Tôi thấy rằng chỉ một cụm từ thôi song rõ ràng quyền của người dân được mở rộng rất nhiều”, bà Thoa đúc rút.

Hoàng Thư

Đọc thêm