Nhận định TTCK tuần từ 28/2 - 4/3

Xin giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến thị trường tuần từ 28/2 - 4/3.

Xin giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến thị trường tuần từ 28/2 - 4/3.

Chú trọng ngành ngân hàng

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM - HSC)

“Các thị trường lấy lại một phần số điểm đã mất trong phiên 25/2 nhưng khối lượng giao dịch đạt thấp và phiên tăng hôm nay không mấy thuyết phục. Độ rộng thị trường mở rộng và hầu hết các mã bluechip đã được mua vào và tăng điểm trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, mức độ tham gia thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài giảm mặc dù khối này đã mua ròng.

Cuộc hội thảo về thị trường chứng khoán được tổ chức ngày hôm qua tại Hà Nội với sự tham gia của các quan chức cao cấp của Bộ tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đại diện từ các công ty chứng khoán đã xác nhận các bước đang được thực hiện để tiến tới cho phép giao dịch ký quỹ; giao dịch nhiều tài khoản; mở quỹ mở vào cuối năm nay. Việc giao dịch mua bán cùng một cổ phiếu trong phiên và có lẽ cả việc bán khống cũng sẽ được cho phép mặc dù thời hạn vẫn chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, yêu cầu về thông tin và công bố thông tin cũng sẽ chặt chẽ hơn. Chúng tôi đã đề cập đến những vấn đề này trước đây và với tình hình vĩ mô khó khăn thì đây sẽ là những động lực chính giúp thị trường đi lên trong năm nay.

Về thông tin từ các doanh nghiệp: VIB (Commonwealth Bank of Australia nắm giữ 15% cổ phần) đã công bố lợi nhuận trước thuế đạt 1.057 nghìn tỷ đồng trong năm 2010, tăng 72%. Đây là những số liệu chưa được kiểm toán và hầu hết các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2010 khả quan nhờ thu nhập lãi ròng đạt cao và nhờ tăng trương tín dụng cao. Năm 2011 sẽ là một năm khó khăn hơn với tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ suy giảm mạnh. Tuy nhiên, cho dù trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại thì ngành ngân hàng vẫn là ngành rẻ ở mặt bằng hiện tại”.

Theo ACBS, mặc dù VN-Index đã trở về vùng hỗ trợ 465-470 nhưng sự hồi phục của thị trường chưa thực sự bền vững - Nguồn ảnh: VNDirect.
Theo ACBS, mặc dù VN-Index đã trở về vùng hỗ trợ 465-470 nhưng sự hồi phục của thị trường chưa thực sự bền vững - Nguồn ảnh: VNDirect.

Không lạc quan trong ngắn hạn

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)

“Nhìn chung, diễn biến thị trường tuần qua tương đối tiêu cực trước các thông tin vĩ mô không khả quan. Tâm lý nhà đầu trở nên bi quan hơn khi Chính phủ có quyết định chính thức về việc tăng mạnh giá xăng, giá điện. Bên cạnh đó, lo ngại trước chủ chương thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán đã cho dấu hiệu rút lui. Hệ quả tất yếu của sự đi xuống trong tâm lý nhà đầu tư cùng với điều kiện vĩ mô khó khăn đã khiến chỉ số VN-Index sụt giảm khá mạnh.

Mặc dù thị trường đã có phần khởi sắc hơn trong phiên giao dịch cuối tuần, tuy nhiên sự khởi sắc này không đi kèm với việc gia tăng của thanh khoản. Do vậy, nhiều khả năng đà hồi phục hiện tại của thị trường chỉ mang tính kỹ thuật sau khi VN-Index đã giảm mạnh nhiều phiên liên tiếp. Chúng tôi đánh giá khá cao các biện pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm sớm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn, tuy nhiên về ngắn hạn, việc thắt chặt tiền tệ sẽ vẫn khiến mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức cao và hạn chế dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.

Do vậy, với diễn biến hiện tại, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm không lạc quan về thị trường trong ngắn hạn và khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường trong thời điểm này”.

Chờ tín hiệu phục hồi rõ ràng

(Công ty Chứng khoán ACB - ACBS)

“Về mặt vĩ mô, Chính phủ chưa có động thái gì mới liên quan đến thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ ngoại trừ việc tái khẳng định chính sách này trong nghị quyết số 11 ban hành ngày 24/2. Trong thời gian tới, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố những bước đi tiếp theo của mình, khi đó tác động của việc thắt chặt tiền tệ mới thật sự được phản ánh trên thị trường chứng khoán.

Về mặt phân tích kỹ thuật, mặc dù VN-Index đã trở về vùng hỗ trợ 465-470 nhưng sự hồi phục của thị trường chưa thực sự bền vững. Thanh khoản trên cả hai sàn sụt giảm mạnh cho thấy thị trường không nhận được hỗ trợ từ phía cầu. Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa dám tham gia vào thị trường do chưa tin tưởng vào khả năng sẽ có một sóng hồi phục mạnh trong thời gian tới.

Với những phân tích trên, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn nên chờ đợi một tín hiệu hồi phục rõ ràng của thị trường trước khi quyết định giải ngân. Nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét mua vào các mã có các yếu tố về mặt cơ bản cũng như tín hiệu kỹ thuật tốt”.

Nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt - AVSC)

“Chúng tôi cho rằng với hàng loạt thông tin vĩ mô tương đối tiêu cực được đưa ra liên tiếp trong hai tuần vừa qua thì thị trường phải có một thời gian tương đối dài mới có thể tìm được điểm cân bằng mới và sau đó cần phải tích lũy một thời gian mới có cơ hội tăng trưởng trở lại. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại những yếu tố bất ổn vĩ mô vẫn đang tồn tại, trước mắt là áp lực lạm phát của tháng 3 sau khi giá điện, giá xăng, tỷ giá tăng mạnh. Vì vậy, nếu có những sóng phục hồi ngắn hạn, thì lợi nhuận thu được trong những giai đoạn này không đủ lớn để bù đắp với rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên đứng ngoài thị trường, quan sát các diễn biến tỷ giá trong thời gian tới và chợ đợi việc công bố thông tin CPI tháng 3 để kiểm chứng những nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ có hiệu quả hay không. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có thể cân nhắc bán ra ở những phiên tăng điểm”.

Hoàn toàn có thể hy vọng

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long - TLS)

"Tuần giao dịch từ ngày 22/2 - 25/2 có lẽ sẽ là tuần giao dịch đáng ghi nhớ của năm 2011. Không những tại thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế khi hàng loạt các thị trường tạm dừng chuỗi tăng điểm do bất ổn chính trị ở khu vực Bắc Phi lan rộng và diễn biến khó lường dấy lên những lo ngại làm giảm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thị trường trong nước thì đón nhận hàng loạt các thông tin bất lợi như thắt chặt tiền tệ, tăng giá điện, tăng giá xăng dầu.

Tuy nhiên, mặt tích cực là Chính phủ đang rất quyết tâm thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường chứng khoán được coi là thị trường của tương lai và các nhà đầu tư hoàn toàn có thể hy vọng thị trường sẽ tốt đẹp khi đã vượt qua những khó khăn hiện tại".

Tiềm ẩn rất nhiều rủi ro

(Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect)

“Chúng tôi đánh giá thị trường còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Về mặt kỹ thuật, việc thị trường tăng điểm sau chuỗi hơn chục phiên giảm điểm chỉ được coi là sự điều chỉnh. Về mặt cơ bản, chúng tôi nhận định tuần vừa rồi chỉ là những phản ứng mang tính chất tức thì của thị trường trước các tin xấu vĩ mô. Hệ lụy của những vấn đề tỷ giá, lạm phát, giá xăng, điện… sẽ vẫn tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và còn tiếp tục tác động không nhỏ đến thị trường.

VN-Index khuyến nghị các nhà đầu tư nên quan sát và chờ đợi tín hiệu rõ hơn từ thị trường. Việc bắt đáy có thể chỉ mang lại mức lợi nhuận mỏng trong khi rủi ro T4 rất cao. Nếu thực sự thị trường đang trong xu thế hồi phục thì việc chờ đợi VN-Index điều chỉnh rồi tăng trở lại mới tham gia thị trường sẽ không làm mất đi nhiều cơ hội của nhà đầu tư”.

Nhiều rủi rõ khi giải ngân

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Woori CBV)

“Sự lưỡng lự giữa người bán và người mua đẩy thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch ngày 25/2. Rõ ràng sự sụt giảm thanh khoản là điểm trừ trong phiên giao dịch ngày cuối tuần. Đây được coi là một tín hiệu trái chiều trong mỗi phiên thị trường tăng điểm. Thực tế, như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo cuối ngày thứ 5, từ mẫu hình nến hammer đến các chỉ báo kỹ thuật khác đang gợi mở khả năng sẽ có những phiên điều chỉnh tăng kỹ thuật xuất hiện xen kẽ trong thời gian tới; và ngày 25/2 có thể đã là một phiên điều chỉnh như vậy.

Để xu thể hồi phục rõ hơn, thị trường cần những tín hiệu cải thiện về khối lượng giao dịch. Có thể thấy, khi dồn dập những tin vĩ mô tiêu cực xuất hiện trong tuần qua, thị trường đã có những phản ứng tức thì. Do vậy, khi những tin xấu đã ra hết, có thể kỳ vọng thị trường sẽ giảm thiểu được những đợt sụt giảm mạnh như thời gian qua trong tuần tới. Xu hướng thắt chặt tiền tệ của chính phủ vẫn đang có những ảnh hưởng không có lợi cho thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Do vậy, hoạt động giải ngân vào thời điểm này vẫn phải đối mặt với rủi ro giảm giá ở mức cao”.

Vẫn có khả năng tăng điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT - FPTS)

“Sau những phiên giảm mạnh, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như PVF, MSN, FPT, VIC… tăng giá trở lại đã giúp VN-Index không những thoát hiểm cuối phiên mà còn báo hiệu đà giảm điểm sẽ chấm dứt trong tuần sau. Trong khi đó, diễn biến tại sàn HNX cũng khá tích cực với sắc xanh duy trì trong hầu như toàn bộ thời gian giao dịch.

Quan sát hoạt động giao dịch của nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy: Tâm lý - yếu tố chi phối mạnh thị trường chứng khoán Việt Nam của đại bộ phận nhà đầu tư - đã bình ổn hơn, sự sợ hãi dường như đã tan biến. Do đó, nếu không có thông tĩn vĩ mô xấu công bố vào đầu tuần tới thì khả năng tăng điểm của các chỉ số hoàn toàn có thể xảy ra. Dù vậy, đó chỉ là sự phục hồi mang tính kỹ thuật sau khi các cổ phiếu đã giảm khá mạnh trong một thời gian ngắn. Tương lai của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn chưa thể mang lại niềm vui cho nhà đầu tư”.

* Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

24H.COM.VN (Theo VnEconomy)

Đọc thêm